"Ưu tiên nghiên cứu khoa học và khuyến nông"

Thứ năm, 11/12/2014 09:43

Đó là một trong những giải pháp nhằm thúc đẩy khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được đưa ra tại "Hội thảo Khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Xây dựng nông thôn mới" do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 6/12/2014, tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự và chủ trì hội thảo.

img

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh báo cáo tại hội thảo cho thấy, giải pháp quan trọng hàng đầu để thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật, bao gồm cả công nghệ cao. Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư phát triển nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ nông nghiệp. Hệ thống các tổ chức nghiên cứu và chuyển giao được tăng cường, nhân lực được đào tạo, cơ chế chính sách có nhiều đổi mới. Trước nhu cầu phát triển của ngành cần nỗ lực, đẩy mạnh hơn nữa phát triển nghiên cứu và chuyển giao khoa học và công nghệ, phát huy cao hơn vai trò của hệ thống các viện, trường, hệ thống khuyến nông, đặc biệt khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp.

Ngoài các tổ chức nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và PTNT, có một lượng lớn nhân lực nghiên cứu trong các tổ chức khoa học công nghệ thuộc các bộ, ngành khác; các trung tâm, trạm nghiên cứu thuộc tỉnh, thành phố; các tổ chức nghiên cứu thuộc các hội, hiệp hội. Nhân lực hệ thống khuyến nông (với hơn 36.000 người) đã tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp nông thôn. Cả nước hiện có trên 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Mặc dù số doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ không nhiều, nhưng nhiều doanh nghiệp đã coi việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh đã đầu tư cho khoa học công nghệ rất lớn.

Theo Bộ Khoa và Công nghệ, tổng kinh phí đầu tư cho nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lí trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2008 - 2013 là 2.143 tỷ đồng (chiếm 30%). Kinh phí sự nghiệp cấp riêng cho Bộ Nông nghiệp và PTNT trong giai đoạn này là gần 4.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 13% tổng kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ cả nước.

Trong những năm qua, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ  (giống, chế phẩm, quy trình công nghệ mới) được chuyển giao áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam. Các giống cây trồng mới như lúa, cao su, cà phê, tiêu... đạt năng suất cao hàng đầu thế giới, việc áp dụng các quy trình công nghệ mới đã giảm chi phí đầu tư, góp phần tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế. Công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ được thúc đẩy tập trung vào các sản phẩm chủ lực của ngành, từ đó góp phần tạo thêm ngành nghề mới, thêm việc làm mới ở nông thôn. Trong lĩnh vực trồng trọt đã công nhận được 48 giống lúa mới giúp tăng 10 - 15% năng suất. 26 giống ngô mới được công nhận, có nhiều giống khả năng chịu hạn, sâu bệnh, năng suất tốt có thể lên tới 10 tấn/ha, tương đương các giống ngô nhập nội. Tính đến hết năm 2013, có 47 giống cây trồng được tạo ra bằng ngân sách nhà nước được chuyển nhượng cho doanh nghiệp. Lĩnh vực công nghệ sinh học, chăn nuôi, thú y, lâm nghiệp, thủy sản, công nghệ chế biến, bảo quản và sau thu hoạch, thủy lợi đã đạt được một số thành tựu nhất định.

Bên cạnh các kết quả đạt được, nhìn chung trình độ khoa học công nghệ nông nghiệp trong nhiều lĩnh vực của nước ta còn thấp và chậm phát triển, có khoảng cách khá xa so với thế giới và khu vực. Thành tựu mới chỉ đạt được đối với một số sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra, lúa, ngô, tiêu, cà phê, cao su và một số cây trồng khác. Nghiên cứu còn phân tán, thiếu tính đột phá và tính ứng dụng không cao.

Trong mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên nghiên cứu khoa học và khuyến nông. Trong đó, các giải pháp chủ yếu mà Bộ Nông nghiệp và PTNT tập trung thực hiện gồm: Khẩn trương hoàn thiện đồng bộ cơ chế chính sách đổi mới để thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn. Hoàn thiện cơ chế đặt hàng sản phẩm khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Rà soát, chuyển đổi cơ chế hoạt động của các tổ chức khoa học công nghệ nông nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ trong nông nghiệp, khuyến khích tạo mọi điều kiện để thúc đẩy việc mua bán, chuyển nhượng bản quyền đối với các sản phẩm khoa học công nghệ tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước.

Báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại hội thảo cho biết, trong thời gian tới công tác khuyến nông đổi mới cả về nội dung phương pháp hoạt động để nâng cao hiệu quả góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Đề án tái cơ cấu ngành và chương trình xây dựng nông thôn mới ở nước ta. Hiện, Trung tâm đã tổ chức 02 hội thảo giới thiệu tiến bộ kỹ thuật mới nhằm cùng các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân tìm ra được những phương thức, mô hình, cây, con giống thích hợp phục vụ việc nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh cải thiện thu nhập, góp phần đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật mới đến với bà con nông dân. Giúp hoạt động nông nghiệp nông thôn phát triển bền vững phục vụ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới.

Qua ý kiến của các tỉnh: Lâm Đồng, Bình Định, và Quảng Ninh, cùng một số doanh nghiệp cho thấy, phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp cần tăng cường khuyến khích, thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các nghiên cứu sẽ được chuyển giao, tạo mối liên kết chặt chẽ với người nông dân hơn.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày một hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, khoa học công nghệ chính là khâu then chốt thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp. Đồng chí đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp trong công tác nghiên cứu và chuyển gia. Bộ trưởng lưu ý, Khuyến nông phải được đổi mới mạnh mẽ, tập trung vào những mô hình trọng điểm để đạt được kết quả cao hơn. Bộ trưởng mong muốn các viện, trường, các nhà quản lý, nhà khoa học, cùng các Bộ, ngành quyết tâm cao, đồng lòng đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ  - Nguyễn Quân chia sẻ, ngành nông nghiệp rất quan tâm tới việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nâng cao năng suất, chất lượng. Hiện nay, Bộ đã cơ bản hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới Luật Khoa học công nghệ. Bộ trưởng Nguyễn Quân hy vọng, khi những cơ chế chính sách mới này chính thức có hiệu lực sẽ là một khoán 10 mới trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Sau một ngày tham dự và nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, các viện, sở nông nghiệp tỉnh, thành phố; đại diện doanh nghiệp báo cáo, chia sẻ, kiến nghị và trao đổi các cơ chế, chính sách dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ của ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia xếp thứ hạng cao về xuất khẩu nhiều loại nông sản trên thế giới. Nông nghiệp trong những năm qua luôn là chỗ dựa cho nền kinh tế và là ngành mang tính xã hội cao. Để duy trì tăng trưởng của ngành sản xuất nông nghiệp cần phải đổi mới về nhận thức và cách tiếp cận trong sản xuất nông nghiệp, nhất là các yếu tố về khoa học công nghệ. Các viện, trường có vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu khoa học nông nghiệp sẽ có những cơ chế tiến tới cho phép các cơ sở nghiên cứu khoa học hoạt động như doanh nghiệp khoa học, hạch toán như doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp các ý kiến đóng góp đề xuất Chính phủ các biện pháp để tháo gỡ để thúc đẩy các nguồn lực về khoa học công nghệ nhằm nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm nông sản và thu nhập của nông dân. Các đơn vị liên quan cần có tinh thần cầu thị, không ngại khó, mạnh dạn làm thử khi thực hiện các đề tài, dự án về khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Các cơ sở nghiên cứu khoa học không chỉ quan tâm những công nghệ hiện đại, đầu tư lớn, mà nhiều sáng kiến nhỏ trong ứng dụng khoa học công nghệ cũng cần được chú trọng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tương lai trong 20 năm tới, Việt Nam phấn đấu trở thành nước có thứ hạng trên thế giới về nông nghiệp công nghệ cao.

Trong khuôn khổ hội thảo, đã có trên 20 gian hàng tham gia triển lãm trưng bày giới thiệu các thành tựu khoa học công nghệ  trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham gia trưng bày 02 gian hàng, giới thiệu hoạt động thông tin tuyên truyền, đào tạo huấn luyện, các sản phẩm thuộc dự án khuyến nông trung ương và địa phương thực hiện từ năm 2011 đến nay trong các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, khuyến lâm, khuyến công và khuyến ngư đến hàng trăm đại biểu tham dự hội thảo.
 

Khuyennongvn.gov.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top