Xã Định Trung – TP Vĩnh Yên: Tìm hướng đi cho sản xuất rau an toàn

Thứ tư, 09/09/2015 15:22

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị của thành phố Vĩnh Yên, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Định Trung đã có chủ trương quy hoạch vùng sản xuất rau theo hướng sản xuất hàng hóa.

img

 Giàn mướp hương được sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Ảnh Thái Hưng

 Với đặc điểm đồng đất phù hợp để trồng các loại cây rau màu, xã Định Trung hiện có 64,8 ha đất trồng rau trên tổng diện tích đất canh tác là 302 ha. Xã đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa nhiều giống cây có năng suất cao vào sản xuất, tăng cường diện tích rau vụ Đông. Đặc biệt, xã cũng đã có quy hoạch vùng sản xuất rau sạch tập trung gồm rau hữu cơ và rau an toàn để cung cấp sản phẩm rau sạch cho thị trường. 

Tiếp nhận các dự án sản xuất rau an toàn
 
Năm 2006, xã Định Trung là một trong những vùng được lựa chọn để tham gia dự án rau hữu cơ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tổ chức phát triển nông nghiệp Đan Mạch – Châu Á (ADDA) thực hiện. Ban đầu có 17 hộ được chọn tham gia dự án ADDA, các hộ được hỗ trợ tiền mua giống, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón vi sinh và đặc biệt là được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản.
 
Sau khi dự án ADDA kết thúc năm 2009, Định Trung tiếp tục được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đầu tư triển khai dự án trồng rau an toàn từ 2010 – 2013 trên cơ sở duy trì quy trình, kỹ thuật trồng rau hữu cơ trước đó. Nhận thấy những lợi ích thiết thực mà dự án mang lại, nhiều hộ nông dân trong xã tích cực đăng ký tham gia. Đến nay toàn xã có 60 hộ đã tham gia sản xuất trong vùng rau an toàn với diện tích 5,4ha, trong đó 30% hộ sản xuất rau hữu cơ và 70% hộ còn lại sản xuất rau an toàn.
 
Việc tham gia dự án rau hữu cơ là một bước chuyển đổi lớn làm thay đổi tập quán trồng rau của bà con. Trước đây, người dân Định Trung quen dùng thuốc hóa học, phân tươi bón rau trực tiếp. Tham gia dự án trồng rau hữu cơ, bà con được tập huấn và thực hành phương thức canh tác mới hoàn toàn, chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vi sinh. 
Từ năm 2013, dự án rau an toàn của Trung ương Hội nông dân kết thúc, một số hộ nông dân đã tiếp tục phối hợp cùng công ty Vietgarden tiến hành sản xuất và cung cấp rau hữu cơ ra thị trường.
 
Tăng cường tập huấn khoa học kỹ thuật
 
Theo ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch Hội nông dân xã Định Trung, hàng năm bà con đều được các ban ngành đoàn thể của tỉnh như:  khuyến nông, phòng kinh tế, hội nông dân thường xuyên tập huấn sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ, vietgap và rất nhiều lớp về dạy cho bà con không những vùng rau an toàn mà cho cả bà con trong xã. “Bà con bây giờ nắm rất vững về các kỹ thuật trồng rau, từ việc làm đất, lựa chọn giống đến cách chăm sóc, thu hoạch. Nếu nói về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, bà con là người trực tiếp sản xuất nên họ còn giỏi hơn mình” – Ông Hùng cho biết.
 
Phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Định Trung. Ảnh Thái Hưng
 
Khó khăn khâu tiêu thụ
 
Mặc dù một số hộ tham gia dự án rau hữu cơ được phối hợp với công ty tiêu thụ sản phẩm, phần lớn người dân phải tự đem ra chợ hoặc bán cho các thương lái. Đây là khó khăn rất lớn cho bà con sản xuất rau hữu cơ và rau an toàn. Nếu sản xuất rau theo đúng quy trình và áp dụng các biện pháp sản xuất hữu cơ, rau sẽ có mẫu mã không đẹp và chi phí cao, như vậy sẽ rất khó bán. Cũng chính vì chưa có nơi bao tiêu cho sản phẩm mình làm ra nên bà con cũng tự tìm hướng đi cho mình, để cho có năng suất và giá thành đáp ứng cho thị trường.
 
Một trong những khó khăn nữa đặt ra đó là, mặc dù được sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn về mẫu đất, mẫu nước đảm bảo nhưng chưa có chứng nhận về thương hiệu. Chương trình sản xuất rau hữu cơ mới chỉ là xây dựng mô hình để hướng dẫn bà con chuyển đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm để sản xuất rau hữu cơ phục vụ thị trường nhưng chưa có chứng nhận về nông nghiệp hữu cơ. Chính vì quy trình giám sát sản xuất rau hữu cơ rất chặt chẽ nên hiện nay ở xã mới chỉ dừng lại ở một nhóm hộ được xác nhận nhóm nông dân tuân theo quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. 
 
“Bây giờ nếu có một chỗ thu mua tốt mà họ yêu cầu mình sản xuất theo đúng quy trình thì chắc bà con cũng sẽ làm nhưng vì không có nên bà con tự vận động nên bà con sẽ làm theo cái cách mà bà con cho rằng nó sẽ dễ tiêu thu được”  - Ông Hùng chia sẻ. Tuy vậy ông Hùng cũng cho biết: “Mặc dù vậy, xã vẫn thường xuyên phối hợp với phòng nông nghiệp huyện, hàng tháng vẫn lấy mẫu rau để thử dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng hóa chất đa phần đảm bảo an toàn”.
 
Người dân trồng rau hữu cơ tưới rau từ nguồn nước sạch được đào từ giếng. Ảnh Thái Hưng
 
Theo tính toán của bà con trồng rau, thu nhập từ trồng rau có thể cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa, thậm chí cao hơn nhiều lần nếu trồng rau trái vụ thành công. Lúa 1 sào thì mỗi vụ 1,5 -2 tạ, một năm được 3 tạ thóc, cao đến 4 tạ là cùng, 2 tạ nhân với giá thị trường thì được 1,2 triệu, trong khi đó rau quay vòng thì ít nhất được 3 lứa, trừ chi phí mỗi lứa cũng được 5-7 triệu. Hoặc đơn giản như vụ này người ta làm có 40-45 ngày 1 lứa dưa lê, thu hoạch trong vòng 1 tuần rồi lại quay sang lứa khác, có nhà quay 2 lứa, mỗi lứa thu được ngót chục triệu, nên bà con giờ đa dạng cây rau quả, đáp ứng nhu cầu thị trường.
 
Tìm hướng đi cho sản xuất rau hữu cơ, rau an toàn
 
Cũng theo ông Hùng, nhà nước nên đầu tư cho nông nghiệp một số nhà máy chế biến nông sản, chế biến bảo quản và bao tiêu sản phẩm cho bà con, từ đó mới thúc đẩy bà con sản xuất được còn bây giờ sản xuất là tự phát là chính.  “Xã chỉ đạo trồng bắp cải nhưng người ta chả thích người ta trồng xu hào cho nên không thể thành vùng là như thế, mình không bao tiêu được sản phẩm đâu mà bảo người ta làm”
 
Một người dân Định Trung cần mẫn tưới nước cho ruộng rau mới trồng. Ảnh Thái Hưng
 
“Chúng tôi vẫn khuyến khích bà con làm 1 vùng 2 ha trở lên thì tỉnh năm nào cũng hỗ trợ 2 triệu đồng/ha nếu quy mô 2ha trở lên sản xuất một loại nhưng mà nếu sản xuất một thứ thì bán cho ai được, cho nên vẫn kìm hãm sản xuất, mặc dù chúng tôi rất trăn trở muốn làm việc với phòng kinh tế và các cấp hội mong muốn có nơi bao tiêu cho bà con nhưng khó, thành phố cũng khó, chỉ hỗ trợ được  chuyển giao khoa học kỹ thuật và một phần kinh phí để động viên bà con về giống, phân” – trăn trở của Chủ tịch Hội nông dân xã. 
 
Đó cũng là bài toán đã được đặt ra từ lâu trong việc liên kết 4 nhà: nhà nông – nhà khoa học – nhà nước – nhà doanh nghiệp.  Điều này rất cần sự chủ động vào cuộc của các cấp quản lý, các tổ chức, hiệp hội trong việc hỗ trợ nông dân mở rộng phát triển sản xuất.
P. Bình
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top