Dâu “khủng”, siêu ngọt, siêu dài

Thứ ba, 15/04/2014 08:43

Giống dâu này năng suất có thể lên tới 40 tấn/ha/năm, cho thu nhập hàng tỉ đồng/ha/năm. Theo đánh giá, đây là giống dâu có chất lượng ngon và tốt nhất thế giới hiện nay.

img

Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây (Trường ĐH Thành Tây, Hà Nội) vừa SX thử nghiệm thành công giống dâu siêu dài, siêu ngọt, năng suất có thể lên tới 40 tấn/ha/năm. Giống “siêu dâu” này có khả năng cho thu nhập hàng tỉ đồng/ha/năm, đồng thời mở ra triển vọng lớn để SX nước ép, rượu, vang dâu... tại Việt Nam.

“Thiên hạ đệ nhất dâu”

TS Vũ Văn Định (Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây) gọi điện cho tôi giọng hồ hởi khoe: “Mời anh sắp xếp thời gian lên thăm vườn nhanh kẻo hết mùa, có cái này cho anh xem, hay lắm”.

Về quy trình trồng, kỹ sư Trần Văn Định cho biết do là giống dâu đa bội nên để có nguồn giống, phải nhân giống vô tính bằng kỹ thuật ghép cành. Theo đó, gốc ghép có thể lấy từ nguồn dâu tự nhiên hiện nay (gieo hạt dâu tự nhiên). Sau khi gốc ghép gieo được 2 - 3 tháng, có thể tiến hành ghép bình thường. Sau khi trồng một năm, đã có thể tiến hành tỉa cành, tạo tán. Lá dâu cũng có thể tận dụng rất tốt làm nguồn thức ăn rất có chất lượng cho gia súc.

Sáng hôm sau, tôi tò mò đánh đường lên vườn khảo nghiệm giống cây trồng của Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây tại xã Cư Yên (huyện Lương Sơn, Hòa Bình). Cánh cổng tường rào mở ra, đập vào mắt là vườn dâu tán xum xuê, mặc dù mới chỉ trồng chưa đầy một năm nhưng thân đã cao 2 - 3 m, lá nào lá nấy to như lá bàng.

Ngạc nhiên hơn nữa, cành dâu nào quả cũng trĩu trịt, kết thành từng chùm buông dài lòng thòng, trông giống hệt những chùm quả đậu đũa.

Tôi ướm thử, thấy đa số những quả dâu đều lớn cỡ ngón tay út, chiều dài trung bình khoảng 15 - 16 cm, quả dài có thể tới gần cả gang tay (18 - 20 cm).

Bất ngờ hơn nữa, khi hái mấy quả còn xanh, màu hồng nhạt ăn thử, thấy vị ngọt lịm, kể cả quả còn non cũng ngọt chứ không chua lè lưỡi như dâu ta.

Những quả dâu đã chín ngả màu mận, ăn vị ngọt lừ.

Bà Quách Thị Yến, một người dân địa phương ở xã Cư Yên nghe tiếng tới thăm vườn dâu cùng với tôi há hốc miệng ngạc nhiên: “Dâu ta quả lớn nhất chỉ như đầu ngón tay, chưa khi nào tôi thấy loại dâu nào quả dài ngoẵng, lại ngọt như thế”.

TS Vũ Văn Định cho biết, giống dâu này có nguồn gốc từ Đài Loan, được Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây nhập khẩu về sản xuất thử từ tháng 5/2013. Đến nay, mặc dù mới chỉ trồng được chưa đầy một năm nhưng dâu đã ra quả bói lứa thứ hai và bắt đầu bước vào giai đoạn thiết kế tán.

Theo đánh giá của chuyên gia, đây là giống dâu có chất lượng ngon và tốt nhất thế giới hiện nay bởi giống dâu này là duy nhất trên thế giới không có vị chua, có hàm lượng đường đạt tới 20 độ, ngọt lịm, hương vị tươi mát, thành phần dinh dưỡng phong phú...


Một nhánh “siêu dâu” trĩu quả

Cụ thể, ngoài độ đường rất cao, còn có nhiều thành phần dinh dưỡng với hàm lượng rất cao như protein (1,7 g/100g); vitamin A, C; sắt, đồng, kali, natri, canxi, kẽm...; axit béo, xenluloza... Do ưu điểm phong phú các chất protein hoạt tính, vitamin hoạt tính, các axit amin, carotene hoạt tính và các thành phần khoáng chất với rất nhiều công hiệu nên giống dâu này được giới y học gọi là “ trái cây bảo vệ và tăng cường sức khỏe hiệu quả nhất thế kỷ 21”.

Đây cũng là giống dâu rất có tiềm năng và triển vọng trong việc phục vụ SX các sản phẩm nước ép trái cây cao cấp, SX rượu, vang dâu... cũng như nhu cầu ăn tươi. Đặc biệt, thị trường SX các mặt hàng này tại Việt Nam hiện nay còn có tiềm năng rất rộng.

Giống dâu này có thể ra quả rải rác trong cả năm, nhưng chủ yếu tập trung vào hai vụ chính. Vụ xuân ra quả tháng 2, thu hoạch tháng 3. Vụ thu đông ra quả tháng 9, thu hoạch tháng 10.

Được biết, ngay sau khi biết tin Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây SX thử nghiệm thành công giống dâu này, hiện tại đã có một DN chế biến hoa quả tại Thanh Hóa đăng ký hợp tác với Viện bước đầu trồng với diện tích khoảng 10 ha để SX nước cốt dâu.

Dễ trồng, năng suất khủng

Về đặc điểm sinh học, theo TS Vũ Văn Định, đây là giống dâu được lai tạo từ nhiều giống dâu hoang dại nên dễ tính không thua kém dâu ta, có khả năng thích nghi rất rộng với điều kiện khí hậu và đất đai của nước ta, đặc biệt là khả năng chịu hạn rất tốt.

Tại diện tích trồng thử nghiệm ở xã Cư Yên (huyện Lương Sơn, Hòa Bình), mặc dù được trồng vào mùa hè, điều kiện nước tưới rất khó khăn nhưng dâu vẫn phát triển tốt. Sau khi trồng 4 - 5 tháng, dâu đã bắt đầu cho quả bói.

Với mật độ trồng khoảng 2.000 cây/ha, ngay ở năm đầu tiên, dâu đã cho thu hoạch bói với năng suất từ 5 kg/cây.

Bước sang năm thứ 2, sẽ có khả năng cho thu hoạch trung bình 10 kg/cây/năm (tương đương khoảng 20 - 25 tấn/ha/năm).

Bước sang năm thứ 3, dâu hoàn toàn trưởng thành và có khả năng cho năng suất ổn định từ 20 kg/cây/năm trở lên (tương đương hơn 40 tấn/ha/năm), nếu thâm canh tốt và được mùa, giống dâu này có thể cho năng suất tới 100 kg/cây/năm.

Là cây thân gỗ, giống dâu này có thể có chu kỳ khai thác với năng suất ổn định trong vòng hơn 10 năm mới bắt đầu giảm năng suất nên chi phí đầu tư rất thấp.
 

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top