Chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu lao động sang Đài Loan

Thứ tư, 05/03/2014 14:49

14 công ty xuất khẩu lao động của nước ta và 11 công ty môi giới Đài Loan sẽ bị tạm dừng có thời hạn cung ứng lao động và xác nhận hồ sơ tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan. Đây được xem là động thái mạnh tay của Bộ LĐ, TB và XH nhằm chấn chỉnh việc các doanh nghiệp chặt chém người lao động.

img

Nguồn: radiovietnam.vn 

Đài Loan là thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) lớn nhất của nước ta. Từ tháng 11.1999 đến nay, bình quân mỗi năm cả nước đưa khoảng 23.000 lao động, riêng năm 2013 là 46.000 lao động, sang thị trường này.  Hiện nước ta có số lượng lao động làm việc tại Đài Loan đông thứ hai (sau Indonesia) với khoảng 93.000 người.

Phó chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Phạm Đỗ Nhật Tân cho biết, đối tác Đài Loan có nhiều đánh giá tích cực về lao động Việt Nam. Cùng với đó, hệ thống pháp luật về lao động nước ngoài của thị trường này luôn có sự điều chỉnh theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền lợi người lao động và có nhiều kênh bảo vệ người lao động nước ngoài. Đây cũng là thị trường trọng điểm của ngành XKLĐ. Tuy nhiên, có một nghịch lý là dù có đông lao động nhất nhưng Đài Loan lại là thị trường mà người lao động phải đóng phí cao nhất. Theo Ủy ban Lao động Đài Loan, mức phí của lao động Việt Nam sang Đài Loan làm việc trung bình khoảng 5.600 - 6.000 USD, một số trường hợp bị thu đến 6.500 – 7.000 USD/người, cao hơn quy định khoảng 1.800 - 2.500 USD/người. Thực chất, đây là phần tiền môi giới bị thu thêm ngay sau khi người lao động nhập cảnh Đài Loan.

Để chấn chỉnh thị trường này, cách đây hai năm (tháng 2.2012), Bộ LĐ, TB và XH từng có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp đưa người lao động đi Đài Loan phải tuân thủ mức phí quy định. Trong năm 2013, Bộ LĐ, TB và XH đã có công văn chấn chỉnh với hơn 10 doanh nghiệp có hành vi thu phí cao, giữ lương… Dù có nhiều động thái nhằm giảm mức phí quá cao do doanh nghiệp vẽ ra nhưng xem ra cách làm không triệt để nên mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ. Tình trạng thu phí kiểu chặt chém của nhiều doanh nghiệp vẫn diễn ra khiến dư luận rất bức xúc.
Trong cuộc họp mới đây với Bộ LĐ, TB và XH, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ phải chấn chỉnh tình trạng này; công khai mức phí của từng thị trường XKLĐ để người dân được biết; cùng với thanh tra lao động giám sát, tố giác đơn vị sai phạm. Doanh nghiệp nào thu phí sai, cần phải xử lý nghiêm. Trước yêu cầu của Phó thủ tướng, Bộ LĐ, TB và XH có văn bản số 5251/LĐTBXH-QLLĐNN yêu cầu các doanh nghiệp XKLĐ phải giảm chi phí của người lao động đi làm việc tại Đài Loan xuống mức hợp lý từ ngày 1.2.2014. Cụ thể, tổng chi phí của người lao động trước khi đi làm việc trong các ngành công nghiệp tại Đài Loan không vượt quá 4.000 USD/người/hợp đồng 3 năm, trong đó tiền môi giới tối đa không quá 1.500 USD/người/hợp đồng 3 năm. Đặc biệt, văn bản này nêu rõ: nếu người lao động hoặc gia đình người lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan sau ngày 1.2.2014 có văn bản phản ánh với các cơ quan chức năng về chi phí của người lao động phải nộp trước khi đi cao hơn quy định nêu trên thì doanh nghiệp sẽ bị tạm dừng hoạt động đưa người lao động đi Đài Loan trong 30 ngày hoặc lâu hơn đến khi giải quyết dứt điểm vụ việc. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp thu phí cao hơn quy định, thu tiền thông qua trung gian môi giới… thì doanh nghiệp bị xử phạt hành chính và xem xét dừng việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan trong thời hạn từ 6 - 12 tháng.

Chỉ sau gần 20 ngày văn bản có hiệu lực, 14 công ty Việt Nam và 11 công ty môi giới Đài Loan đã bị Bộ LĐ, TB và XH yêu cầu tạm dừng hoạt động. Lý do, theo Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh: những doanh nghiệp này đã thu phí cao hơn mức quy định, giữ tiền lương của người lao động, khấu trừ tiền ăn, ở cao hơn mức quy định. Cục Quản lý lao động ngoài nước đã yêu cầu các doanh nghiệp trong danh sách trên không triển khai việc hợp tác đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan và không tư vấn, tạo nguồn, tuyển chọn, đào tạo lao động để đưa sang làm việc tại thị trường này trong thời gian bị tạm dừng, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh nói.

Được biết, trong thời gian tới, không chỉ thị trường Đài Loan mà việc giám sát, kiểm tra sẽ được thực hiện ở tất cả các thị trường. Nếu phát hiện sai phạm sẽ kiên quyết xử lý để bảo đảm quyền lợi cho người lao động đồng thời là giải pháp hữu hiệu hạn chế lao động bỏ trốn bất hợp pháp.

14 doanh nghiệp Việt Nam bị xử phạt: Công ty CP xuất nhập khẩu tổng hợp và chuyển giao công nghệ Việt Nam (Vinagimex); Tổng công ty CP thương mại xây dựng (Vietracimex); Công ty CP cung ứng nhân lực và thương mại Vietcom (Vietcom Human); Công ty CP Hữu nghị Bắc Giang; Công ty vận tải biển và xuất khẩu lao động Isalco; Công ty xuất khẩu lao động Vinamotor; Công ty Phu Tho Co; Công ty đào tạo và cung ứng nhân lực Letco; Trung tâm hợp tác nhân lực quốc tế Emico; Công ty CP Simco Sông Đà; Công ty CP nhân lực quốc tế và thương mại Sông Hồng (Song Hong Im); Công ty CP cung ứng nhân lực quốc tế Polimex (Polimex HR); Công ty Vicm Co; Công ty Cienco 8.

11 công ty môi giới Đài Loan bị tạm dừng hoạt động: Công ty Chính Cách; Công ty Tam Hòa; Công ty Triển Lâm; Công ty Hâm Thụy; Công ty Liên Dương; Công ty Điền Gia; Công ty Lợ Thiên; Công ty Nam Á; Công ty An An; Công ty Lực Thông; Công ty Vịnh Ngạn.


 

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top