Khó giải bài toán nông dân “ly điền”

Thứ hai, 25/11/2013 09:32

Cuộc sống quá bấp bênh, thu nhập thiếu ổn định và thường xuyên phải phụ thuộc vào "số trời” khi thiên tai, địch họa luôn đe dọa mùa màng, nhiều nông dân đã không còn mặn mà với "bờ xôi ruộng mật”. Đây cũng là lý do khiến số đông người nông dân di cư ra thành phố, tìm kiếm việc làm phi nông nghiệp. Bài toán nông dân "ly điền” đang làm đau đầu nhà quản lý.

img
Người nông dân thường chịu nhiều thiệt thòi, dễ bị tổn thương  và đời sống bấp bênh nhất…
Ảnh: Mai Vinh (nguồn: http://daidoanket.vn/)

Nông thôn đìu hiu, thành thị quá tải

Xã hội ngày càng phát triển cũng kéo theo nhiều hệ lụy, tốt có, xấu có. Trong đó phải kể đến sự "thay da đổi thịt” của bộ mặt nền kinh tế, số người giàu nhiều lên, song đi kèm với đó, số người nghèo cũng gia tăng. Khoảng cách giàu nghèo, do đó, ngày càng dãn xa. Tuy nhiên, không khó nhận ra một thực tế rằng, số phận người nông dân hầu như vẫn không thay đổi, thậm chí còn có phần khó khăn hơn khi thường xuyên phải đối mặt với thực trạng mất mùa, thiên tai địch họa, dịch bệnh nông nghiệp...

Chính bởi vậy, một bộ phận không nhỏ người dân nông thôn đã và đang tìm cách rời bỏ ruộng vườn ra thành phố để kiếm việc làm phi nông nghiệp, với mục đích đổi đời. Và đây là một trong những lý do dẫn đến thực trạng khu vực thành thị quá tải dân số, còn khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa thưa thớt người.

Kết quả điều tra của của một tổ chức quốc tế cho biết,  trước khi hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu (2007), Việt Nam có gần 80% lực lượng lao động làm việc tại nông thôn. Cho đến nay con số này đã giảm chỉ còn khoảng 70%. Như vậy, việc đẩy mạnh mở rộng hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài sau khi Việt Nam gia nhập WTO đã mở ra cơ hội thuận lợi về thị trường, kích thích nền kinh tế phát triển, đồng thời cũng thu hút một lực lượng lao động khá lớn từ khu vực nông thôn - lao động nông nghiệp - chuyển sang lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ tại thành thị, đặc biệt các khu công nghiệp là nơi thu hút nhiều lao động nông thôn nhất.

Còn một thực tế nữa rất đáng lưu ý, đó là ở nông thôn, những hộ gia đình có người di cư thường giàu hơn, có nhiều tài sản và cuộc sống tốt hơn so với những gia đình chỉ làm thuần nông. Đặc biệt, một nghiên cứu mới đây của nhóm chuyên gia chỉ ra rằng, chỉ trong vòng 5 năm (từ năm 2004 – 2009) có 6,6 triệu người nông thôn đã di cư từ địa phương này sang địa phương khác, tăng 46% trong vòng 10 năm. Và có khoảng 22% gia đình có người di cư dài hạn để tìm công việc, với nơi đến chủ yếu là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hiện hai tỉnh Nghệ An và Quảng Nam có tỷ lệ di cư cao nhất.

Điều này cho thấy, suốt thời gian dài vừa qua, nông nghiệp luôn là lĩnh vực trụ cột, là cứu cánh của nền kinh tế nước nhà, song người nông dân lại không thể làm giàu bằng lao động thuần nông. Xu hướng nông dân tách mình khỏi nông nghiệp ngày càng tăng, và do vậy, nguy cơ ruộng đất bị hoang hóa ngày càng lớn.

img
Người dân nông thôn di cư ra thành phố làm đủ nghề để kiếm sống
Ảnh: Hoàng Long (nguồn: http://daidoanket.vn/)

Làm gì để nông dân không ly hương?

Có thể thấy, thời gian qua, vấn đề tam nông vẫn làm nóng dư luận xã hội với quá nhiều tồn tại và bất cập. Xuất khẩu gạo liên tục giảm cả về lượng và chất. Người nông dân tiếp tục bỏ ruộng, chấp nhận ly nông, gồng gánh nhau lên thành phố để mưu sinh. Một con số thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, đến tháng 9-2013, có gần 43 nghìn hộ nông dân không gieo trồng 6.680 ha ruộng và 3.400 hộ trả lại 433 nghìn ha. Xuất khẩu thủy sản trong tháng 10-2013 đã đạt mức kỷ lục 776 triệu USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, thế nhưng, con số ấy lại không mang lại quá nhiều kỳ vọng cho bà con nông dân khi mà họ vẫn  luôn canh cánh trong lòng nỗi lo: Xuất khẩu tăng trưởng bền vững hay chỉ là nhất thời. Bằng chứng là thời gian qua, tại Đồng bằng sông Cửu Long 50% hộ nuôi cá tra bỏ nghề, hơn 50% doanh nghiệp kinh doanh cá tra cũng trong tình trạng "chết lâm sàng”…

Hàng loạt những bất cập diễn ra trong lĩnh vực nông nghiệp khiến dư luận bày tỏ lo ngại, khi người nông dân không còn thiết tha với nghề nông, khi tình trạng ly nông ngày càng có xu thế gia tăng. Điều gì sẽ xảy ra với khu vực nông thôn, với nền kinh tế nông nghiệp? Chuyên gia ngành nông nghiệp, Ths Lưu Đức Khải bày tỏ lo ngại về thực trạng, rồi đây, nếu không có chính sách phù hợp để cải thiện đời sống người nông dân khu vực nông thôn, xu hướng di cư từ nông thôn ra thành thị sẽ diễn ra mạnh mẽ, có nguy cơ hình thành các vùng "trắng” người ở nơi vùng sâu, vùng xa, còn ở thành thị thì nhộm nhoạm vì xuất hiện những khu "ổ chuột”.

Bởi vậy, vấn đề tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp một lần nữa lại được đặt ra với yêu cầu bức thiết hơn bao giờ hết. Bởi chỉ khi có một nền kinh tế nông nghiệp ổn định, phát triển mới giúp cho người nông dân yên tâm trụ bám với nghề nông, không rời bỏ ruộng đất. Khi nghề nông có thể mang lại thu nhập cao cho nông dân, thì hà cớ gì họ phải tìm sang những ngành nghề phi nông nghiệp để phải chấp nhận cuộc sống ly hương?

Giới chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, cần có chính sách đủ mạnh để khuyến khích và khai thác các lợi thế về khoa học và công nghệ, tạo khâu đột phá quan trọng, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản để tạo chuỗi giá trị trong nông sản. Người nông dân rất cần những hỗ trợ về giống tốt, tín dụng và cả những hỗ trợ về khoa học công nghệ để phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn lực phát triển sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và tạo lợi thế cạnh tranh cho nông sản Việt Nam.

 

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top