Hội nghị do Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Công nghệ thông tin - Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Hội đồng truyền thông IEEE (thuộc Học viện kỹ nghệ điện và điện tử - là hiệp hội phi lợi nhuận quốc tế về cách tân công nghệ tiên tiến hướng tới lợi ích của con người) và Hội Trí tuệ tính toán.
Hội nghị IEEE-RIVF lần này là cơ hội thuận lợi cho các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên trong lĩnh vực Công nghệ truyền thông và tính toán ở trong nước tiếp xúc với các nhà khoa học ngoài nước cũng như tiếp cận các hướng nghiên cứu trong công nghệ truyền thông và tính toán đang được cộng đồng các nhà khoa học trên thế giới quan tâm.
Bắt đầu kể từ năm 2003, Hội nghị quốc tế về công nghệ thông tin và truyền thông RIVF - Đổi mới, nghiên cứu, hướng tới tương lai (Research, Innovation and Vision for the Future) đã trở thành một sự kiện khoa học quốc tế chuyên ngành về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Năm nay, hội nghị đánh giá và chọn ra 36 bài báo cáo dài và 32 bài báo cáo ngắn từ 135 bài của các tác giả từ đến từ 23 nước gửi tới tham gia hội nghị. Có 7 phân ban theo 7 chuyên ngành tại hội nghị IEEE-RIVF’10 đó là: Trí tuệ Tính toán, Truyền thông và Mạng, Mô hình và Mô phỏng, Quản trị Thông tin và Tri thức, Vận Trù học và Tối ưu, Công nghệ Phần mềm và Hệ nhúng, Giao tiếp Người-Máy và Xử lý Ảnh.
Tại hội nghị, các đại biểu và nghiên cứu sinh, sinh viên được nghe báo cáo của các nhà khoa học có uy tín trên thế giới như giáo sư David W.L. Cheung (Trưởng Khoa CNTT, Đại học Hồng Kông) với báo cáo An ninh ở điện toán đám mây, phép tính truy vấn và khai thác dữ liệu trên cơ sở dữ liệu bị mã hoá; Tiến sĩ Barry S. Perlman, Trung tâm nghiên cứu CNTT& Điện tử của Quân đội Mỹ, thành viên xuất sắc của IEEE và nguyên Chủ tịch Hội Lý thuyết và Kỹ thuật Microwave báo cáo về “truyền thông- điện tử và công nghệ tín hiệu hỗn hợp; Tiến sĩ Đặng Tuấn từ Công ty Điện lực Pháp với báo cáo “Web năng lượng- Quan niệm và thách thức phải vượt qua để làm mới và phân phối các nguồn năng lượng quy mô lớn thành hiện thực”; giáo sư Yo-Sung Ho, viện GIST của Hàn Quốc- “ 3TDV- vấn đề kỹ thuật cho kinh nghiệm thực tiễn”; tiến sĩ Roberto Saracco từ Telecom Italia “Thách thức trong ngành viễn thông và mô hình biz trong thập kỷ hiện nay”; tiến sĩ Marzuki Khalid đại diện Vùng 10 của IEEE – “Dự đoán về hiệu suất và vòng oxy dựa trên nhãn dữ liệu nhỏ và mất cân bằng trong ngành công nghiệp chất bán dẫn”; và giáo sư Jean-Marc Steyaert từ Ecole Polytechnique của Pháp “Về một số vấn đề tổ hợp liên quan đến cấu trúc sinh học”.