Năm 2024, tổng doanh thu của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNP) tăng 9%, doanh thu dịch vụ chuyển phát tăng 5%, lợi nhuận tăng 4%, thu nhập người lao động giảm 9%.
Có thể nhìn những con số này dưới các góc nhìn khác nhau.
Nếu so với chính mình, doanh thu có vẻ như tốt lên. Năm 2023, doanh thu giảm 5%, năm nay tăng 9%. Nhưng về tăng trưởng lợi nhuận và thu nhập thì năm 2024 đều giảm so với năm 2023.
Nếu so với một doanh nghiệp khác cùng quy mô, cùng sở hữu nhà nước là Bưu chính Viettel (VTP) thì lại thấy rất khác.
Thị trường bưu chính chuyến phát tăng trưởng 24%, VTP tăng 41%, VNP tăng 5%. Tức là, VNP tăng thấp hơn thị trường 5 lần, tăng thấp hơn đối thủ 8 lần. Góc nhìn này thật đáng suy ngẫm. Tăng trưởng thấp hơn thị trường là đang nhỏ đi, thị phần đang giảm (thị phần bưu chính chuyển phát từ 19% bốn năm trước đây nay chỉ còn 8%). Tăng trưởng thấp hơn đối thủ là năng lực cạnh tranh đang kém đi.
Lợi nhuận của VTP tăng 10%, VNP tăng 4%. Thu nhập người lao động của VTP tăng 6%, còn của VNP giảm 9%. Nếu nói về thu nhập tuyệt đối của người làm bưu chính thì VTP gấp đôi VNP. Trong cùng một thị trường mà thu nhập của VNP chỉ bằng 50% so với đối thủ thì gần như không còn năng lực cạnh tranh.
Làm lãnh đạo doanh nghiệp thì buồn nhất là thu nhập người lao động thấp và giảm. Thu nhập người lao động thấp, thấp hơn thị trường, thấp hơn so với doanh nghiệp khác, thì trách nhiệm của lãnh đạo là chính.
Một tổ chức đang có vấn đề lớn, sụt giảm cả chất lượng, cả doanh thu, cả thị phần, cả thu nhập, thì vấn đề thường nằm ở đội ngũ lãnh đạo và quản lý cấp trung. Qua nhiều năm, bộ máy gián tiếp phình ra, quản lý cấp trung trở lên quan liêu, hành chính, trở thành lực cản trở. Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát động cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy để hiệu lực, hiệu quả. Và đang thực hiện rất nhanh và quyết liệt. Nhanh là vì vấn đề đã rõ, nhiều năm đã làm nhưng chưa đến nơi, chưa triệt để. Thì nay phải làm nhanh.
Bộ máy gián tiếp của VNP là 17%. Một doanh nghiệp tương đương về quy mô chỉ có 7% lao động gián tiếp. Con số 7% bộ máy trung gian cũng là số chuẩn của các doanh nghiệp (con số 7% này cũng đang có xu thế giảm nhanh do sử dụng trí tuệ nhân tạo). 17% là gấp 2,5 lần trung bình. Bộ trưởng đã nói về việc tinh gọn mạnh bộ máy trung gian của VNP từ cách đây 2-3 năm. Nhưng lãnh đạo VNP đã không nhận thức đúng việc này, không tổ chức thực hiện triệt để.
Bộ trưởng yêu cầu, năm 2025, bộ máy trung gian của VNP không được vượt quá 10%, đến 2026 thì về con số trung bình là 7% và thấp hơn. Việc đã rõ rồi, đã đúng rồi, thì cần làm nhanh. Làm nhanh như Trung ương đang chỉ đạo thực hiện tinh gọn mạnh bộ máy nhà nước.
Đường hướng mới của VNP đã nói nhiều, không có gì là sai, đều đúng cả, nhưng thực thi kém hiệu quả, làm không đến nơi. Thực thi kém thì chủ yếu là do cán bộ. Không có cán bộ đủ tốt, nhất là cấp từ trưởng ban và tương đương, thì không thể tổ chức thực hiện thành công các chiến lược, các kế hoạch.
Việc đầu tiên của cải cách là vạch ra đường hướng mới và sau đó là tìm ra cán bộ để tổ chức thực hiện. Đường hướng mới thì đã rõ. Nhưng cán bộ thì vẫn như cũ, người cũ không tự thay đổi, người mới thì không thấy. Vậy làm sao chúng ta có thể cải cách VNP? Cán bộ trung gian phải thay đổi ít nhất 30%. Nhưng 2 năm qua, lãnh đạo VNP mới làm chưa được 10%.
Chúng ta đã chỉ ra nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là người. Có 2 việc cần làm ngay, làm tốt 2 việc này thì các việc khác sẽ tự tốt lên. Một là giảm bộ máy trung gian từ 17% xuống 10%. Việc thứ hai là đổi mới 30% cán bộ từ cấp trưởng ban.
VNP đang khó khăn, rất khó khăn, đang trên bờ của sự suy giảm không có cơ hội phục hồi. Nguyên nhân thì bao giờ cũng là ở cán bộ. Chúng ta đã không hoàn thành nhiệm vụ rồi thì hãy tự rời chỗ, đó là giữ danh dự cá nhân. 30% cán bộ từ cấp trưởng ban hãy tự rời vị trí, xin đi cơ sở. Khi khó khăn thì tìm ra lối đi bao giờ cũng là từ cơ sở.
Đảng uỷ Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Thường vụ Đảng uỷ, đồng chí Chủ tịch và Tổng giám đốc hãy làm 2 việc này ngay trong quý 1/2025. Các đồng chí hãy làm cái đồng hồ đếm ngược treo ở cổng ra vào của Tổng Công ty và tất cả các đơn vị. Chúng ta còn có 1 năm, nhưng thực ra là tới 365 ngày. Mỗi ngày có thể làm được rất nhiều việc. Mỗi ngày chỉ cần tốt lên 1% thì sau 365 ngày, chúng ta sẽ tốt lên 36 lần. Thời gian còn lại là đủ dài để tạo ra sự bứt phá. Việc 5 năm hãy làm trong 1 năm.
VNP đã ở vào giai đoạn sống hay chết rồi, không còn thời gian để do dự nữa. VNP là doanh nghiệp đặc biệt, có lịch sử lâu đời, là doanh nghiệp bưu chính công ích quốc gia duy nhất, hãy vì lợi ích chung mà hành động.
Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông