Bài 1: Chuyển đổi số: Việc khó thì máy làm, việc dễ thì người làm
Cổng TTĐT Bộ TT&TT trân trọng giới thiệu bài viết thứ 2 trong 5 bài viết của Bộ trưởng về các nội dung trên.
Về vai trò mang tính quyết định của người đứng đầu trong chuyển đổi số (CĐS). CĐS thì 70% là thay đổi, 30% là công nghệ. CĐS là cuộc cách mạng về thay đổi hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Vì vậy, CĐS muốn thành công thì quyết định là người đứng đầu muốn thay đổi. Thay đổi một tổ chức thì chỉ người đứng đầu mới đủ thẩm quyền, uy tín và có quyền lực để điều hướng các nguồn lực thực hiện. Chỉ có người đứng đầu mới có khả năng phá vỡ các thói quen cũ để CĐS.
Người đứng đầu không chỉ là chỉ đạo mà phải trực tiếp làm, trực tiếp dùng. CĐS là trải nghiệm, nếu người đứng đầu không dùng các công cụ số trong công việc hàng ngày thì sẽ rất khó chỉ đạo công tác CĐS. Người Trung Quốc nói về CĐS như sau: người đứng đầu phải thực sự muốn làm, làm trực tiếp và thành thạo sử dụng.
Cả ba thành tố, thực sự muốn làm, làm trực tiếp và thành thạo sử dụng đều có mức độ quan trọng và mang tính quyết định ngang nhau.
CĐS thì Chuyển đổi là danh từ, Số là tính từ. Công nghệ số chỉ là công cụ hỗ trợ để thực hiện sự chuyển đổi. CĐS là số hoá toàn diện và sau đó là thay đổi cách vận hành của tổ chức. Nếu người đứng đầu mà không trực tiếp vào cuộc, không trực tiếp chỉ đạo, không trực tiếp làm, không trực tiếp dùng, không trực tiếp tự mình chuyển đổi thì sẽ không thành công.
Ở Việt Nam chúng ta, qua 4 năm CĐS thì cơ bản các yếu tố công nghệ để thực hiện CĐS đã sẵn sàng, đã có một số thành công bước đầu rất đáng khích lệ, bây giờ quyết định sự thành công của công cuộc CĐS quốc gia sẽ là người đứng đầu các cấp.
Nghiên cứu của McKinsey về thành công CĐS của các tổ chức cho thấy, sự vào cuộc, sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu sẽ làm tăng mức độ thành công CĐS lên 1,6 - 1,8 lần. Mức độ thành công sẽ tăng lên 3,1 lần nếu CĐS có thêm kế hoạch rõ ràng, mục tiêu cụ thể và người đứng đầu trực tiếp làm, trực tiếp sử dụng.
CĐS là công việc của người đứng đầu, và không chỉ có vậy, nó là công việc hàng ngày của người đứng đầu. Thông qua việc dùng công cụ số hàng ngày mà người đứng đầu sẽ phát hiện ra các nhu cầu về đổi mới và liên tục đặt ra các yêu cầu mới cho CĐS.
Về thể chế hoá CĐS vào các ngành, lĩnh vực để thúc đẩy nhanh CĐS quốc gia. Mỗi bộ luật của các ngành, các lĩnh vực phải có một chương về hoạt động trên môi trường số. Không gian mạng (KGM) đang ngày càng trở thành không gian hoạt động chính của con người. Đây là không gian mới, khác không gian thực, nhiều hoạt động mới, nhiều đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang diễn ra ở đây. Khi sửa hoặc làm thể chế mới thì phải bổ sung một điều, một chương về hoạt động của lĩnh vực đó trên KGM. Phải thể chế hoá CĐS vào các ngành, các lĩnh vực thì anh em trong các ngành đó, lĩnh vực đó mới vững tin CĐS mạnh mẽ. Bộ TT&TT khi góp ý luật cho các bộ ngành khác thì chú ý nội dung này.
Về từ khoá quan trọng nhất thời CĐS. Từ khoá quan trọng nhất của thời CĐS là "hợp tác". Thời CĐS thì ĐMST là quyết định. ĐMST thì không bao giờ nằm ở một chỗ. Nó ở mọi nơi. Không một doanh nghiệp nào, một tổ chức nào, dù có lớn đến mấy, cũng không thể phủ hết ĐMST của xã hội. Những doanh nghiệp lớn, những tổ chức lớn đều là những tổ chức làm các nền tảng để mọi người có thể sáng tạo dịch vụ, và thu phí dịch vụ nền tảng. Nhất là những doanh nghiệp hạ tầng viễn thông của chúng ta phải mở rộng hợp tác, tạo các nền tảng kết nối, nền tảng hỗ trợ các cá nhân và các doanh nghiệp SME sáng tạo dịch vụ mới để cung cấp cho thuê bao của mình, hơn là cứ tự mình phát triển dịch vụ mới. Liệu các đồng chí có thể sáng tạo bằng hàng ngàn, chục ngàn doanh nghiệp hoặc hàng triệu cá nhân ngoài kia không? Hãy cứ làm nền tảng kết nối, nền tảng phát triển, nền tảng cung cấp dịch vụ rồi hưởng 20-30% doanh thu. Tự làm thì được hưởng cả 100% nhưng chỉ làm được trăm cái, nhưng nếu mở ra thì được cả chục ngàn cái thì doanh thu lớn hơn gấp cả 30 lần. Và còn hơn thế nữa, các dịch vụ mà doanh nghiệp bên ngoài sáng tạo thì bao giờ cũng sáng tạo hơn, chất lượng tốt hơn, giá trị thiết thực hơn cho khách hàng. Các cơ quan báo chí (CQBC), xuất bản cũng vậy, đã đến lúc biến mình thành nền tảng rồi, thành nền tảng để mọi người viết báo, xuất bản. Thay vì mình làm nghề thì chỉ có 40.000 người làm nghề báo chí, xuất bản. Nghề báo chí, xuất bản thì 70-80% việc lại không phải là viết, là sáng tạo. Nếu có nền tảng hỗ trợ được 70-80% phần "bếp núc" này thì nghề báo chí, xuất bản sẽ dễ đi, thì nhiều người hơn có thể làm được, có thể là 4 triệu người. 4 triệu người này mà tham gia sáng tạo thì chắc là tốt hơn 40.000 người sáng tạo. CQBC sẽ thành nghề biên tập hơn là nghề viết. Số người viết tăng thêm 100 lần, CQBC thu phí 20-30% thì doanh thu sẽ lớn hơn, có nhiều sản phẩm hơn để biên tập, nếu chúng ta làm các nền tảng hỗ trợ để nghề báo chí, xuất bản dễ đi, có 4 triệu người tham gia được, và khi đó, các cơ quan báo chí, nhà xuất bản đã nâng mình lên một tầm cao mới, một đẳng cấp khác.
Mời các bạn đón đọc bài 3: Vai trò quan trọng của hạ tầng số trong phát triển kinh tế xã hội
Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông