Tỷ lệ hộ nghèo tại Lạng Sơn năm 2022 giảm 3,28% so với năm 2021

Thứ bảy, 28/10/2023 23:15

(Mic.gov.vn) - Thông qua việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói, giảm nghèo của tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt là các xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2022 đã giảm 3,28% so với năm 2021.

Tỷ lệ hộ nghèo tại Lạng Sơn năm 2022 giảm 3,28% so với năm 2021- Ảnh 1.

Báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, qua 02 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, hệ thống các văn bản của trung ương cũng như các văn bản của tỉnh để triển khai thực hiện cơ bản đã được hoàn thiện; bộ máy quản lý điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình từ tỉnh đến huyện, xã đã và đang đi vào hoạt động nền nếp.

Thông qua việc triển khai thực hiện Chương trình đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói, giảm nghèo của tỉnh, đặc biệt là các xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2022 đã giảm 3,28% so với năm 2021.

Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã rút ra bốn bài học kinh nghiệm. Đầu tiên đó là thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc trong hệ thống chính trị; cụ thể hóa nghị quyết, chủ trương, đường lối, thành những chính sách, chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, đồng bộ và thống nhất. Trong quá trình thực hiện cần có sự phân công, phân cấp, làm rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức chính trị xã hội và trách nhiệm của mỗi cán bộ,đảng viên.

Thứ hai là thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực được phân công. Chủ động tham mưu, đề xuất ban hành các văn bản chỉ đạo, quản lý điều hành. Việc xây dựng và ban hành văn bản bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, công khai, dân chủ; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tham mưu, thể chế văn bản thuộc phạm vi Chương trình.

Ba là tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trình độ dân trí là quyết định then chốt và là mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS&MN.

Bốn là sâu sát cơ sở, làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tập hợp quần chúng. Phát huy vai trò của đoàn viên, hội viên, chức sắc, chức việc tôn giáo và người uy tín trong việc tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS; bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình để chủ động tham mưu, đề xuất giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc và tìm những biện pháp giải quyết có hiệu quả; thực hiện tốtcông tác giám sát và phản biện xã hội.

Cuối cùng là triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đảm bảo đúng phạm vi, địa bàn, định mức, đối tượng thụ hưởng Chương trình. Coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo nghề, tạo việc làm cho đồng bào DTTS.

Để nâng cao cao hiệu quả Chương trình trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, đầu tiên là tiếp tục quán triệt và triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về công tác dân tộc; trọng tâm là Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030; Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Nghị quyết số 58- NQ/TU ngày 29/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về công tác dân tộc và thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2030 và các văn bản liên quan khác của các bộ, ngành, của tỉnh về công tác dân tộc;...

Thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững cho các xã vùng đồng bào DTTS&MN, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên cho các địa bàn còn hạn chế về cơ sở hạ tầng thiết yếu; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tránh sự chồng chéo với các chương trình, kế hoạch khác.

Bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, công khai minh bạch trong phân bổ vốn kế hoạch thực hiện Chương trình, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân.

Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo quy hoạch tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội phục vụ đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh; trọng tâm là các lĩnh vực: giao thông, thủy lợi, giáo dục và đào tạo, nguồn nhân lực, y tế, văn hóa, du lịch, nước sạch, điện, thông tin truyền thông, các dự án phát triển sản xuất, bảo vệ phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái...

Việc đầu tư xây dựng đảm bảo theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xây dựng đồng bộ, tránh đầu tư dàn trải, phát huy hiệu quả vốn đầu tư, đầu tư đúng đối tượng theo mục tiêu được duyệt, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, thất thoát trong quá trình triển khai thực hiện.

Tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng đồng bào DTTS&MN để phục vụ công tác dự báo, hoạch định, quản lý, thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, chống mọi biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của Ban Dân tộc tỉnh theo hướng là đầu mối thống nhất theo dõi, tổng hợp các chính sách dân tộc đề xuất và tham gia thẩm định chính sách, các dự án đầu tư liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN.

Quan tâm thực hiện cơ bản hoàn thành việc quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí các hộ đang cư trú phân tán rải rác trong rừng đặc dụng, nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở. Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch ở các cấp, các ngành. Phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý những hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thực hiện kế hoạch; làm tốt công tác phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Cấp huyện, cấp xã tích cực, chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Thực hiện bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Chủ động bố trí ngân sách địa phương, tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS.

Doãn Mạnh
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top