Ảnh minh họa
Từ những năm 1960 -1970 diện tích cây dẻ của huyện đã đạt đến 1600 ha do các hợp tác xã trồng và quản lý. Sau đó, khi các hợp tác xã giải thể, diện tích cây dẻ giảm dần và đến năm 2016, diện tích dẻ của huyện chỉ còn hơn 240 ha. Đã có nhiều dự án hỗ trợ trồng dẻ tại Trùng Khánh nhưng đều không đạt yêu cầu và gần như không phát huy hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Anh Quế, Bí thư huyện ủy Trùng Khánh: Xác định đây là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, từ nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ huyện đã ban hành chương trình về phát triển cây dẻ, tập trung nguồn lực lãnh đạo chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương vào cuộc vận động người dân trồng dẻ. Sau 2 năm triển khai Nghị quyết đại hội đảng bộ huyện, đã trồng thêm được hơn 160 ha, nâng tổng diện tích lên 510 ha; trong đó, có 290 ha đã cho thu hoạch, sản lượng 2 -2,5 tấn/ha, thu nhập khoản 200 triệu/ha.
Những khó khăn đối với cây dẻ hiện nay là quỹ đã hạn chế, người dân Trùng Khánh đã có kinh nghiệm trồng, chăm sóc dẻ, tuy nhiên, nhận thức, kiến thức của nhiều người dân còn thấp, vẫn làm theo truyền thống, diện tích dẻ đạt yêu cầu về chất lượng chăm sóc chưa cao, nguồn giống cây khó khăn…
Để khắc phục những khó khăn này, lãnh đạo huyện đã giao nhiệm vụ cho các Đảng ủy xã, thị trấn, quy hoạch vùng trồng dẻ, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của cây dẻ, liên kết với các trung tâm nông nghiệp để sản xuất cây giống tốt, đảm bảo chất lượng. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp để đảm bảo công tác thu hoạch, bảo quản sản phẩm để sản phẩm được lâu hơn, chất lượng tốt hơn. Bên cạnh đó, huyện sẽ huy động nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, vốn sự nghiệp từ các dự án, tiểu dự án để hỗ trợ giống, phân bón cho người dân.
Ông Nguyễn Thái Hà, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng cho biết, hạt dẻ là cây đặc hữu quan trọng của tỉnh Cao Bằng, đã được đưa vào đề án phát triển nông nghiệp thông minh của tỉnh Cao Bằng và đặt mục tiêu phát triển đến năm 2025 đạt 900 – 1000ha.
Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Người dân vẫn làm theo cách truyền thống, trồng cây gieo từ hạt, thời gián phát triển rất dài (8 năm), ít chăm sóc. Do vậy, cây bị cằn cỗi, thu hoạch thấp, chất lượng giảm ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng...
Dẻ là cây lâm nghiệp cho quả, chăm sóc lâu năm, chu kỳ đầu tư dài tới 8 năm mới cho thu hoạch, do đó, các hộ nghèo không có điều kiện đầu tư, chủ yếu là trồng cây ngắn ngày để đảm bảo tiêu dùng gia đình. Do đó, việc đầu tư trồng dẻ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, vì là cây dài ngày nên việc đánh giá chất lượng cây giống cũng kéo dài, trồng 5-6 năm mới đánh giá được chất lượng cây có tốt hay không nên nhiều người ngại trồng.
Tỉnh đã có cơ chế chính sách của tỉnh khuyến khích người dân đầu tư trồng dẻ, tuy nhiên mức hỗ trợ còn thấp, trình tự thủ tục còn nhiều rườm rà phức tạp nên nhiều hộ có mong muốn nhưng vẫn chưa tiếp cận được.
Để phát triển được cây dẻ, huyện Trùng Khánh cần phối hợp, kêu gọi các doanh nghiệp có tâm huyết cùng huyện xây dựng trại giống, tạo được cây giống thật sự chất lượng tạo niềm tin cho nhân dân; kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã phối hợp cùng người dân đầu tư, hỗ trợ, hướng dẫn người dân chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo chuỗi liên kết.
Ông Triệu Kim Cương, giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Nasan green cho biết: Hiện nay, trên thị trường tràn lan các loại hạt dẻ mang danh hạt dẻ Trùng Khánh, bán giá cao mà chất lượng không được đảm bảo. Trong khi đó, sản lượng dẻ của Trùng Khánh rất ít, chủ yếu là dẻ cổ thụ có tuổi đời vài chục năm. Với mong muốn giữ gìn, bảo tồn và phát triển hạt dẻ Trùng Khánh, đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng, công ty đã xây dựng vườn ươm 2,1 ha và trồng thực nghiệm vườn dẻ ghép 1000 cây. Đến nay, cây phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa đậu quả 100%.
Trong khi Trùng Khánh vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu cho cây dẻ thì tại Thành phố Cao Bằng, nhiều hộ nông dân dù không được dự án hỗ trợ gì nhưng đã tự ươm trồng, phát triển khá thành công vườn dẻ cho gia đình. Anh Nông Văn Minh, tổ 18 phường Hòa Chung, Thành phố Cao Bằng là một trong số đó. Nhận thấy giá trị của cây dẻ, anh đã tự ươm, tự ghép trồng thử vài cây. Kết quả là cây phát triển tốt, quả đẹp, chất lượng cao, anh Minh tự ghép, nhân giống ra thêm.
Anh Minh cho biết: So với các loại cây trồng khác, cây dẻ dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh. Khi được chăm sóc cẩn thận, hạt dẻ to gấp 2 đến 3 lần hạt dẻ Trùng Khánh, to hơn cả những hạt dẻ Trung Quốc được bán ngoài chợ. Đến nay, anh đã có hơn 100 gốc dẻ. Anh dự kiến sẽ chuyển đổi các loại cây ăn quả khác sang cây hạt dẻ.
Trong khi tỉnh Cao Bằng đang loay hoay tìm giải pháp cho cây dẻ thì tại các tỉnh lân cận, nhiều nông dân nhanh nhạy đã tự mình phát triển thành công vườn dẻ và bắt đầu mang lại kết quả. Điển hình nhất là huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, diện tích cây dẻ đã có đến hàng trăm ha. Tại Lạng Sơn đã xuất hiện nhiều vườn ươm, ghép cây dẻ và bán ngược lại cho Cao Bằng./.