Ảnh minh họa
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thanh Bình đề nghị lãnh đạo các địa phương tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, mang tính nền tảng, đặc thù để thực hiện Chương trình tại các địa phương đúng tiến độ và hiệu quả. Các cơ quan chủ quản những dự án, tiểu dự án đề cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phân công phân nhiệm rõ ràng, tăng cường nắm bắt tình hình triển khai thực hiện chương trình này tại các địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cũng yêu cầu các địa phương rà soát, tham mưu báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh phân bổ, cân đối nguồn vốn phân bổ giữa nội dung thành phần. Các địa phương theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế, nhu cầu và khả năng giải ngân của từng sở, ngành, địa phương; trong đó, ưu tiên các xã, thôn khó khăn nhất, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù. Bên cạnh đó, các địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc, triển khai thực hiện dự án quan trọng cũng như nhũng nội dung hỗ trợ trực tiếp về nhà ở, chuyển đổi nghề, đào tạo nghề, phát triển sản xuất, khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp góp phầ. Từ đó các địa phương hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu về thu nhập bình quân, chỉ tiêu về giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất một cách bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Qua 3 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương ở Thừa Thiên – Huế. Các nguồn lực, chính sách của Chương trình đã tập trung đầu tư phát triển công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế tại địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Thừa Thiên – Huế đã giảm gần 10%; riêng huyện A Lưới giảm hơn 12% (giảm từ hơn 52% xuống còn 40%). Thu nhập bình quân chung của vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 36 triệu đồng/người/năm (tính đến cuối năm 2022). Chương trình đã đầu tư xây dựng 23 công trình đường vào khu sản xuất, đường dân sinh phục vụ việc đi lại, sản xuất, lưu thông hàng hóa; thực hiện quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí khoảng 60% số hộ di cư tự do, hộ sinh sống trong khu vực bị sạt lở, lũ quét. Ngoài ra, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm, đã thực hiện quy hoạch, xây dựng 2 làng văn hóa các dân tộc thiểu số tại huyện A Lưới và Nam Đông; công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo có những chuyển biến tích cực.
Giai đoạn 2023 – 2025, Thừa Thiên – Huế tiếp tục đẩy mạnh việc hướng dẫn cấp cơ sở thực hiện đúng tiến độ và phát huy hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tỉnh chú trọng hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt hoặc đạt chưa bền vững; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; góp phần đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả thực hiện các nội dung thành phần; giảm tỷ lệ hộ nghèo, phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.