Tham dự Diễn đàn có ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Ông Thái Thanh Quý, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số; Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương. Dự Diễn đàn còn có các đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế...
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số là một xu thế tất yếu, khách quan, sự lựa chọn mang tính chiến lược; vừa có thời cơ thuận lợi, vừa có khó khăn, thách thức. Quan trọng là chúng ta phải có sự kiên trì, bản lĩnh và trí tuệ để phát huy tối đa thời cơ, thuận lợi và hóa giải khó khăn, thách thức để phát triển nhanh, bền vững. Việc lựa chọn các ngành: nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch và logistics trong các Phiên chuyên đề của Diễn đàn cho thấy tính lan tỏa sâu rộng của kinh tế số trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực để Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu đột phá trong phát triển kinh tế số, xã hội số với phương châm "Rộng hơn - Toàn diện hơn - Nhanh hơn - Chất lượng hơn - Thiết thực hơn".
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, năm nay là năm thứ 03, Việt Nam triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số. Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%, năm 2024 dự kiến đạt 18,6% và dự kiến sẽ đạt 20% vào năm 2025, đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII. Hiện nay, kinh tế số các ngành mới chiếm 40% kinh tế số, 60% là thuộc về công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông. Về lâu dài, kinh tế số các ngành phải chiếm tỷ trọng 70 - 80% trong kinh tế số. Phát triển kinh tế số các ngành là câu chuyện chính của kinh tế số Việt Nam.
Tư tưởng chính của Diễn đàn năm nay tập trung vào các nội dung về kích cung cho kinh tế số thông qua chuyển đổi số các doanh nghiệp; Kích cầu cho kinh tế số thông qua kích cầu tiêu dùng số; Đo lường kinh tế số các ngành, các địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế số; Mở dữ liệu, chia sẻ dữ liệu để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số; Thúc đẩy sản xuất thông minh; Phát huy vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp công nghệ số lớn trong chuyển đổi số; Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số; Phát triển kinh tế số xanh và bền vững.
Ông Thái Thanh Quý, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ: Chuyển đổi số tạo ra không gian sinh tồn mới (gọi là không gian số), không gian số càng toàn diện thì không gian thực càng phát triển. Đầu tư cho chuyển đổi số là đầu tư cho động lực phát triển. Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp tục là cơ quan tham mưu chiến lược, đồng hành cùng các bộ, ngành và các địa phương trong quá trình xây dựng và triển khai các chính sách kinh tế số, xã hội số.
Diễn đàn Quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số là sự kiện thường niên lần thứ II được tổ chức với 01 phiên toàn thể và 03 phiên chuyên đề. Phiên toàn thể thảo luận về chủ đề "Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động" do Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ (đại diện là Bộ Thông tin và Truyền thông) đồng chủ trì. Tại các phiên chuyên đề, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã lần lượt chủ trì thảo luận 03 phiên với chủ đề (1) Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi giá trị; (2) Ứng dụng công nghệ số - lực đẩy cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; (3) Sáng tạo số, AI và dịch vụ.
Thay mặt Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Phạm Đức Long phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương.
Lần đầu tiên sẽ có 04 chương trình hợp tác thúc đẩy kinh tế số trong 4 nhóm ngành lĩnh vực là: thương mại, du lịch, nông nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ được ký kết trong tháng 11 - 12 năm 2024: (1) Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ chuyển đổi số, ký kết giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Công Thương; (2) Chương trình hỗ trợ các cơ sở du lịch chuyển đổi số, phát triển các cơ sở du lịch thông minh, sẽ được ký kết giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; (3) Chương trình hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông nghiệp chuyển đổi số, sẽ được ký kết giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; (4) Chương trình hỗ trợ các khu công nghiệp, nhà máy chuyển đổi số, phát triển các nhà máy thông minh, sẽ được ký kết giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công Thương.
Lần đầu tiên xác định vai trò của 4 chủ thể trong phát triển kinh tế số gồm: Các bộ, ngành; Các địa phương; Các doanh nghiệp công nghệ số; Các doanh nghiệp trong các ngành lĩnh vực. Vai trò của từng chủ thể như sau:
(1) Các bộ, ngành: (i) Xây dựng và ban hành bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số ngành, lĩnh vực; (ii) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số xây dựng hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ số; (iii) Xây dựng công cụ đo lường trực tuyến theo bộ tiêu chí đã ban hành.
(2) Các địa phương: (i) Xây dựng kế hoạch để khảo sát, đánh giá các doanh nghiệp trên địa bàn theo bộ tiêu chí đã được ban hành; (ii) Phối hợp với các bộ, ngành và doanh nghiệp công nghệ số tư vấn, kết nối các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh... trên địa bàn với hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ số.
(3) Các doanh nghiệp công nghệ số: (i) Phát triển các sản phẩm và dịch vụ số đáp ứng bộ tiêu chí do các bộ, ngành ban hành; (ii) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và bộ, ngành, địa phương thử nghiệm, triển khai sản phẩm, dịch vụ số; (ii) Đưa ra các gói khuyến mại dùng thử miễn phí tối thiểu 6 tháng, giảm giá dịch vụ, kích cầu.
(4) Các doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực: (i) Tự đánh giá mức độ chuyển đổi số của mình theo các tiêu chí; (ii) Sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số theo các tiêu chí còn chưa đạt yêu cầu.
Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành khác để mở rộng các lĩnh vực phát triển kinh tế số bằng các chương trình ký kết trong năm 2025.
Bộ Thông tin và Truyền thông dự thảo Khung hướng dẫn phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực để hướng dẫn cụ thể các bộ, ngành, địa phương triển khai.
Song song với các phiên thảo luận, Diễn đàn năm nay còn có các triển lãm trưng bày, giới thiệu và trải nghiệm trực tiếp các sản phẩm, dịch vụ số trong các ngành, lĩnh vực với hơn 20 gian hàng đến từ nhiều doanh nghiệp công nghệ số như Viettel, VNPT, Mobifone, Tập đoàn TH, Công ty cổ phần công nghệ và truyền thông Việt Nam (VNTT)…