Người dân thị trấn Tân Uyên thu hái chè
Chủ tịch UBND huyện, ông Hà Trọng Hải chia sẻ: Những năm qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo thực hiện, ưu tiên các nguồn lực tập trung cho việc giảm nghèo. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2015 là 6%; có 4 bản đã thoát ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn so với năm 2011.
Cũng theo lời ông Hà Trọng Hải, nhờ việc tập trung các nguồn lực ưu tiên thực hiện chương trình giảm nghèo, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh được tăng cường đầu tư. Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã, mặt đường được cứng hóa đạt 89,9%; tỷ lệ bản, tổ dân phố có đường xe máy đi lại thuận lợi đạt 90,8%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia đạt 91,5%. Cùng với đó, hệ thống các công trình thủy lợi được đầu tư cơ bản đáp ứng được 85% nhu cầu tưới tiêu, sản xuất. Giai đoạn 2011 – 2015, đã có gần 5.000 lao động được giải quyết việc làm; đào tạo nghề cho trên 4.000 lao động, từ đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 19% đầu năm 2011 lên 37,4% vào cuối 2015.
Công tác chăm sóc sức khỏe của Nhân dân được đảm bảo (toàn huyện có 9/10 xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế với 5,3 bác sỹ/vạn dân), 93% Nhân dân tham gia bảo hiểm y tế. Công tác giáo dục tiếp tục được nâng cao, tỷ lệ xóa mù chữ được thực hiện tại 10/10 xã, thị trấn, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi...
Tuy nhiên, từ năm 2016, theo tiêu chí nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn cao, chiếm 39,3%; kết quả giảm nghèo của huyện chưa thực sự bền vững, đời sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Cùng với đó là việc tiếp thu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước còn nhiều hạn chế. Thời điểm đầu năm 2016, toàn huyện còn 5 xã, 55 bản, tổ dân phố nằm trong diện đặc biệt khó khăn (chiếm 38,7%), 4.473 hộ nghèo.
Theo lãnh đạo huyện Tân Uyên, nguyên nhân của điều này là do trình độ dân trí không đồng đều giữa các khu vực, nhiều hộ thoát nghèo chưa bền vững; một số nơi còn tồn tại những hủ tục dẫn tới việc thực hiện giảm nghèo còn khó khăn. Mặt khác, dù đã tận dụng và phát huy tối đa nguồn lực nhưng vẫn còn ít, hạ tầng kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, nhất là tại những xã, bản vùng sâu, vùng cao; giao thông tại các thôn bản vào mùa mưa đi lại hạn chế; đời sống khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều khiến quá trình tuyên truyền, phổ biến các chương trình, dự án, chính sách cho Nhân dân còn hạn chế và chưa thực sự hiệu quả.
Với mục tiêu thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp với từng xã, thị trấn để thực hiện tăng trưởng kinh tế, cải thiện và tăng thu nhập cho người dân nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa; thực hiện các chính sách giảm nghèo gắn với phát triển nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn huyện, huyện Tân Uyên đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020. Mục tiêu cụ thể mà huyện đề ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 4 – 4,5%/năm, giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo Quốc gia.
Để thực hiện được mục tiêu đó, huyện Tân Uyên đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, đơn vị, địa phương trong huyện trong đó yêu cầu công tác giảm nghèo phải được thực hiện sát với thực tế của từng xã, thị trấn. Ông Hà Trọng Hải, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Huyện đặc biệt không vì số lượng mà xem nhẹ chất lượng. Coi việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Huyện cũng kết hợp chặt chẽ kế hoạch giảm nghèo với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra.
Hiện nay, huyện Tân Uyên vẫn đang vận dụng các nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ hiệu quả phát triển sản xuất và dân sinh phù hợp với quy hoạch; phát triển hệ thống các công trình thủy lợi để đáp ứng trên 95% nhu cầu sản xuất. Cùng với đó là triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập cho người nghèo. Với những hộ dân vùng tái định cư, ngoài việc ổn định cuộc sống, khuyến khích bà con phát huy tiềm năng sẵn có về đất đai, nguồn lực để phát triển kinh tế (hỗ trợ các hộ nuôi cá lồng, hỗ trợ giống, cây con vào sản xuất nông nghiệp...). Gắn sản xuất nông nghiệp với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện chính sách hỗ trợ việc làm cho người lao đông, đặc biệt tập trung chuyển hướng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.
Hiện nay, huyện Tân Uyên đang thực hiện lồng ghép đề án “Phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2016-2020” và thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng tại các xã, bản đặc biệt khó khăn. Ưu tiên thực hiện hệ thống giao thông nông thôn để phục vụ sản xuất và nhu cầu đi lại của người dân.
Để bám sát thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo, huyện Tân Uyên đã giao cho các phòng chuyên môn như: Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, phòng Tài Chính-kế hoạch, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Dân tộc... phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, ưu tiên nguồn vốn để thực hiện. Với các xã, thị trấn cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 để tổ chức thực hiện, kịp thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ các hộ nghèo, tuyên truyền để các hộ có ý thức trong tự lực vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững.
Với kế hoạch, mục tiêu cụ thể đó, mong rằng Tân Uyên sẽ bứt phá ngoạn mục trong công cuộc giảm nghèo và giảm nghèo bền vững, trở thành địa phương trong tốp đầu của tỉnh về thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững./.