Anh Nguyễn Chí Thanh, một nông dân vươn lên thoát nghèo
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Thành ủy và UBND TP Hà Nội, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn Thủ đô ngày càng được nâng cao. Bên cạnh sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy Đảng thì nhân dân các dân tộc cũng đã không ngừng nỗ lực thi đua sản xuất kinh doanh, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu từ nội lực của chính mình. Trong hàng trăm tấm gương tiêu biểu, tích cực tham gia phong trào thi đua sản xuất kinh doanh tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có những điển hình tiên tiến với ý chí mạnh mẽ, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng từ hai bàn tay trắng.
Chúng tôi về thôn Gò Đá Chẹ, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, hỏi thăm đến nhà anh Nguyễn Chí Thanh, một nông dân sản xuất giỏi của xã Khánh Thượng - một trong những xã vùng đồng bào dân tộc khó khăn nhất của Thủ đô. Nhà anh Thanh rộng rãi, khang trang, nổi bật giữa thôn Gò Đá Chẹ với vườn cây xanh mướt, xum xuê.
Được biết, anh SN1964, tuổi thơ vất vả, nhà nghèo, mẹ anh một người phụ nữ tần tảo, làm ở Trạm y tế xã. Khi mới được 10 tuổi, anh phải vừa học, vừa phụ giúp mẹ kiếm sống, có thời điểm khó khăn anh phải lên núi mót sắn, khoai, ngô để có lương thực ăn. Vì gia đình quá nghèo nên khi học tới lớp 9 anh buộc phải nghỉ học, đi làm đủ mọi công việc để giúp đỡ gia đình. Năm 1986, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Thanh xuất ngũ trở về địa phương, xây dựng gia đình, tìm mọi cách để thoát nghèo.
Trăn trở với ruộng vườn, anh thấy đất sản xuất của gia đình diện tích tuy nhiều nhưng lại phân bố rải rác ở nhiều nơi nên khi canh tác mất nhiều chi phí, công sức. Năm 1992, anh Thanh đã xin đổi 8 thước ruộng với các gia đình trong thôn, xóm dồn đất nhà thành một thửa để tiện canh tác. Ban đầu anh đào ao thả cá, làm gạch, trồng chuối, trồng na, trồng vải. Đời sống gia đình dần được cải thiện, không phải thiếu đói như trước, năm 1994 anh đã xây được nhà mái bằng khang trang. Nhận thấy làm vườn có hiệu quả, anh tiếp tục dồn điền đổi thửa, trồng những cây có thu nhập cao. Đến nay, với diện tích trên 1.000m2 đất trồng bưởi Diễn, hàng năm trừ chi phí cho thu nhập 70 triệu đồng, dưới tán bưởi anh nuôi 300 con gà, hàng năm cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Anh đầu tư trang trại nuôi trên 100 con lợn hướng nạc và lợn nái bình quân hàng năm trừ chi phí thu về 70 triệu tiền lợn thịt và 25 triệu tiền lợn giống. Bình quân trừ chi phí, hàng năm gia đình anh Thanh thu nhập đạt trên 150 triệu đồng, ngoài ra trồng trọt, chăn nuôi cung cấp lương thực, thực phẩm đảm bảo cho nhu cầu thường xuyên trong gia đình.
Anh Thanh chia sẻ: “Để có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ sự động viên của mẹ tôi - một đảng viên lâu năm. Bà luôn tin tưởng, ủng hộ mọi quyết định của tôi”.
Kinh tế gia đình ngày càng vững chắc, nhưng với anh Thanh thành công nhất là bây giờ anh có một gia đình chan hòa hạnh phúc, mẹ anh là người có uy tín của xã Khánh Thượng, vợ anh là chị Trần Thị Hường hiện đang công tác tại trường tiểu học của xã Khánh Thượng, các con anh đều ngoan ngoãn, chăm học.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh hăng hái gương mẫu tham gia giúp đỡ người dân trong thôn xóm mỗi khi họ cần, sẵn sàng hướng dẫn, giúp đỡ người dân trong thôn, ngoài xã về kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi…tạo điều kiện để ổn định cuộc sống, thoát khỏi đói nghèo. Anh cũng tích cực ủng hộ, đóng góp xây dựng đường làng, ngõ xóm.
“Tôi mong muốn Đảng, Nhà nước có thêm chính sách về hỗ trợ kỹ thuật, cho vay vốn với thời gian dài, lãi suất ưu đãi hơn để đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi của Thủ đô”, anh Nguyễn Chí Thanh chia sẻ.