Theo Văn phòng Chính phủ, hiện nay số lượng DVCTT nhiều, nhiều dịch vụ công thiết yếu có đối tượng thực hiện, tần suất lớn. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh thấp hoặc cán bộ, công chức vẫn phải làm thay, làm hộ. Chất lượng DVCTT còn thấp. Việc liên thông điện tử, tái sử dụng dữ liệu còn rất thấp. Điều đó cho thấy việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC chưa thực chất khi thực hiện trên môi trường điện tử.
Yêu cầu chất lượng DVCTT đặt ra là: Hệ thống thông suốt; an toàn, an ninh thông tin. Mức độ dịch vụ phải bảo đảm như công bố (toàn trình hoặc một phần). Dễ tiếp cận; đơn giản, thuận lợi; giảm thời gian, chi phí (hơn thực hiện trực tiếp hoặc qua bưu chính công ích). Do vậy, việc tái cấu trúc quy trình nhằm cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC cần theo hướng lấy người dùng làm trung tâm.
Trình tự thực hiện tái cấu trúc quy trình gồm: Lựa chọn TTHC đáp ứng yêu cầu cung cấp DVCTT; Phân tích quy trình TTHC hiện tại; Xây dựng, phê duyệt phương án tái cấu trúc quy trình; Xây dựng DVCTT, kiểm thử, cung cấp DVCTT; Đánh giá cải thiện.
Về lựa chọn TTHC đáp ứng yêu cầu cung cấp DVCTT: Đối với DVCTT một phần phải đáp ứng được các yêu cẩu như cung cấp thông tin về TTHC; Tải được mẫu văn bản (mẫu đơn, tờ khai); Điền và gửi trực tuyến mẫu đơn, tờ khai; Hồ sơ được gửi toàn bộ qua môi trường điện tử; Có kết quả giải quyết TTHC bản điện tử. Đối với DVCTT toàn trình thì ngoài các yêu cầu như DVCTT một phần thì quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường điện tử, đồng thời thanh toán được trực tuyến và việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua bưu chính công ích.
Về xây dựng kế hoạch cung cấp DVCTT: Lựa chọn TTHC có tần suất thực hiện cao, đối tượng tuân thủ lớn; TTHC có đủ điều kiện cung cấp DVCTT toàn trình; TTHC, nhóm TTHC có khả năng liên thông điện tử, tái sử dụng dữ liệu; Mức độ sẵn sàng về hạ tầng, kỹ thuật.
Về xây dựng, phê duyệt phương án tái cấu trúc quy trình TTHC: Kết quả cần đạt được là cắt giảm TTHC không cần thiết; Giảm đi lại, tiếp xúc trực tiếp; Giảm hồ sơ, giấy tờ cần cung cấp; Giảm các bước phải xử lý trực tiếp hoặc thủ công của cơ quan, đơn vị.
Tiêu chí đánh giá là khả năng kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu để cắt giảm, đơn giản hóa TTHC; khả năng liên thông điện tử giữa các cơ quan để giảm thủ tục, bước xử lý, thời gian đi lại, thực hiện TTHC; hiệu quả; hiệu năng.
Đối với TTHC đơn lẻ, việc phê duyệt được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Thông tư số 1/2023/TT-VPCP ngày 05/4/2023 của Văn phòng Chính phủ. Đối với nhóm TTHC liên thông thì theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 28/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định thực hiện liên thông điện tử. Bộ, ngành được giao chủ trì tái cấu trúc quy trình thực hiện công bố, công khai TTHC liên thông sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định thực hiện liên thông điện tử.
Về việc xây dựng/hoàn thiện DVCTT, các đơn vị xây dựng cần xây dựng biểu mẫu điện tử tương tác; cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giấy tờ phải nộp, các bước thực hiện của người dân, doanh nghiệp; đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ thực hiện tiếp nhận, xử lý hồ sơ TTHC; xây dựng quy trình điện tử tiếp nhận, xử lý hồ sơ TTHC.