Trong nội dung về Cải cách các quy định TTHC, quy định kinh doanh (QĐKD), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, báo cáo phương án tổng thể cắt giảm, đơn giản hóa các QĐKD đang là rào cản, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, trong đó tập trung ưu tiên rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh gửi Văn phòng Chính phủ chậm nhất trong tháng 5/2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 11 TTHC ưu tiên rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa gồm: Cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng; Cấp giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp (Trung ương); Cấp lại giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp (địa phương); Gia hạn giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng; Cấp giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp (địa phương); Cấp lại giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng; Cấp lại giấy phép thiết lập mạng xã hội trên mạng; Cấp lại giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp (Trung ương); Cấp Giấy phép nhập khẩu sản phẩm an toàn thông tin mạng; Sửa đổi, bổ sung giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp (Trung ương); Sửa đổi, bổ sung giấy phép thiết lập mạng xã hội trên mạng.
Theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ tại Hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC và tái cấu trúc quy trình TTHC, cung cấp dịch vụ công liên thông ngày 04/4/2024 thì có 04 bước để rà soát, đề xuất và triển khai phương án cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh, gồm: Thống kê quy định, TTHC liên quan đến giấy phép cần hoàn thành trước ngày 15/4/2024; Rà soát, đánh giá TTHC hoàn thành trước ngày 31/5/2024; Trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2024; Thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa sẽ theo lộ trình được phê duyệt. Cụ thể:
Bước 1 thống kê quy định, TTHC liên quan đến giấy phép: TTHC được công bố, cập nhật trên CSDLQG về TTHC; Thống kê TTHC liên quan; Thống kê đối tượng thực hiện TTHC; Thống kê chi tiết về yêu cầu, điều kiện; Thời hạn, phạm vi có hiệu lực và tần suất thực hiện.
Nội dung Thống kê TTHC liên quan có 02 trường hợp: TTHC thực hiện trước khi thực hiện thủ tục cấp phép (TTHC có kết quả giải quyết là đầu vào của thủ tục cấp phép; TTHC để đáp ứng yêu cầu, điều kiện của thủ tục cấp phép) và TTHC thực hiện sau khi có giấy phép (TTHC phải tiếp tục thực hiện sau khi có giấy phép để được phép hoạt động sản xuất, kinh doanh).
Nội dung Thống kê đối tượng thực hiện TTHC theo lộ trình: (1) Xác định cụ thể các đối tượng thực hiện TTHC (Liệt kê chi tiết các cá nhân, tổ chức phải thực hiện TTHC; Các sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng phải kiểm tra, đánh giá, thẩm định của TTHC (nếu có)). (2) Đánh giá, phân loại mức độ rủi ro theo đối tượng thực hiện TTHC, gồm: Phân loại mức độ rủi ro liên quan đến vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, môi trường, sức khỏe của cộng đồng của từng đối tượng thực hiện TTHC theo các mức độ: Cao (có thể gây thiệt hại cho nhiều người về tài sản, tính mạng và phá hủy môi trường ở diện rộng,...); Trung bình (có thể gây thiệt hại cho nhiều người về tài sản ở mức tương đối lớn, không gây thiệt về tính mạng, không phá hủy môi trường ở diện rộng,…); Thấp (không gây thiệt hại đang kể về sức khỏe, tài sản, môi trường,…).
Bước 2 rà soát, đánh giá TTHC: Nghiệp vụ rà soát, đánh giá, tính toán chi phí tuân thủ TTHC được quy định chi tiết tại Điều 25, 26, 27 Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Văn phòng Chính phủ.
Nội dung tập trung rà soát, đánh giá gồm: Đánh giá dựa trên quản lý rủi ro; Đổi mới cơ chế quản lý; Cắt giảm các “giấy phép con”; Phân cấp; Xã hội hóa; Đơn giản hóa các bộ phận tạo thành của TTHC; Tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Nội dung đánh giá dựa trên quản lý rủi ro gồm: Đánh giá quy trình quản lý hoặc quá trình thực hiện TTHC (Cắt giảm TTHC không cần thiết, trùng lặp, chồng chéo; Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm); Đánh giá, phân loại mức độ rủi ro theo đối tượng thực hiện TTHC (Cắt giảm đối tượng thực hiện TTHC; Giảm tần suất thực hiện; Tăng thời hạn có hiệu lực).
Nội dung đổi mới cơ chế quản lý gồm: Rà soát, loại bỏ các quy định TTHC can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tổ chức. Ví dụ: đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương,… Rà soát các TTHC có tính chất quản lý theo kế hoạch hóa tập trung, bao cấp để chuyển sang cơ chế thị trường. Ví dụ: Bỏ các TTHC quản lý xuất, nhập khẩu hàng hóa bằng hạn ngạch đối với hàng may, hàng dệt, sắn lát,… hay chỉ định doanh nghiệp làm đầu mối nhập khẩu phân bón,.. Áp dụng các công nghệ, kỹ thuật mới, nhất là công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để cắt giảm TTHC. Ví dụ: Liên thông, tái sử dụng dữ liệu điện tử giữa Hải quan, Đăng kiểm, Công an để bỏ thủ tục xác nhận nguồn gốc xe nhập khẩu,…
Nội dung cắt giảm các “giấy phép con”: Cắt giảm các TTHC cung cấp các kết quả giải quyết là thành phần hồ sơ đầu vào của thủ tục cấp phép; TTHC cung cấp các kết quả để chứng minh đáp ứng yêu cầu, điều kiện của thủ tục cấp phép; TTHC là một bước phối hợp (lấy ý kiến, xác minh,…) của các cơ quan liên quan trong giải quyết thủ tục cấp phép.
Nội dung phân cấp thẩm quyền thực hiện TTHC gồm: Phân cấp toàn diện, triệt để (Rà soát, cắt giảm các TTHC yêu cầu lấy ý kiến thống nhất, chấp thuận trước khi quyết định, phê duyệt theo thẩm quyền. Rà soát, phân cấp thẩm quyền phê duyệt, quyết định cho cơ quan thẩm định, thẩm tra khi có đủ điều kiện). Phân cấp hợp lý giữa trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau (Giảm việc giải quyết TTHC của các cơ quan trung ương; “cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực”; vừa bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương). Ứng dụng công nghệ, khai thác dữ liệu số hóa để phân cấp (Căn cứ vào mức độ, phạm vi, tính chất của thông tin, dữ liệu cần xác minh để giải quyết TTHC/ hoặc sự sẵn sàng chia sẻ thông tin, dữ liệu đã được số hóa, lưu trữ trong các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung để phân cấp thực hiện. Ví dụ: Phân cấp thẩm quyền cấp đăng ký xe ô tô từ cấp tỉnh cho cấp huyện, xe máy từ cấp huyện cho cấp xã).
Nội dung đơn giản hóa các bộ phận tạo thành của TTHC: (1) Về yêu cầu, điều kiện (YCĐK): YCĐK quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định thì cần sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch hoặc loại bỏ các quy định này. YCĐK lồng ghép và chứa đứng các “giấy phép con” thì cần được rà soát, cắt giảm các “giấy phép con”. YCĐK không cần thiết, can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tổ chức thì cần cắt giảm. (2) Về đơn giản hóa thành phần hồ sơ: Cắt giảm các giấy tờ, hồ sơ đã được cơ quan nhà nước lưu hoặc đã được số hóa để tái sử dụng. Cắt giảm các giấy tờ, hồ sơ có thông tin không phục vụ cho xem xét, giải quyết TTHC hoặc đã được kiểm soát ở các bước, TTHC trước đó. (3) Về đơn giản hóa trình tự thực hiện: Cắt giảm trình tự các bước xác minh, kiểm tra, lấy ý kiến phối hợp,… khi khai thác, sử dụng dữ liệu số hóa hoặc liên thông điện tử hoặc ứng dụng. Cắt giảm các bước thực hiện không cần thiết hoặc cho phép thực hiện song song, đồng thời hoặc liên thông để giảm thời gian, chi phí thực hiện.
Nội dung tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Cắt giảm TTHC không cần thiết; Giảm đi lại, tiếp xúc trực tiếp; Giảm hồ sơ, giấy tờ cần cung cấp; Giảm các bước phải xử lý trực tiếp hoặc thủ công của cơ quan, đơn vị.
Bước 3: Tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Bộ, ngành: Tổng hợp phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa, gửi Văn phòng Chính phủ trước 31/5/2024. Văn phòng Chính phủ tổng hợp, chủ trì, phối hợp với Hội đồng tư vấn cải cách TTHC, Tổ công tác CCTTHC, bộ, ngành, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa trong tháng 6/2024.
Bước 4: Thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa sẽ theo lộ trình được phê duyệt.
Việc triển khai hiệu quả nội dung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh sẽ giúp đẩy mạnh triển khai công tác cải cách TTHC. Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (QĐKD), trong đó tập trung cắt giảm giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, thủ tục liên quan đến phiếu lý lịch tư pháp. Đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD, TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư và phân cấp giải quyết TTHC. Tiếp tục bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, quy định của pháp luật về cải cách TTHC, đảm bảo việc tuân thủ của tổ chức, cá nhân./.