Nữ "chiến sĩ" của mạng lưới truyền thông siêu đặc biệt

Thứ bảy, 10/08/2024 04:00

Quản lý toàn bộ hệ thống đài truyền thanh tuyến xã, chị Phương đang nắm trong tay cả một mạng lưới truyền thông vô cùng đặc biệt, một nét đặc sắc riêng của Việt Nam.

Chị Nguyễn Thị Lan Phương, chuyên viên chính Phòng Truyền thanh - Truyền hình thuộc Cục Thông tin cơ sở (Bộ TT&TT) là ngôi sao sáng của ngành thông tin truyền thông năm 2024. Đằng sau vẻ ngoài dịu dàng và nụ cười luôn hiện hữu, chị Phương là biểu tượng của lòng nhiệt huyết, sự kiên trì và tình yêu vô bờ với công việc mà chị đã gắn bó.

Bắt đầu câu chuyện với VietNamNet bằng một nụ cười ấm áp, chị Phương cho biết: "Tôi đã gắn bó được 10 năm với Cục Thông tin cơ sở và công tác ở Bộ TT&TT đến nay đã được 15 năm ".

Hiện người phụ nữ này đang làm việc tại Phòng Truyền thanh - Truyền hình, chịu trách nhiệm quản lý hệ thống đài truyền thanh tuyến xã, một nhiệm vụ thách thức nhưng đầy ý nghĩa.

img

Chị Nguyễn Thị Lan Phương, chuyên viên chính Phòng Truyền thanh - Truyền hình, Cục Thông tin cơ sở (Bộ TT&TT). Ảnh: Thảo Anh.

Mạng lưới truyền thông hiếm có, khó tìm

Cục Thông tin cơ sở được thành lập dựa trên việc tổ chức lại Vụ Thông tin cơ sở theo quyết định 689/QĐ-BTTTT ngày 10/5/2017 của Bộ trưởng Bộ TT&TT. Đây là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thông tin cơ sở, với 8 loại hình thông tin thiết yếu được truyền tải trực tiếp tới người dân. Trong đó, đài truyền thanh cấp xã, bản tin công cộng và tuyên truyền trực tiếp qua đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở là 3 loại hình thông tin Cục trực tiếp quản lý.

Chia sẻ với VietNamNet , chị Phương cho biết, hoạt động thông tin cơ sở, trong đó có các đài truyền thanh cấp xã là mô hình truyền thông đặc sắc, riêng có của Việt Nam.

Trên thế giới, một số quốc gia có hoạt động phát thanh cộng đồng như tại Indonesia, Philippines, Australia,… được tổ chức và vận hành bởi chính người dân địa phương. Còn tại Việt Nam, đài truyền thanh cấp xã là phương tiện thông tin, tuyên truyền do UBND cấp xã trực tiếp quản lý.

Hoạt động của đài truyền thanh cấp xã đã góp phần bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin thiết yếu cho người dân, đặc biệt là những người ở các vùng nông thôn, vùng cao, biên giới, hải đảo, những nơi có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn. Điều này đã góp phần vào việc tạo sự đồng thuận của người dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Hoạt động truyền thông cơ sở cũng góp phần tạo lập môi trường sống tốt đẹp qua việc thông tin về các tấm gương tiêu biểu, gần gũi ở chính địa phương, giúp người dân hiểu và có biện pháp phòng tránh các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

Truyền thanh cơ sở đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền thông tin thiết yếu, đặc biệt trong bối cảnh khi cả nước gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19.

img

Phát thanh viên vận hành một đài truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT - Viễn thông tại Sảng Mộc (Thái Nguyên). Ảnh: Trọng Đạt

Công tác tại Cục từ khi đơn vị mới thành lập, sau 10 năm làm việc, chị Phương đã chứng kiến và tham gia đóng góp vào nhiều thay đổi quan trọng trong lĩnh vực thông tin cơ sở.

Thông tin cơ sở là một lĩnh vực quản lý mới, do vậy, những người làm công tác thông tin cơ sở như chị Phương cũng không thể tránh khỏi những khó khăn bước đầu. Nhưng khó khăn đó không làm giảm đi lòng nhiệt huyết của những người làm công tác thông tin cơ sở.

Đau đáu với công việc của mình, từ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình công tác, chị Phương đã tham mưu lãnh đạo Cục xây dựng báo cáo chuyên đề, đề xuất, kiến nghị xây dựng hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực thông tin cơ sở. Kết quả nghiên cứu của báo cáo là cơ sở để từ đó, Cục đề xuất bổ sung, xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật liên quan.

Kết quả là giữa năm nay, Nghị định 49/2024/NĐ-CP (Nghị định 49) quy định về hoạt động thông tin cơ sở đã được Chính phủ ban hành. Có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, Nghị định 49 đã tạo cơ sở pháp lý, mở rộng không gian phát triển, đồng thời khẳng định tính chính danh của lực lượng làm công tác thông tin cơ sở.

"Việc ra đời của Nghị định 49 rất quan trọng, bởi từ trước đến nay, Việt Nam chưa có văn bản quản lý nào đối với lĩnh vực thông tin cơ sở ", chị Phương tâm sự, ánh mắt lấp lánh niềm tự hào.

Góp sức nhỏ bé cho những điều đặc biệt

Mặc dù công việc đầy thách thức, chị Phương luôn tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong những điều mình làm. Với ánh mắt sáng ngời, chị kể về những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình làm công tác thông tin cơ sở.

"Năm 2019, thấy được những khó khăn, hạn chế của công nghệ phát thanh từ thực tiễn công tác, tôi đã chủ trì đề tài khoa học cấp Bộ về “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động truyền thanh cơ sở”. Đề tài đã đưa ra những giải pháp ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động truyền thanh cơ sở, ứng dụng CNTT – Viễn thông ”.

Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu thông qua và được Bộ Khoa học & Công nghệ cấp giấy chứng nhận. Trên cơ sở kết quả của đề tài, một số doanh nghiệp như MobiFone, Viettel Solutions, Newtatco, Công ty đầu tư công nghệ Giang Phong, Tematex, Công ty đầu tư phát triển Việt Hưng đã phối hợp cùng Cục và các địa phương triển khai thí điểm.

Tính đến 30/3/2024, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã thiết lập xây dựng 2.368 đài truyền thanh ứng dụng CNTT – Viễn thông do các doanh nghiệp trong nước chế tạo, lắp đặt ”, chị kể lại với niềm tự hào khó giấu.

img

Hiện các đài truyền thanh thông minh ứng dụng CNTT - Viễn thông đã có mặt tại 63/63 tỉnh, thành phố. Ảnh: Trọng Đạt

Để đảm bảo công việc được thực hiện tốt nhất, người phụ nữ này luôn đặt mục tiêu và kết quả công việc lên hàng đầu. "Cần xem mình đóng góp được gì cho công việc, việc mình đang làm tạo ra giá trị gì, từ đó cố gắng để làm tốt nhất trong khả năng, đúng nguyên tắc, đúng quy định, trước khi nghĩ tới lợi ích cá nhân" chị Phương chia sẻ nguyên tắc làm việc sau nhiều năm đúc rút.

Giữ cho mình một tinh thần lạc quan, cân bằng giữa công việc và cuộc sống, chị vẫn đảm bảo việc có thời gian cho bản thân, vẫn tập luyện thể thao, tham gia gặp gỡ bạn bè. Việc cân đối giữa công việc và cuộc sống chính là bí quyết giúp người phụ nữ này giữ được tinh thần làm việc hăng say, hiệu quả.

Nhìn lại hành trình đã qua, chị Phương luôn tự hào về những gì mình đã làm được, đồng thời luôn ở tâm thế sẵn sàng đối mặt với những thử thách mới. Bởi với chị, công việc không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình yêu, niềm đam mê và lý tưởng sống.

Với sự nỗ lực không ngừng, những cán bộ mẫn cán như chị Nguyễn Thị Lan Phương đã và đang góp phần nhỏ bé của mình trong việc phát triển, nâng cao hiệu quả hệ thống thông tin cơ sở tại Việt Nam, mang lại thông tin thiết yếu, hữu ích cho người dân, đặc biệt ở những vùng còn gặp nhiều khó khăn.

Trọng Đạt (Báo VietNamNet)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top