Nỗ lực giúp nhau làm kinh tế

Thứ năm, 21/12/2017 11:14

Gần đây, phong trào phụ nữ tương thân, tương ái, giúp nhau thoát nghèo, ổn định cuộc sống đang mang lại hiệu quả thiết thực đối với chị em phụ nữ cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng. Các cấp hội phụ nữ không những đã huy động các nguồn lực từ cộng đồng mà còn thông qua vốn vay ưu đãi của các ngân hàng hỗ trợ gia đình hội viên nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

20170808-ta101.jpg

Nhiều chị em nghèo ở xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi được Hội Phụ nữ xã dạy nghề và chuyển sang may gia công, đã thoát nghèo.

Ða dạng nguồn vốn

Trao đổi với chúng tôi chung quanh vấn đề giúp đỡ, hỗ trợ phụ nữ nghèo, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Ngãi Lê Na cho rằng, hiện nay hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ trên địa bàn là rất lớn cho nên không thể một sớm, một chiều đáp ứng được mong muốn của chị em. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ (2011 - 2016), Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo, hướng dẫn các Hội LHPN huyện, thành phố phối hợp các ngành chức năng tổ chức triển khai, tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện giúp đỡ, hỗ trợ chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Theo đó, tổ chức khảo sát, xác định chỉ tiêu hộ nghèo làm cơ sở, nắm chắc danh sách hộ nghèo, phân loại nguyên nhân hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ ở địa phương để có phương án hỗ trợ phù hợp. Từ đó, hàng năm, các cấp hội tích cực khai thác các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), các chương trình, dự án trong và ngoài nước, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo, Quỹ tiết kiệm vì phụ nữ nghèo... từng bước đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh của phụ nữ nghèo và cận nghèo, hạn chế tình trạng "vay nóng", lãi suất cao. Nhờ đó, đến nay các cấp hội trong tỉnh đã khai thác, quản lý hơn 1.395 tỷ đồng và đã cho khoảng 48 nghìn 993 hộ phụ nữ nghèo vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống.
 
Có thể thấy, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh hiện nay không những đã linh hoạt, đa dạng cho vay vốn đối với phụ nữ nghèo mà còn phổ biến kiến thức quản lý, sử dụng vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn phương án sản xuất, kế hoạch kinh doanh, giúp chị em phát huy nguồn vốn có hiệu quả. Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, đợt thi đua "Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững" do Hội LHPN tỉnh phát động, đến tháng 12-2016, các cấp hội đã vận động tiết kiệm được tổng số tiền hơn 151 tỷ đồng (vượt 77 tỷ đồng so với chỉ tiêu đề ra), giúp 46 nghìn 537 hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất thấp hoặc mượn vốn không tính lãi. Bằng hình thức vận động này, các địa phương trong tỉnh đã phát huy được hiệu quả của nguồn vốn tại chỗ giúp các hộ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế gia đình, hạn chế tình trạng tín dụng đen tại các địa phương.
 
Hội LHPN xã Bình Thới, huyện Bình Sơn là một trong những địa phương triển khai thực hiện khá tốt việc đa dạng hóa nguồn vốn cho chị em nghèo vay để phát triển kinh tế hộ gia đình. Ðưa chúng tôi đi thăm một số hộ phụ nữ nghèo được vay vốn sản xuất, chăn nuôi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nguyễn Thị Reo vừa đi vừa tâm sự: Cách đây vài năm, nhiều chị em trong xã thuộc diện nghèo khó, việc làm không có, vốn liếng cũng không, cho nên đời sống bấp bênh và con cái thất học. Cách giải quyết vốn vay cho chị em nghèo ở đây, Hội Phụ nữ xã tổ chức họp toàn thể hội viên và bầu ra các chi hội, tổ trưởng tổ quản lý vốn, từ đó hướng dẫn chị em vay nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH và các nguồn vốn khác.
 
Chị Hồ Thị Loan, Tổ trưởng tổ 4 thuộc Chi hội phụ nữ thôn Giao Thủy, xã Bình Thới cho biết, hiện nay tổ chức cơ sở được phân công quản lý nguồn vốn hơn hai tỷ đồng và đã cho 58 lượt chị em nghèo vay đầu tư sản xuất có hiệu quả. Với hộ phụ nữ nghèo cần vay bao nhiêu vốn để đầu tư sản xuất đều được Hội xem xét giải quyết kịp thời, hợp lý. Có chị cần từ hai đến 10 triệu đồng để bán hàng tạp hóa, mở quán nước mía thì vay tại Quỹ tín dụng tiết kiệm xã, huyện hoặc vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo của Trung ương Hội. Có hộ phụ nữ nghèo vay từ 20 đến 30 triệu đồng để phát triển chăn nuôi heo, bò và làm rau sạch được Hội phụ nữ xã xác nhận, bảo lãnh đến Ngân hàng CSXH huyện vay rất thuận lợi. Riêng chị Phan Thị Hà, Tạ Thị Liên và Nguyễn Thị Thu Hằng thuộc hộ phụ nữ nghèo, thông qua Hội phụ nữ xã đã vay từ 100 đến 500 triệu đồng tại Chi nhánh Ngân hàng Vietcombank Quảng Ngãi để mua máy gặt liên hợp phục vụ thu hoạch lúa với năm sau thu nhập kinh tế cao hơn năm trước. Nhờ đa dạng hóa nguồn vốn vay cho phụ nữ nghèo đầu tư phát triển sản xuất, hiện nay nhiều hộ phụ nữ nghèo ở xã Bình Thới đã có nguồn thu nhập khá, cuộc sống ổn định. Số hộ phụ nữ nghèo vươn lên làm giàu đã tăng gấp hai lần so với đầu nhiệm kỳ (năm 2011).
 
Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả
 
Có thể nói, hiện nay nhiều hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ đã được các cấp hội phụ nữ trong tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ bằng nhiều hình thức, bảo đảm xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã và phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Ðồng thời, nhằm phát huy nguồn vốn có hiệu quả, Trung tâm Dạy nghề phụ nữ tỉnh đã mở các lớp đào tạo nghề và tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nữ nông thôn như: May công nghiệp, dịch vụ thú y, làm gạch công nghiệp, đan võng, làm nấm... Ðến nay, phụ nữ nghèo đã có nhiều mô hình đang duy trì hoạt động hiệu quả như: Chăn nuôi thoát nghèo bền vững, Tổ hợp tác trồng hoa, cùng hàng trăm mô hình phát triển kinh tế vườn rừng, kinh tế hộ gia đình. Ðiển hình như mô hình: "Chăn nuôi bò lai sinh sản, heo giống và trồng rau sạch" của phụ nữ nghèo ở xã Bình Thới (huyện Bình Sơn); mô hình "Hũ gạo tiết kiệm" giúp phụ nữ nghèo ở xã Tịnh Giang (huyện Sơn Tịnh). Mô hình "Nấu ăn, đám tiệc" đang thực hiện có hiệu quả tại các tổ phụ nữ của phường Nghĩa Chánh (TP Quảng Ngãi), 11 xã của huyện Ðức Phổ, sáu xã của huyện Mộ Ðức, bốn xã của huyện Bình Sơn... với sự tham gia của hơn 350 hội viên, phụ nữ khó khăn, qua đó tạo việc làm ổn định, với mức thu nhập trung bình từ 1,2 đến 3 triệu đồng/người/tháng.
 
Trong cơn mưa chiều muộn cuối tháng 2, đến thăm những mô hình kinh tế do chị em phụ nữ nghèo vay vốn đầu tư, chúng tôi thấy những vườn rau sạch đang lên xanh tươi. Tại xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi, chúng tôi gặp gỡ nhiều chị em nghèo là chủ của những vườn rau sạch, sản xuất theo mô hình thâm canh, tăng năng suất cây trồng, có thu nhập cao. Chị Phạm Thị Sinh, hộ nghèo ở thôn Bình Ðông, xã Nghĩa Hà vui vẻ cho biết: Cuối năm 2013, được Hội phụ nữ xã bảo lãnh vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH thành phố, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Hội phụ nữ tỉnh, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư sản xuất vườn hoa lay ơn, hoa huệ, hoa cúc và nhất là phát triển vườn rau chất lượng cao. Ðứng bên giàn dưa leo, chị Sinh cẩn thận tỉa bỏ từng nụ dưa lép và chăm bón vườn rau sau những ngày bị gió thổi làm hư hại, chị nói: Hằng năm, gia đình tôi thu nhập khoảng một trăm triệu đồng từ bán hoa và các loại rau xanh. Ngay trong dịp Tết Ðinh Dậu, tôi đã bán hoa tươi thu hơn 25 triệu đồng và hiện nay gia đình đã thoát nghèo bền vững.
 
Mô hình "Vườn ươm giống keo lai, tạo việc làm cho lao động nữ" tại xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành cũng thu hút nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn tham gia sản xuất, thoát nghèo. Chị Nguyễn Thị Minh Thuyên (42 tuổi), ở thôn Tình Phú Nam, xã Hành Minh, từ gia đình nghèo khó, thiếu ăn, đã mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện đầu tư mô hình kinh tế vườn rừng. Hiện nay chị là chủ nhân của những vườn ươm giống keo lai có hiệu quả, với mức thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.
 
Từ các hoạt động hỗ trợ vốn phát triển kinh tế của các cấp hội, đã có hơn 20.000 trong tổng số 25.711 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được giúp đỡ và có khoảng 4.000 hộ thoát nghèo, góp phần đáng kể trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh. Tuy nhiên, để công tác giảm nghèo hiệu quả, bền vững, hiện nay Hội LHPN Quảng Ngãi tăng cường công tác tuyên truyền các cơ chế, chính sách thực hiện các nội dung của chương trình; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân tự thân vận động vươn lên thoát nghèo. Hội tập trung chỉ đạo thực hiện các hoạt động có tính đột phá, bảo đảm tư vấn nghề, việc làm cho phụ nữ, đào tạo nghề gắn với các mô hình tạo nghề sau học nghề. Hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế tập thể, chú trọng phát triển hợp tác xã kiểu mới theo chuỗi giá trị gắn với sản xuất sạch, sản xuất an toàn. Tiếp tục duy trì các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động tiết kiệm và đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội… Một trong những việc trọng tâm là thúc đẩy lan tỏa hình thức liên kết "bốn nhà" (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nước) trong các dự án nông, lâm, thủy sản và dịch vụ; mở các lớp tư vấn, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức kinh tế thị trường, quy trình sản xuất, năng lực quản trị cho cán bộ, hội viên phụ nữ và hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ... Có như vậy, công tác giúp nhau thoát nghèo bền vững đối với phụ nữ trong tỉnh sẽ sớm đạt chỉ tiêu theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 19 đã đề ra.
 
Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi có gần 31.840 lượt phụ nữ được tập huấn về chuyển dịch cây trồng vật nuôi, hướng dẫn cách làm ăn, quản lý vốn, khởi sự doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ. Hội LHPN tỉnh chú trọng mô hình giúp phụ nữ nghèo qua hình thức tương thân, tương ái, giúp nhau sản xuất, kinh doanh với hơn 200.000 lượt phụ nữ được giúp bằng tiền, cây trồng, con giống, nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa kinh doanh, ngày công lao động với tổng trị giá hơn 13,1 tỷ đồng.
Minh Trí
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top