Gia đình ông Lù Dín Dủng, thôn Tòng Chú 1 trước kia rất khó khăn, thu nhập bấp bênh. Mấy năm gần đây, được sự tín chấp của Hội Nông dân xã, ông mạnh dạn vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi từ ngân hàng để cải tạo chuồng trại, mua con giống phát triển chăn nuôi lợn. Nhờ sự chăm chỉ của mọi người trong gia đình và sử dụng đồng vốn đúng mục đích, đàn lợn sinh sản từ 2 con ban đầu nay đã tăng lên 5 con. Đặc biệt, mỗi năm, gia đình ông xuất bán 2 lứa lợn thịt, mỗi lứa hơn 100 con, đem lại nguồn thu ổn định khoảng 40 - 50 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình ông có điều kiện xây nhà ở khang trang, mua sắm nhiều vật dụng hiện đại.
Còn hộ bà Phạm Thị Hoa, thôn An San lại chuyển toàn bộ diện tích đất ruộng kém hiệu quả sang trồng rau an toàn để phát triển kinh tế. Với 4 sào ruộng, bà Hoa trồng luân canh các loại rau su su, bắp cải, đậu cô ve, rau gia vị... Nhờ áp dụng đúng quy trình sản xuất và khung thời vụ do cán bộ khuyến nông hướng dẫn, nên sản phẩm rau của gia đình bà được các thương lái đặt mua toàn bộ, đem lại nguồn thu ổn định.
Mô hình chăn nuôi của gia đình ông Lù Dín Dủng. |
Sau gần 4 năm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các tiêu chí của xã Cốc San không chỉ được giữ vững, mà chất lượng cũng nâng lên rõ rệt. Trong đó, tiêu chí thu nhập tăng từ 20 triệu đồng lên 23,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19% (năm 2013) xuống còn 4,6% (năm 2016). Đến nay, 100% đường liên thôn, đường trục thôn đã được cứng hóa; hơn 80% đường liên gia, ngõ xóm được đổ bê tông. Tỷ lệ hộ có nhà vệ sinh và chuồng trại chăn nuôi đạt tiêu chuẩn chiếm trên 90%, tăng 8% so với năm 2013... Có được kết quả trên là nhờ các giải pháp giảm nghèo đã được địa phương triển khai và thực hiện đồng bộ, trong đó, khuyến khích các hộ dân chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp, nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hoá, thuận lợi cho việc kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Chính quyền xã chủ động liên hệ với các ngân hàng trên địa bàn huyện giúp các hộ kinh doanh, chăn nuôi và hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, xã quy hoạch lại các vùng sản xuất nông - lâm nghiệp phù hợp với đất đai, xu thế thị trường, cũng như nhu cầu phát triển kinh tế của người dân.
Cụ thể, xã đã quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn với diện tích 39 ha; vùng sản xuất lúa giống hơn 10 ha tại các thôn: An San, Luổng Đơ, Luổng Láo 1 (đây là các thôn nằm ven Quốc lộ 4D, thuận tiện về giao thông, nước tưới và tiêu thụ sản phẩm); chuyển đổi 13 ha đất cấy lúa kém hiệu quả tại thôn Luổng Đơ và thôn Luổng Láo 1 sang trồng ngô hàng hóa; triển khai cánh đồng một giống gần 60 ha tại các thôn: Tân Sơn, Tòng Sành 1, Tòng Sành 2, Tòng Chú 1, Ún Tà; quy hoạch vùng trồng chuối mô hơn 30 ha tại thôn Luổng Đan... Với lợi thế về vị trí địa lý, thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu, xã huy động nguồn lực và vận động nhân dân thực hiện các mô hình sản xuất hàng hóa theo quy mô trang trại và gia trại, phát triển cá giống, cá thương phẩm. Hiện, toàn xã có 41,5 ha mặt nước nuôi thủy sản, trong đó, hơn 30 ha được người dân nuôi theo hình thức thâm canh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến và thiết bị hiện đại, sản lượng đạt khoảng 18 - 20 tấn/ha/năm.
Đồng chí Nguyễn Viết Hợp, Chủ tịch UBND xã Cốc San cho biết: Dù đánh giá theo tiêu chí cũ hay mới, thì cải thiện thu nhập vẫn là nền tảng để giảm nghèo bền vững. Trong thời gian tới, xã tiếp tục vận động nhân dân đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, phát triển kinh doanh, dịch vụ; phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tổ chức giới thiệu việc làm cho lao động trên địa bàn. Cùng với đó, xã tích cực triển khai công tác khuyến nông, cử cán bộ hỗ trợ người dân về kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi... tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững./.