Ảnh minh họa
Tỉnh Phú Thọ có gần 50 dân tộc cùng chung sống lâu đời, tạo nên màu sắc đặc trưng của vùng Đất Tổ. Trong đó, dân tộc Mường có hơn 200.000 người, sinh sống tập trung tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập và Thanh Thủy. Đến nay, nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật, nhất là nghệ thuật diễn xướng dân gian vẫn được người Mường ở Phú Thọ giữ gìn và bảo tồn. Trong các loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc Mường như cồng chiêng, múa mỡi đồng, múa ngoắt ngoe, các làn điệu hát giang, hát ví,… điệu múa Trống đu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Mường mỗi dịp lễ tết quan trọng.
Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hoạch, xã Đồng Thịnh, Yên Lập đã hơn 50 năm thực hành và truyền dạy múa Trống đu, ông chia sẻ về tích điệu múa Trống đu bắt nguồn từ câu chuyện mua vui của người cha dành cho đứa con nhỏ khi người mẹ mất sớm.
Từ đó, chiếc trống trở thành niềm an ủi, gắn bó với 2 cha con. Sau này, khi người cha già yếu, người con lại lấy trống ra đánh để mua vui cho cha xem. Đến khi người cha qua đời, người con múa trống như một cách để tưởng nhớ, tiễn biệt người cha về nơi chín suối. Cảm động trước tình cảm của hai cha con, người dân bản làng đã mô phỏng lại điệu múa như một cách ca ngợi về vè đẹp của sự Hiếu - Nghĩa với cha mẹ. Cứ như thế, tục múa Trống đu được người dân lưu truyền từ đời này qua đời khác, trở thành nét văn hóa gắn bó với đồng bào Mường nơi đây.
Theo thời gian và nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần ngày càng tăng lên của đồng bào Mường, ngày nay, biểu diễn múa Trống đu không chỉ để giãi bày, thể hiện nỗi nhớ thương và biết ơn đối với cha mẹ đã một đời vất vả nuôi con khôn lớn mà còn phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân trong các dịp hội hè, lễ tết, mừng nhà mới… với mong muốn cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, quốc thái, dân an. Một đội múa Trống đu thường gồm 12 người, trong đó có 3 người đánh trống, 2 anh mõ lộn, 1 anh thợ kèn và 6 nữ sênh tiền.
Trước khi múa, nữ mặc trang phục truyền thống của người Mường, tay cầm đôi sênh tiền hoặc dải khăn; các anh đánh trống con, mõ lộn, thổi kèn mặc quần áo Mường màu nâu, đai ngang và khăn chít đầu màu đỏ.
Riêng người đánh trống cái thường mặc quần hồng, áo đỏ, đai ngang màu xanh, khăn chít đầu màu đỏ, chân quấn xà cạp. Để cho điệu múa thêm phần vui nhộn, người trực tiếp múa trống thường trang điểm cho gương mặt hài hước giống như những anh hề thời xưa.
Khi múa, người múa chính và múa phụ họa đứng giữa, vừa múa vừa đánh trống đảm bảo sao cho nhịp trống phải khớp với động tác nhảy múa và các nhạc cụ hỗ trợ xung quanh.Tiết tấu của múa trống đu khi dồn dập, khi uyển chuyển. Chỉ là những đạo cụ bình thường nhưng sự phối hợp ăn ý của chúng đã tạo nên những âm thanh mang đặc trưng sắc thái của dân tộc Mường, vừa da diết, vừa mãnh liệt. Múa Trống đu thể hiện ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc; là sự đoàn kết giữa tình làng nghĩa xóm, giảm đi ranh giới sang hèn trong xã hội; là khát vọng hướng tới tương lai hạnh phúc, an khang thịnh vượng của người dân lao động.
Ông Hoạch cho biết: “Múa Trống đu yêu cầu phải có sức khỏe, sự dẻo dai, khéo léo. Vì thế, người trực tiếp đánh và múa trống thường là nam giới; khi đánh thạo trống rồi mới chuyển sang các động tác “hề trống” mua vui. Khi đánh trống phải có hồn, phải lắng đọng trong lòng người xem, người nghe. Tiết tấu múa trống lúc dồn dập, lúc uyển chuyển; người múa trống cái khi thì vờn trống, khi lại đùa trống đi các góc… kết hợp nhịp nhàng với nhịp trống con và tiếng kèn tạo nên âm thanh khi vui nhộn, hân hoan, khi lại lắng sâu, vang vọng”.
Múa Trống đu lại mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc về tình cảm cha con. Nghe và xem múa Trống đu, với tạo hình và sắc thái của nghệ nhân biểu diễn qua các động tác lăn trống, vần trống, tung trống, vê trống...và kết hợp hài hòa của mọi người trong đội múa, người xem như được đánh thức những tình cảm sâu kín nhất về nhân sinh quan, hướng tới những điều tốt đẹp, trân trọng tạo hóa, từ đó phát triển thêm tình yêu gia đình, quê hương, đất nước.
Múa Trống Đu là một trong những diễn xướng, làn điệu cổ mang đậm đà bản sắc văn hóa đồng bào Mường Phú Thọ. Trước những giá trị văn hóa tốt đẹp đó của Múa trống đu, Sở VHTTDL Phú Thọ và huyện Yên Lập đã có những biện pháp bảo tồn cụ thể và thiết thực như thành lập các câu lạc bộ, mở các lớp tập huấn, đào tạo truyền dạy từ các nghệ nhân.
Đồng thời địa phương hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho đội văn nghệ luyện tập, biểu diễn. Qua đó góp phần động viên, khích lệ, tạo điều kiện để múa Trống đu được bảo tồn, phát giá trị văn hóa cho các thế hệ trong cộng đồng người dân tộc Mường Phú Thọ./.