PHẦN 1. MỘT SỐ KẾT QUẢ CHÍNH CỦA WTSA-24
WTSA-24 là hội nghị cấp cao nhất của lĩnh vực tiêu chuẩn hóa viễn thông của ITU diễn ra 4 năm một lần, có thẩm quyền sửa đổi, ban hành các Nghị quyết, là định hướng và sở cứ để triển khai các hoạt động tiêu chuẩn hoá trong tất cả các mảng của ITU-T trong vòng 4 năm.

Ngài Thủ tướng Ấn độ Narendra Modi dự khai mạc Hội nghị WTSA-24
Hội nghị đã đạt được một số kết quả chính như sau:
- Sửa đổi 44/58 Nghị quyết của WTSA
- Bãi bỏ 01/58 Nghị quyết
- Thông qua 08 Nghị quyết mới
- Thông qua 13 hành động xem xét triển khai trong nhiệm kỳ tới
- Phê duyệt 122 vấn đề nghiên cứu của các SG (bao gồm cả cũ và mới).
Một số nội dung nổi bật từ Hội nghị và có đóng góp của đoàn Việt Nam:
1.1. Sửa đổi Nghị quyết số 76 "Nghiên cứu về thử nghiệm tuân thủ và liên thông (C&I), hỗ trợ các nước đang phát triển, và Chương trình dấu phù hợp C&I tương lai của ITU"
Các nội dung quan trọng được sửa đổi:
- Xác định vai trò ngày càng quan trọng của hoạt động thử nghiệm tính tương thích và đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực ICT, đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ của thiết bị IoT và thiết bị viễn thông thế hệ tiếp theo.
Việc thử nghiệm tính tương thích sẽ thúc đẩy gia tăng mức độ tương thích giữa thiết bị của các nhà cung cấp khác nhau, giúp các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, có thêm nhiều sự lựa chọn.
- Xác định vai trò quyết định của các khu vực và các quốc gia trong thử nghiệm tính tương thích và đánh giá sự phù hợp, trên cơ sở nguồn lực của ITU rất hạn chế.
- Tiếp tục đánh giá và xem xét các rủi ro cũng như các chi phí phát sinh do thiếu các thử nghiệm C&I. Tiếp tục phát triển một bộ các phương pháp và quy trình đánh giá từ xa sử dụng các phòng thử nghiệm ảo.
Đóng góp của đoàn Việt Nam đối với sửa đổi Nghị quyết số 76:
Đảm nhận vai trò Chủ trì (leading country), đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APT) trình bày và bảo vệ các đề xuất chung của APT về sửa đổi Nghị quyết này so với phiên bản 2022. Qua đó Hội nghị đã phê duyệt các nội dung được APT đề xuất sửa đổi sau:
- Mở rộng phạm vi của Nghị quyết: Phiên bản 2022 trước đây chỉ xác định khuôn khổ hoạt động thí điểm đánh giá thử nghiệm. Phiên bản hiện nay đã xem hoạt động thử nghiệm C&I là chương trình trọng điểm của ITU.
- Xác định vai trò ngày càng quan trọng hơn của thử nghiệm tính tương thích, của phòng thử nghiệm ảo, của liên kết các phòng thử nghiệm.
- Hoàn thiện cổng thông tin về thử nghiệm tính tương thích và đánh giá sự phù hợp của ITU để công bố các kết quả đã thử nghiệm, xây dựng các "test suite" cho thử nghiệm để khuyến nghị cho các quốc gia.
- Hoàn thiện và duy trì quy trình công nhận các phòng thử nghiệm và quy trình chỉ định các chuyên gia đánh giá năng lực phòng thử nghiệm.
Nói tóm lại, các nội dung sửa đổi đã giúp Nghị quyết có tính thực thi mạnh hơn, phù hợp với xu thế liên kết số, xu hướng phát triển bùng bổ của thiết bị IoT và viễn thông thế hệ tiếp theo.

Đoàn Việt Nam tham dự WTSA-24 New Delhi, India (14-24/10/2024)
1.2. Sửa đổi Nghị quyết số 44 "Thu hẹp khoảng cách tiêu chuẩn hóa giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển"
Các nội dung quan trọng được sửa đổi:
- Xác định vai trò rõ hơn về thu hẹp khoảng cách tiêu chuẩn hóa của các nhóm nghiên cứu (SG) của ITU tại các khu vực và cần phối hợp chặt chẽ hơn giữa ITU-T với các tổ chức tiêu chuẩn hóa khác và các tổ chức viễn thông khu vực.
- Khuyến khích và thúc đẩy sự tham gia của chuyên gia trẻ từ các nước đang phát triển vào hoạt động của ITU-T và cung cấp nhiều hơn khóa đào tạo về tiêu chuẩn hóa cho các đối tượng này.
- Tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển về: các hoạt động đào tạo, huấn luyện về tiêu chuẩn hóa, không chỉ là phổ biến thông tin, kiến thức mà còn la hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn mới của ITU-T, và hướng dẫn tham gia vào các hoạt động của ITU-T, theo hình thức trực tiếp (in-person), và tại các nước đang phát triển, với nhiều trình độ kỹ năng cho nhiều loại đối tượng.
- Hỗ trợ kinh phí nhiều hơn trong phạm vi nguồn lực như: cung cấp thêm fellowship cho việc tham gia các cuộc họp của các nhóm nghiên cứu (SG); phối hợp với các tổ chức viễn thông khu vực và các văn phòng khu vực của ITU để huy động nguồn lực nhiều hơn.
Đóng góp của đoàn Việt Nam đối với sửa đổi Nghị quyết số 44:
Đảm nhận vai trò đồng chủ trì (assisting country), đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương tham gia thảo luận và bảo vệ đề xuất, sáng kiến của APT:
- Yêu cầu ITU-T tập trung cung cấp tài liệu, hướng dẫn miễn phí theo các chủ đề công nghệ viễn thông/ICT mới nổi (như 5G/6G, AI, blockchain…).
- Hoàn thiện hệ thống dữ liệu tiêu chuẩn của ITU-T và thể hiện được danh mục tiêu chuẩn ITU-T theo các chủ đề công nghệ/lĩnh vực để thuận lợi cho nắm bắt, áp dụng.
- Yêu cầu ITU-T hàng năm có báo cáo về thực thi và sự tiến triển của Chương trình thu hẹp khoảng cách tiêu chuẩn hóa để các nước thành viên nắm bắt và sử dụng hiệu quả Chương trình.
- Yêu cầu ITU-T tăng cường cộng tác với các tổ chức tiêu chuẩn hóa (SDO) hướng dẫn các nước đang phát triển áp dụng các tiêu chuẩn viễn thông/ICT có liên quan để giải quyết các thách thức và ưu tiên của họ.
1.3. Thông qua Nghị quyết mới "Tăng cường hoạt động tiêu chuẩn hóa về chuyển đổi số bền vững" (SDT)
Các nội dung nổi bật của Nghị quyết mới:
- Chuyển đổi số thông qua việc sử dụng các công nghệ số mới; tạo ra các dịch vụ và ứng dụng mới; đẩy mạnh hoạt động xã hội thông tin; sẽ là yếu tố chính của tiến trình phát triển bền vững.
- Khẩn trương xây dựng hướng dẫn triển khai, theo nhu cầu cho các đối tượng khác nhau; chia sẻ các bài học thực tiễn tốt nhất để tận dụng công nghệ số, nền tảng số tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi số bền vững trong các ngành công nghiệp khác nhau.
- Huy động mọi nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa các tổ chức phát triển tiêu chuẩn (SDO), cộng đồng chuyên gia, các viện nghiên cứu phát triển tiêu chuẩn và xây dựng năng lực trong lĩnh vực chuyển đổi số bền vững.
Đóng góp của đoàn Việt Nam:
Đảm nhận vai trò đồng chủ trì, đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương tham gia thảo luận và bảo vệ đề xuất, sáng kiến của APT:
- Đề nghị ITU tập trung nghiên cứu, phát triển các định nghĩa, nội hàm khái niệm liên quan đến phát triển hệ sinh thái số, chuyển đổi số.
- Đề nghị ITU nghiên cứu, xây dựng các khuyến nghị/hướng dẫn dùng chung cho mọi đối tượng nắm bắt lợi thế và làm chủ công nghệ số, nền tảng số và phát triển các ứng dụng số, dịch vụ số.
1.4. Thông qua Nghị quyết mới "Tăng cường hoạt động tiêu chuẩn hóa về Hạ tầng công cộng số (Digital Public Infrastructure) (DPI)
Các nội dung nổi bật của Nghị quyết mới:
- Nghị quyết này là hoạt động cụ thể hoá Nghị quyết của UN về "Tăng quy mô hệ sinh thái số Mở để phát triển Bền vững".
- Xác định việc phát triển các tiêu chuẩn cho các khối (module) của Hạ tầng công cộng số (DPI) có vai trò quyết định đối với hệ sinh thái Hạ tầng công cộng số Mở và có khả năng Liên thông.
- Thiết lập một hệ tri thức về các yêu cầu kỹ thuật, các trường hợp sử dụng và các khía cạnh tiêu chuẩn hóa liên quan đến Hạ tầng công cộng số.
- Xác định chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển Hạ tầng công cộng số có vai trò quyết định sự thành công của Nghị quyết.
- Khẳng định hoạt động tiêu chuẩn hoá Hạ tầng công cộng số nằm không chỉ ở phạm vi của ITU mà cần có sự phối hợp với các tổ chức tiêu chuẩn hoá quan trọng khác.
- Ưu tiên hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc triển khai các sáng kiến, hoạt động tiên phong về phát triển Hạ tầng công cộng số.
- 04 yêu cầu đối với phát triển Hạ tầng công cộng số: sustainable, interoperable, inclusive and efficient – bền vững, liên thông, bao trùm, hiệu quả.
Đóng góp của đoàn Việt Nam:
- Chia sẻ kinh nghiệm phát triển hạ tầng số của Việt Nam để tăng tính cấp thiết đối với Nghị quyết mới của ITU dành riêng cho Hạ tầng công cộng số.
- Giới thiệu ngắn gọn chiến lược hạ tầng số Việt Nam.
- Giới thiệu hoạt động tiêu chuẩn hoá trong lĩnh vực CNTT đối với liên thông trong dịch vụ công, chính phủ số.
1.5. Thông qua Nghị quyết mới "Hoạt động tiêu chuẩn hóa của ITU-T về trí tuệ nhân tạo hỗ trợ các công nghệ viễn thông và ICT" (AI)
Các nội dung nổi bật của Nghị quyết mới:
- Tăng cường tiêu chuẩn hóa AI trong viễn thông/ICT: Nghị quyết nhấn mạnh vai trò của các nhóm nghiên cứu ITU-T trong việc phát triển các khuyến nghị, hướng dẫn và quy trình đánh giá liên quan đến AI, nhằm nâng cao hiệu quả, khả năng và tính tin cậy của các hệ thống viễn thông/ICT tích hợp AI.
- Hỗ trợ phát triển bền vững và kết nối số toàn cầu: AI được coi là công cụ quan trọng giúp viễn thông/ICT đóng góp vào việc thu hẹp khoảng cách số và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). ITU phối hợp với các cơ quan Liên hợp quốc khác để hỗ trợ triển khai AI trên phạm vi toàn cầu.
- Hợp tác quốc tế và chia sẻ thông tin: ITU-T được giao nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác với các tổ chức phát triển tiêu chuẩn khác như ISO và IEC và các bên liên quan, nhằm xây dựng các tiêu chuẩn AI đồng nhất và khả thi trên toàn cầu.
- Hỗ trợ các quốc gia đang phát triển: ITU-T cam kết cung cấp thông tin và hướng dẫn kỹ thuật cho các quốc gia đang phát triển trong việc áp dụng và triển khai các tiêu chuẩn AI, đặc biệt liên quan đến viễn thông/ICT, để đảm bảo rằng lợi ích của AI được phân bổ công bằng và toàn diện.
- Thúc đẩy nền tảng AI for Good: Nghị quyết nhấn mạnh việc mở rộng và triển khai nền tảng AI for Good của ITU, hợp tác với hơn 40 cơ quan Liên hợp quốc, để xác định và nhân rộng các ứng dụng thực tiễn của AI, góp phần đạt được các SDGs và tạo ra tác động toàn cầu.
Đóng góp của đoàn Việt Nam:
- Đề nghị ITU-T tăng cường hoạt động nghiên cứu, phát triển các khuyến nghị nhằm tận dụng AI trong các ứng dụng, dịch vụ và nền tảng số liên quan đến viễn thông/ICT và thúc đẩy chuyển đổi số bền vững.
- Đề nghị ITU-T xây dựng các báo cáo, hướng dẫn và các bài học kinh nghiệm thực tiễn hỗ trợ các thành viên ITU, đặc biệt là các nước đang phát triển ứng dụng AI và chuyển đổi số bền vững trong các ngành công nghiệp khác nhau.
1.6. Thông qua Nghị quyết mới "Thúc đẩy và tăng cường tiêu chuẩn hóa Metaverse" (MV)
Các nội dung nổi bật của Nghị quyết mới:
- Thúc đẩy tiêu chuẩn hóa metaverse: đặt mục tiêu xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc, yêu cầu, giao thức, hệ thống và dịch vụ để đảm bảo tính tương thích và khả năng tích hợp hiệu quả giữa các thành phần viễn thông/ICT trong metaverse.
- Tăng cường hợp tác quốc tế: khuyến khích sự phối hợp và hợp tác giữa ITU với các tổ chức phát triển tiêu chuẩn (SDOs), ngành công nghiệp và các bên liên quan nhằm tránh trùng lặp và đảm bảo tính bổ sung trong phát triển các tiêu chuẩn cho ứng dụng, hệ thống và dịch vụ metaverse.
- Xây dựng môi trường metaverse an toàn và bền vững: tập trung vào việc phát triển các tiêu chuẩn tôn trọng quyền con người, bao gồm bảo mật, quyền riêng tư, hòa nhập, khả năng tiếp cận và bảo vệ người dùng, để thúc đẩy metaverse lành mạnh và công bằng.
- Tăng cường nghiên cứu và các hoạt động liên quan: thành lập các nhóm nghiên cứu và tổ chức hội thảo để chia sẻ tiến bộ và kết quả từ các nhóm nghiên cứu của ITU, đồng thời thúc đẩy các sáng kiến toàn cầu như "CitiVerse" nhằm phát triển các thế giới ảo mở, tương thích và an toàn.
- Đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững (SDGs): khuyến khích các thành viên chia sẻ thực tiễn tốt và các trường hợp sử dụng metaverse để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội để đạt được mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030.
Đóng góp của đoàn Việt Nam:
- Đề nghị tăng cường trao đổi, hợp tác và hỗ trợ giữa các quốc gia, khu vực, đặc biệt là nhóm các quốc gia đang phát triển về việc thúc đẩy tiêu chuẩn hóa metaverse.
- Ủng hộ đề nghị ITU-T đánh giá tác động của metaverse đối với sự phát triển Internet; bổ sung trách nhiệm luật hoá các tiêu chuẩn, hướng dẫn có liên quan và khuyến khích nghiên cứu, xây dựng lộ trình để áp dụng các nội dung tiêu chuẩn, hướng dẫn phù hợp vào hệ thống pháp luật của quốc gia.
Ảnh: Phát biểu bế mạc Hội nghị của bà Tổng thư ký ITU-T Doreen Bogdan-Martin
1.7. Xây dựng và thông qua Nghị quyết mới "Thúc đẩy và tăng cường hoạt động tiêu chuẩn hóa cho liên lạc xe cộ" (CV)
Các nội dung nổi bật của Nghị quyết mới:
- Nhấn mạnh vai trò của liên lạc xe cộ (CV) trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của UN: giảm tai nạn giao thông, cải thiện hiệu suất năng lượng, thiết lập các hệ thống giao thông an toàn, truy cập được và bền vững cho tất cả mọi người.
- Đối tượng của Nghị quyết là CAV (xe cộ được kết nối và điều khiển tự động); nội dung tiêu chuẩn hóa theo 2 lĩnh vực V2X (xe cộ kết nối với mọi vật) và ITS (các hệ thống giao thông thông minh).
- Ghi nhận các nhóm nghiên cứu của ITU-T đã bước đầu nghiên cứu về các khía cạnh của V2X và ITS như định danh, chất lượng dịch vụ thoại và âm thanh, các cuộc gọi khẩn cấp từ xe cộ, các hệ thống giải trí và thông tin, đa phương tiện trên xe cộ, vấn đề an toàn và các ứng dụng liên quan đến IoT.
- Yêu cầu ITU-T thúc đẩy Chương trình cộng tác về tiêu chuẩn giao thông thông minh (CITS) và kết nối với các tổ chức phát triển tiêu chuẩn hóa, UNECE và các bên liên quan trong các hoạt động tiêu chuẩn hóa về liên lạc xe cộ.
- ITU-T tập trung nguồn lực và tài chính hỗ trợ hoạt động tiêu chuẩn hóa, đồng thời truyền thông mạnh mẽ trong ngành công nghiệp xe cộ và công nghiệp ICT; hỗ trợ các nước thành viên trong ứng dụng và triển khai V2X và ITS; hỗ trợ các nước thành viên, đặc biệt là các nước đang phát triển tổ chức diễn đàn, hội thảo về V2X, ITS và thúc đẩy đổi mới, phát triển công nghệ, giải pháp xe tự lái.
Đóng góp của đoàn Việt Nam:
Ủng hộ thông qua Nghị quyết mới và bày tỏ sẵn sàng tham gia tích cực trong ITU-T (các nhóm nghiên cứu liên quan như SG2, SG12, SG21, SG17, SG20) nghiên cứu về V2X và ITS; đề xuất các nước đi trước chia sẻ các mô hình sử dụng và thực tiễn tốt về thúc đẩy hệ sinh thái liên lạc xe cộ và phát triển giải pháp xe tự lái.
1.8. Một số nội dung và đóng góp khác của Đoàn Việt Nam
Đoàn Việt Nam đóng góp nội dung trong sửa đổi một số Nghị quyết khác:
- Sửa đổi Nghị quyết số 52 "Đối phó và chống lại thư rác": đề nghị ITU-T bổ sung cơ chế, chia sẻ thông tin và dữ liệu về spam; bổ sung các biện pháp phi kỹ thuật để chống thư rác bao gồm tuyên truyền nhận thức và cơ chế xử phạt phạm vi ở các quốc gia.
- Sửa đổi Nghị quyết số 60 "Các giải pháp đối với thách thức trong việc phát triển hệ thống định danh/đánh số và sự hội tụ của các hệ thống/mạng trên nền giao thức Internet": đề nghị ITU-T đánh giá tác động của công nghệ mới đối với sự phát triển Internet và hệ thống tên miền cấp cao quốc gia; bổ sung trách nhiệm luật hoá các tiêu chuẩn, hướng dẫn có liên quan và khuyến khích nghiên cứu, xây dựng lộ trình để áp dụng các tiêu chuẩn, hướng dẫn phù hợp.
- Sửa đổi Nghị quyết số 72 "Sự quan tâm đến đo kiểm, đánh giá phơi nhiễm của người với sóng điện từ": đề nghị ITU-T tăng cường cộng tác với WHO phát triển các tiêu chuẩn quốc tế về phơi nhiễm trường điện từ; tăng cường nhận thức cộng đồng về ảnh hưởng của sóng điện từ tới sức khỏe.
- Sửa đổi Nghị quyết số 92 "Tăng cường hoạt động tiêu chuẩn hoá mạng IMT đối với vấn đề không liên quan đến vô tuyến": đề nghị ITU-T thúc đẩy tiêu chuẩn hóa các khía cạnh không liên quan vô tuyến của hệ thống IMT bao gồm: tính riêng tư, độ sẵn sàng, độ tin cậy; phù hợp với xu thế hội tụ công nghệ và dịch vụ; hỗ trợ các ngành dọc, như sản xuất thông minh, cải thiện hiệu quả năng lượng và giảm độ phức tạp của mạng lưới; và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
- Sửa đổi Nghị quyết số 77 "Tăng cường công tác tiêu chuẩn hóa của ITU-T về mạng định nghĩa phần mềm (software-defined networking-SDN)": đề nghị ITU-T nghiên cứu bổ sung tiêu chuẩn về công nghệ phân tách mặt phẳng điều khiển và mặt phẳng dữ liệu, khả năng lập trình mặt phẳng dữ liệu.

Phát biểu bế mạc Hội nghị của bà Tổng thư ký ITU-T Doreen Bogdan-Martin
PHẦN 2. BÀI HỌC KINH NGHIỆM
2.1. Các vấn đề tiêu chuẩn hóa trọng tâm của ITU-T và các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế trong thời gian tới
Thông qua kết quả WTSA-24 cho thấy xu hướng hoạt động tiêu chuẩn hóa trọng tâm của ITU-T và của các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế hiện nay đang tập trung ở những lĩnh vực đặc biệt quan trọng sau:
a) Tăng cường tiêu chuẩn hóa về hạ tầng viễn thông: Mạng trục Internet và hạ tầng băng rộng cố định; Hạ tầng và mạng thông tin di động; Thông tin vệ tinh băng rộng; Hạ tầng dữ liệu và điện toán đám mây; Thiết bị người dùng cuối; Thiết bị biên mạng (thiết bị và phần mềm ứng dụng IoT).…
- Thông tin di động 5G/6G: tập trung vào một số khía cạnh như: mạng và báo hiệu (bao gồm các yêu cầu, khung, kiến trúc, chức năng, báo hiệu và thủ tục, khía cạnh bảo mật); CNC (điều phối kết nối mạng và tính toán); cải thiện hiệu quả năng lượng và giảm độ phức tạp mạng…
- Internet vạn vật (IoT): Tiêu chuẩn cơ bản (từ vựng; kiến trúc), tiêu chuẩn về phương pháp và tiếp cận (liên thông; đặc tính của các hệ thống IoT; các cảm biến, ứng dụng và lĩnh vực), tiêu chuẩn về tin cậy (sự tin cậy; danh tính; riêng tư; bảo vệ; an toàn và an ninh).
- Điện toán đám mây: Tiêu chuẩn kiến trúc cloud (thiết kế kết hợp các công nghệ và hệ thống vào đám mây) là thành phần thiết yếu cho sự thành công của một chiến lược cloud. Kiến trúc cloud có các thành phần cơ bản chính là: khả năng sử dụng (usability); kết nối (connectivity); an toàn (security). Ví dụ: kiến trúc đám mây cho sản xuất thông minh, bao gồm hạ tầng thiết bị là các sensor (IIoT), các hệ thống OT, IT, điện toán biên, IaaS, PaaS và lớp ứng dụng.
- Các công nghệ truyền thông khác: Tiêu chuẩn Ảo hóa mạng (network virtualization); Các mạng mở (open networks) (bao gồm Open RAN, API, NaaS); Đám mây biên (Edge Cloud); Truyền thông vệ tinh quy đạo thấp/ Truyền thông Teraherts…
- Tiếp tục phát triển các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng dịch vụ QoS và QoE.
b) Tăng cường tiêu chuẩn hóa AI và Metaverse, hai công nghệ được coi là nền tảng cho sự sáng tạo, đổi mới và chuyển đổi số, phát triển bền vững trong trong thời gian tới
- Trí tuệ nhân tạo (AI): Tiêu chuẩn AI gồm: tiêu chuẩn cơ bản (từ vựng; phân loại); tiêu chuẩn phương pháp và hướng tiếp cận (hướng tiếp cận tính toán; kiến trúc và thiết kế hệ thống AI và dữ liệu; đặc trưng của các hệ thống AI; chất lượng và dữ liệu cho AI); tiêu chuẩn về an toàn và tin cậy (an toàn; tính riêng tư; tính trong suốt; đạo đức; khả năng giải trình); tiêu chuẩn về các trường hợp sử dụng và ứng dụng (các trường hợp sử dụng và thực hành tốt cho các lĩnh vực).
- Metaverse: Tiêu chuẩn Metaverse đề cập đến những nguyên tắc, quy chuẩn và công nghệ cần thiết để xây dựng một không gian ảo rộng lớn, nơi các nền tảng, thiết bị và nội dung từ nhiều công ty khác nhau có thể kết nối, tương tác và hoạt động cùng nhau một cách liền mạch. Các tiêu chuẩn này rất quan trọng để phát triển một "metaverse mở" có tính liên kết cao, giúp người dùng di chuyển qua các nền tảng ảo khác nhau mà không gặp rào cản kỹ thuật hoặc tính tương thích có thể cách mạng hóa các lĩnh vực chính như dịch vụ công, giảm thiểu thiên tai, quy hoạch thành phố và sản xuất thông minh, đồng thời thúc đẩy các giải pháp sáng tạo để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. ITU tiếp tục thúc đẩy tăng cường cộng tác với các quốc gia thành viên, khối doanh nghiệp, các đô thị, cộng đồng để thúc đẩy metarverse đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội; ITU, IEC, ISO và các tổ chức tiêu chuẩn hóa khác tiếp tục nghiên cứu đưa ra các hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn hóa và công cụ ứng dụng Metaverse.
c) Tăng cường thúc đẩy tiêu chuẩn hóa trong một số lĩnh vực: các thiết bị, đồ dùng, nhà, đô thị và cộng đồng thông minh (sử dụng truyền thông M2M/IoT); lĩnh vực chăm sóc sức khỏe điện tử (e-health); lĩnh vực vận tải (hệ thống giao thông thông minh ITS)…
d) Tăng cường an toàn thông tin và an ninh mạng giải quyết các thách thức về an toàn thông tin mới:
- Danh tính số và chứng thư xác thực (Digital Identities and Credentials) đảm bảo sự liên thông các hệ thống định danh, xác thực.
- IoT và công nghiệp 4.0, các công nghệ như ảo hóa, điện toán đám mây, AI tạo sinh.
- An toàn trong thời kỳ máy tính lượng tử: xây dựng các tiêu chuẩn mật mã mới đảm bảo an toàn như Mật mã hậu lượng tử (hay Quantum Safe Cryptography- QSC) và Phân phối Khóa lượng tử (Quantum Key Distribution - QKD).
Tóm lại, ITU-T tiếp tục xu hướng phát triển tiêu chuẩn hóa về kỹ thuật, công nghệ, đặc biệt liên quan đến phát triển hạ tầng viễn thông (telecom infrastructure), hạ tầng công cộng số (Digital Public Infrastructure), chuyển đổi số bền vững (Sustainable Digital Transformation), OpenRAN, sự hội tụ AI và Metaverse, và các công nghệ số mới nổi khác như Blockchain, mật mã hậu lượng tử…
2.2. Việc tham gia của Việt Nam vào ITU-T trong thời gian tới
Qua tham khảo kinh nghiệm của một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia… cho thấy các nước này đã tổ chức bài bản để chuyên gia từ các đơn vị quản lý, các doanh nghiệp, viện trường tham gia vào các tổ chức tiêu chuẩn hóa khu vực (APT) và thế giới (ITU-T, ISO…). Điều này Việt Nam có thể học hỏi để huy động nhiều hơn các chuyên gia tham gia vào các tổ chức tiêu chuẩn hóa để đóng góp và thu về các kiến thức cập nhật, chuyên sâu phục vụ hoạt động tiêu chuẩn hóa trong nước:
- Tham gia vào SG11 và SG13 để nắm bắt tình hình tiêu chuẩn hóa về báo hiệu và giao thức cho mạng viễn thông mới nổi; đo kiểm tuân thủ và tương thích;
- Tham gia vào SG13 để theo dõi tiêu chuẩn hóa về các mạng tương lai, bao gồm di động 5G/6G, điện toán đám mây, các công nghệ mạng tiên tiến như SDN…
- Tham gia vào SG20 về các vấn đề tiêu chuẩn IoT, digital twin và đô thị thông minh bền vững;
- Tham gia vào SG17 để nắm bắt, nghiên cứu áp dụng tiêu chuẩn an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân…
Việt Nam cần xây dựng Kế hoạch tham gia, đóng góp vào ITU-T nhiệm kỳ 4 năm tới với mục tiêu có chuyên gia tham gia và đóng góp tích cực, chủ động vào hoạt động tiêu chuẩn hoá của ITU-T (đặc biệt là các nhóm nghiên cứu SG), tăng cường kết nối với các chuyên gia tiêu chuẩn hoá, tổ chức đánh giá tương thích và tuân thủ quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế.
Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Thông tin và Truyền thông