Huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc: Thoát nghèo từ thanh long

Thứ hai, 18/12/2017 10:55

Đã hơn 10 năm bén duyên trên mảnh đất Lập Thạch (Vĩnh Phúc), cây thanh long ruột đỏ đã và đang mang đến cho người dân nơi đây nguồn thu nhập lớn. Cuộc sống trên vùng quê vốn nghèo khó nay trở nên sung túc, hiện đại khi trái thanh long ngày càng được nhiều người biết đến, đặc biệt đã có mặt trên thị trường quốc tế.

Giúp dân làm giàu

Đến xã Vân Trục, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, bạn sẽ thỏa sức ngắm nhìn những vườn thanh long rộng lớn. Đang vào độ thu hoạch, những trái thanh long căng mọng đua nhau chuyển dần sang màu hồng đào. Nhờ những bàn tay chăm sóc tỷ mỷ nên cây thanh long nơi đây cứ gối vụ liên tiếp. Quả hồng đào chưa thu hoạch xong thì những quả xanh, hoa trắng như những búp sen nhọn đã mọc xum xuê quanh trụ. Bên vườn thanh long trĩu quả, ông Lê Văn Oanh (thôn Tam Phú) phấn khởi chia sẻ, từ ngày chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ, kinh tế gia đình khấm khá hơn nhiều. Mỗi năm thu nhập từ 2ha thanh long cũng được khoảng hơn 300 triệu, cao hơn hàng chục lần so với trồng cây bạch đàn. Ông đã xây được nhà và sắm sửa vật dụng thiết yếu như: Ti vi, tủ lạnh, máy giặt...
 
Ông Oanh cho biết, gia đình ông bắt đầu trồng thanh long từ năm 2011 theo Đề án của tỉnh và được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư và hỗ trợ mua giống. Ban đầu, gia đình ông đầu tư 1.300 trụ, chi phí mỗi trụ là 150 nghìn đồng. Đến nay, sau gần 7 năm, quả đồi rộng 2ha của ông đã có 2.000 trụ thanh long. “Giống thanh long ruột đỏ này, nhiệt độ ngoài trời cứ từ 25 độ là nở hoa, kết trái. Từ ngày trồng đến giờ chưa bao giờ bị mất mùa, có khi 1 tháng cắt được 2 - 3 lần, mỗi đợt được khoảng 1 - 1,5 tấn. Bình thường chúng tôi vẫn bán với giá 35 - 40 nghìn đồng/kg nhưng cũng có thời điểm, thanh long bị mất giá, quả đẹp chỉ bán được với giá 10 - 15 nghìn đồng/kg. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn nhất là có đầu ra ổn định hơn nữa, có thương hiệu cho quả thanh long ruột đỏ” - ông Oanh tâm sự.

20170808-ta2.gif

Mô hình thanh long ruột đỏ của gia đình ông Lê Văn Oanh, thôn Tam Phú, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc

Còn gia đình anh Nguyễn Trung Kiên (thôn Đồng Núi) sở hữu vườn thanh long quy mô 3ha. Sau gần chục năm, anh chuyển từ canh tác truyền thống sang ứng dụng công nghệ tưới phun mưa để cây có sức sinh trưởng tốt và có năng suất cao nhất. Anh Kiên vui mừng chia sẻ: “Nhờ dự án của huyện mà giống thanh long ruột đỏ đến với bà con nơi đây. Khi đó, chúng tôi chưa có điều kiện đầu tư nên được hỗ trợ tiền mua cột, phân và giống. Sau này, khi trồng thanh long có lợi nhuận, tỉnh lại có chủ trương đưa KHKT vào sản xuất với nhiều chính sách hỗ trợ nên nông dân chúng tôi cũng mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ và thấy có hiệu quả”. Trên diện tích 3ha, mỗi năm gia đình anh Kiên có thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng, mức sống được nâng lên từng ngày.
 
Không chỉ gia đình ông Oanh, anh Kiên mà rất nhiều gia đình khác ở xã Vân Trục đã mạnh dạn phá bỏ đất trồng bạch đàn, sắn kém hiệu quả để đầu tư vào giống thanh long ruột đỏ theo hỗ trợ trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh và Dự án thí điểm thanh long ruột đỏ của huyện Lập Thạch. Hầu hết các gia đình ở đây đều thoát nghèo, vươn lên làm giàu và có cả những tỷ phú nông dân từ cây thanh long ruột đỏ.
 
Thanh long xuất ngoại
 
Trò chuyện với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch Hà Văn Quyết cho biết, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc, huyện đã bắt tay vào thí điểm mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên vùng đất của 3 xã Vân Trục, Xuân Hòa và Ngọc Mỹ trên cơ sở phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và mong muốn của người dân địa phương. Mô hình đến nay đã thành công khi cho lãi từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm, giá trị cao hơn từ 10 - 15 lần so với cây bạch đàn, sắn và các cây ăn quả truyền thống khác. “Mới đây, Lập Thạch đã đưa 1 tấn thanh long ruột đỏ xuất ngoại theo đường hàng không đến Malaysia. Đồng thời, Nhật Bản cũng đang muốn được thưởng thức thanh long ruột đỏ. Đây là thành công lớn, bước tiến quan trọng để thị trường của thanh long ruột đỏ tiếp tục được mở rộng”- ông Quyết phấn khởi cho hay.
Tuy nhiên, trò chuyện với nông dân mới thấy, việc phát triển cây thanh long trên địa bàn huyện Lập Thạch vẫn chủ yếu là tự phát, phân tán, nhỏ lẻ, việc áp dụng các tiến bộ KHKT mới còn hạn chế nên giá trị thu nhập chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của loại cây này. Bên cạnh đó, đầu ra của thanh long chưa thực sự ổn định, vẫn còn những nông hộ chịu cảnh rớt giá, gây lo lắng.
 
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ, huyện mới bước đầu xây dựng mối liên kết giữa hộ sản xuất tới siêu thị và chưa có đủ khối lượng sản phẩm cũng như chưa có chỉ dẫn địa lý cụ thể nên chưa liên kết được DN. Huyện đã xây dựng Dự án “Phát triển vùng sản xuất thanh long ruột đỏ bền vững phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ”, triển khai ở 5 xã (Xuân Hòa, Vân Trục, Ngọc Mỹ, Quang Sơn, Hợp Lý) đang chờ tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở đó, huyện sẽ hỗ trợ nông dân một phần về vật tư, phân bón, giống và xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý đến từng hộ, để mỗi quả thanh long đều có tem nhãn truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu thị trường. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ hỗ trợ dây chuyền bảo quản sau thu hoạch để chuẩn bị cho xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa DN và bà con nông dân để bảo đảm đầu ra sản phẩm được ổn định.
Đào Cảnh
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top