Ảnh minh họa
Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống
Những năm qua, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành, các di sản văn hóa dân tộc Dao bên sườn Tây Yên Tử đã được chú trọng bảo tồn, gìn giữ. Nghệ nhân ưu tú Bàn Văn Cường ở thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động là người “giữ lửa, truyền lửa” ngôn ngữ dân tộc Dao qua việc tự nghiên cứu, biên soạn bộ tài liệu tiếng Dao. Từ vốn hiểu biết về ngôn ngữ, ông Cường đã mở 10 lớp dạy tiếng Dao ở nhiều thôn, xã trong huyện. Ông Cường tâm niệm: “Người Dao thì phải biết tiếng Dao mới thấy yêu và cảm nhận được giá trị văn hóa truyền thống lớn lao của dân tộc”. Nhờ có chữ viết mà người Dao còn lưu giữ được nhiều thông tin về nguồn gốc tổ tiên, dòng họ, gia đình, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, lễ Tết...
Tìm hiểu về nghệ thuật hát Páo Dung, chúng tôi đến bản Mậu, xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động, nơi có 100% người Dao sinh sống. Hát Páo Dung của người Dao ra đời trong lao động, sản xuất, nội dung ngợi ca cuộc sống, tình yêu đôi lứa. Nét đặc sắc trong hát Páo Dung là tùy từng lối hát, tùy cách thể hiện mà người hát phải “ứng biến” khác nhau. Nếu hát theo lối sinh hoạt, người hát phải “ứng tác” theo từng chủ đề nhất định. Nếu hát theo lễ nghi tín ngưỡng, người hát phải thực hiện theo quy tắc, chuẩn mực rõ ràng.
Người Dao ở huyện Sơn Động gìn giữ được nhiều lễ hội dân gian như: Lễ cúng Bàn Vương, Lễ cấp sắc..., trong đó Lễ cấp sắc được biết đến nhiều nhất. Thường diễn ra vào dịp cuối năm hoặc đầu năm mới, Lễ cấp sắc là nghi lễ quan trọng trong cuộc đời người đàn ông Dao, thể hiện khát vọng vươn lên, minh chứng cho sự trưởng thành, đủ tư cách đứng ra gánh vác công việc trước dòng tộc, cộng đồng.
Bên cạnh đó, còn phải nhắc tới kỹ thuật thêu thổ cẩm độc đáo của người Dao. Theo các cụ cao niên, con gái Dao khi mới lên 5, lên 6 tuổi đã phải học thêu trang phục, tự tay thêu một vài đồ dùng cho mình để diện vào các ngày lễ, Tết. Kỹ thuật thêu của người Dao khá cầu kỳ, tỉ mỉ, thể hiện qua những hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ, vàng, trắng trên quần; họa tiết cây vạn hoa, hình cách đoạn trên khăn đội đầu…
Phát huy di sản văn hóa dân tộc tạo giá trị hấp dẫn
Đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 10.000 người, tập trung đông nhất bên sườn Tây Yên Tử thuộc huyện Sơn Động. Dân tộc Dao nơi đây chủ yếu thuộc các nhóm Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán và Dao Lô Gang, sinh sống xen kẽ với một số dân tộc khác như Tày, Nùng, Sán Chay...
Theo bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Động, năm 2022, Ủy ban Nhân dân huyện đã ban hành Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc huyện Sơn Động giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Ngoài di tích lịch sử và danh thắng Tây Yên Tử đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt, huyện còn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tham mưu lập hồ sơ nghệ thuật hóa Lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao.
Từ năm 2021 đến nay, Sơn Động đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức khảo sát, điều tra, khôi phục và dựng phim phóng sự về nghề truyền thống thêu ren thổ cẩm của đồng bào dân tộc Dao tại bản Mậu; tổ chức lễ hội cầu mùa của dân tộc Dao ở bản Nà Hin, thôn Gà, xã Vân Sơn. Huyện cũng tập trung hỗ trợ, phát triển hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng của dân tộc Dao; mở các lớp truyền dạy, bảo tồn chữ viết, làn điệu dân ca, nghi thức văn hóa, lễ cấp sắc, nghề thêu ren... của người Dao.
Với việc chú trọng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống, người Dao bên sườn Tây Yên Tử sẽ có thêm cơ hội khai thác, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tạo những giá trị hấp dẫn riêng có, qua đó nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới.