PHÓNG VIÊN : Từ đầu năm đến nay, TPHCM đã triển khai những nội dung trọng tâm nào về chuyển đổi số, thưa đồng chí?
Đồng chí VÕ VĂN HOAN : “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội” là chủ đề công tác năm 2024 của TPHCM, cũng là những nội dung được UBND TPHCM tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt từ đầu năm đến nay.
Công tác chuyển đổi số được tập trung chỉ đạo đồng bộ theo 4 nhóm nhiệm vụ. Đó là tạo lập và khai thác dữ liệu số để hỗ trợ công tác tham mưu, ra quyết định và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công; vận hành và phát triển các nền tảng số phục vụ cung cấp các dịch vụ công, đặc biệt là hành chính công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, ban hành chính sách khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến (phí 0 đồng đối với 121 thủ tục hành chính thuộc 5 nhóm dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh sử dụng chữ ký số và thanh toán trực tuyến). TPHCM cũng tập trung đào tạo nâng cao năng lực số cho cán bộ, công chức và thành viên các tổ chuyển đổi số cộng đồng.
Đặc biệt, TPHCM đã ra mắt Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM - công cụ quan trọng để thành phố thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi số.
Đến nay, Chương trình Chuyển đổi số của TPHCM đã đạt được những kết quả đáng kể nào?
Những năm qua, Chương trình Chuyển đổi số đã có những kết quả đáng kể, xếp hạng đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) của TPHCM liên tục nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành ở thứ hạng cao và tăng từ hạng 5 (năm 2020), lên hạng 2 (năm 2022). TPHCM là địa phương duy nhất trong cả nước nhận giải thưởng ASOCIO tại Hàn Quốc, hạng mục Chính quyền số xuất sắc năm 2023.
Đặc biệt, năm 2024, theo báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, TPHCM tiếp tục thăng hạng về Chỉ số dịch vụ trực tuyến địa phương (LOSI) (xếp hạng 53/152 thành phố được khảo sát). Chỉ số LOSI của TPHCM năm 2024 tăng 1,2% giá trị so với năm 2022 và tăng 58,85% giá trị so với năm 2020. TPHCM cũng đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi hoạt động của chính quyền lên môi trường số, hướng đến mục tiêu năm 2025, các hoạt động hành chính của TPHCM đều thực hiện trên các nền tảng số.
Việc liên thông, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, đặc biệt là cơ sở dữ liệu dân cư và sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID bước đầu mang lại những hiệu quả rõ rệt trong việc phát triển chính quyền số, xã hội số tại TPHCM. Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM đã dần ổn định và đang tập hợp nguồn lực để cung cấp các dịch vụ số phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng thuận tiện, dễ dàng, an toàn.
Triển khai hợp tác với Bộ TT-TT
Theo đồng chí Võ Văn Hoan, UBND TPHCM và Bộ TT-TT sẽ thiết lập tổ công tác của hai bên để làm đầu mối phối hợp triển khai các nội dung hợp tác. Cụ thể, phối hợp triển khai thực hiện kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh tuân thủ theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 3.0. Phát triển dữ liệu đầy đủ phục vụ công tác quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu của TPHCM, trong đó xác định cụ thể cách thức thu thập, tạo lập, liên thông, liên kết, chia sẻ dữ liệu; xây dựng danh mục dữ liệu mở và các kịch bản khai thác dữ liệu.
Từ thỏa thuận hợp tác, vừa qua, Bộ TT-TT đã chọn quận Phú Nhuận (TPHCM) làm quận đầu tiên trên cả nước để triển khai các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đồng chí, đâu là những khó khăn, trở ngại trong công tác chuyển đổi số của TPHCM?
Bản chất của công tác chuyển đổi số là sự thay đổi toàn diện về phương thức làm việc, cung cấp dịch vụ bằng việc khai thác, sử dụng công nghệ số. Do đó, vai trò người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác chuyển đổi số hết sức quan trọng. Tôi quan sát, vẫn còn một số người đứng đầu tại các đơn vị chưa xem việc chuyển đổi số tại đơn vị mình là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo điều hành, chưa dành thời gian tương xứng cho công tác này.
Ngoài ra, sự liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu từ các hệ thống của trung ương với thành phố, giữa thành phố với các quận huyện, phường xã chưa được thông suốt và mạch lạc. Việc này cũng ảnh hưởng đến công tác thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến của người dân, doanh nghiệp cũng như việc giải quyết của cán bộ. Một điều nữa là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để người dân biết và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của thành phố nhiều hơn.
TPHCM có giải pháp gì để tháo gỡ những khó khăn trên, thưa đồng chí?
TPHCM sẽ tiếp tục sử dụng kết quả Chỉ số cải cách hành chính (Par Index), Chỉ số DTI của các đơn vị làm tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu tổ chức. Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao năng lực số cho lãnh đạo, công chức và viên chức của TPHCM.
Bên cạnh đó, tổ chức thực thi chiến lược quản trị dữ liệu của thành phố, triển khai số hóa, kết nối, khai thác hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước. TPHCM kiên trì kiến nghị Chính phủ, bộ ngành hỗ trợ trong công tác liên thông, kết nối hệ thống thông tin và chia sẻ dữ liệu để người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần khi thực hiện dịch vụ công và cán bộ, công chức chỉ sử dụng một hệ thống khi giải quyết các TTHC cho người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, triển khai hiệu quả hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương (2.620 tổ, 11.059 thành viên) để phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số, trước hết hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thanh toán trực tuyến.
Kết quả chuyển đổi số hỗ trợ Thường trực UBND TPHCM như thế nào trong công tác chỉ đạo, điều hành?
Để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành trên nền tảng số, Thường trực UBND TPHCM đã xử lý, ký số các văn bản trên môi trường mạng, qua đó có thể giải quyết công việc từ xa. Việc lấy ý kiến của thành viên UBND TPHCM đối với các vấn đề quan trọng của thành phố cũng bắt đầu thực hiện trên môi trường mạng. Hệ thống theo dõi các chỉ đạo của UBND TPHCM đối với sở ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức giúp giám sát được tình hình thực hiện của các đơn vị.
Bên cạnh đó, hệ thống theo dõi việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua tổng đài 1022 giúp lãnh đạo thành phố và các đơn vị có thể tra cứu, giám sát từng kiến nghị; theo dõi chất lượng, tình hình xử lý phản ánh kiến nghị, kịp thời ra quyết định điều hành nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Hay như Bản đồ thực thi thể chế TPHCM giúp theo dõi đánh giá chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
Và như tôi thông tin, để tránh trường hợp người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không quyết liệt, lơ là trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, UBND TPHCM đã ban hành quy định đánh giá xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn TPHCM, trong đó cụ thể hóa các tiêu chí đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Nâng cao chất lượng phục vụ người dân
Phát biểu tại phiên họp kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 9 của UBND TPHCM, Bí Thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao bước tiến của chính quyền thành phố trong thực hiện công tác chuyển đổi số. Trong đó, có Chỉ số LOSI được Liên hợp quốc chọn để đánh giá và đóng góp trong chỉ tiêu xây dựng Chính phủ điện tử.
TPHCM cũng ra mắt Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0, thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công và nhiều hoạt động khác. Đó là những kết quả có thể đo đếm được, đáng khích lệ, nói lên sự đeo bám, quyết tâm tổ chức thực hiện của TPHCM.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhận xét, đây là kết quả nỗ lực nhiều năm của TPHCM đóng góp cho đất nước. TPHCM sẽ nghiên cứu đưa Chỉ số LOSI thành một trong những chỉ tiêu của Đại hội XII của Đảng bộ TPHCM.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng yêu cầu chính quyền TPHCM tiếp tục xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số để thực hiện chiến lược kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh mà thành phố đang triển khai. Việc này nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.