Chương trình MTQG 1719 có tác động tích cực đến kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi

Chủ nhật, 12/11/2023 15:24

(Mic.gov.vn) - Tại Quảng Ngãi, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719) được triển khai thực hiện từ giữa cuối năm 2022 đến nay, mặc dù trong thời gian ngắn nhưng đã có nhiều tác động tích cực đến kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, đánh giá của Sở TT&TT Quảng Ngãi cho biết.

Chương trình MTQG 1719 có tác động tích cực đến kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi- Ảnh 1.

Theo Sở TT&TT Quảng Ngãi, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp chính quyền địa phương.

Ban Dân tộc tỉnh cùng các Sở, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh và đạt được những kết quả tích cực; UBND tỉnh đã quyết liệt, kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành có liên quan tham mưu triển khai Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ, các Thông tư, văn bản hướng dẫn của các Bộ ngành Trung ương theo từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình. Đến nay, hầu hết các quy định, các văn bản pháp lý để triển khai thực hiện Chương trình thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND tỉnh đã được ban hành; các Sở, ban ngành và UBND các huyện đã triển khai thực hiện đạt được một số kết quả nhất định.

Tại Quảng Ngãi, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai thực hiện từ giữa cuối năm 2022 đến nay, mặc dù trong thời gian ngắn nhưng đã có nhiều tác động tích cực đến kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, đánh giá của Sở TT&TT Quảng Ngãi cho hay. Việc triển khai thực hiện Chương trình đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục tăng trưởng, mục tiêu giảm hộ nghèo đạt kết quả tốt…

Số liệu thống kê cho thấy, Quảng Ngãi có 06 xã đạt tiêu chí nông thôn mới; 100% xã có điện lưới quốc gia; hệ thống giao thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân; mạng lưới giao thông từ huyện đến xã, thôn đang từng bước được cải thiện, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa, cứng hóa; trong năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 5,37% xuống (từ 35,64% xuống còn 30,27% và đạt mục tiêu đề ra là 4%); tỷ lệ hộ cận nghèo là 13,99%; về giáo dục, tỷ lệ trẻ mầm non ra lớp đạt 92,96%; 100% trẻ dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt; 100% trẻ học 2 buổi/ngày và tỷ lệ được ăn tại trường tăng, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi giảm nhiều so với các năm trước; về y tế, 100% xã có trạm Y tế hoạt động, chất lượng cán bộ y tế cơ sở đã được nâng cao, cơ cấu cán bộ được đảm bảo 100% xã có bác sỹ, các thôn có nhân viên y tế thôn bản hoạt động; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 78.3%; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được sử dụng hố xí hợp vệ sinh đạt 53,2%; tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi ở trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi đạt 27,75%; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin đạt trên 98%; giữ vững thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em (tỷ suất tử vong trẻ em dân tộc thiểu số S dưới 1 tuổi/1000 trẻ đẻ sống đạt 0,02; tỷ suất tử vong trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi/1000 trẻ đẻ sống đạt 0,51).

Cùng với đó, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được giữ gìn và phát huy, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa; các di tích văn hóa, lịch sử được quan tâm, bảo tồn; các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức mang đậm bản sắc, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của người dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. 95,5% thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh cơ bản được giữ vững và ổn định, không có vụ việc gây rối trật tự xã hội, không xảy ra những điểm nóng phức tạp; đồng bào các dân tộc chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

Năm 2024, tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh; nâng cao đời sống người dân, góp phần giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đảm bảo giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2024, nhằm đạt được mục tiêu của Chương trình trong giai đoạn 2021–2025.

Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2024:

+ Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 4,5% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 –2025;

+ Thực hiện 02 dự án xây dựng, thực hiện quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư tập trung;

+ Nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa khoảng 50km đường nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống của Nhân dân; xây dựng 04 công trình nước sinh hoạt tập trung và hỗ trợ 3.030 hộ sử dụng nước sinh hoạt phân tán. Xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 03 trường bán trú và 04 trường có học sinh bán trú.

+ Hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 860 hộ; giải quyết sinh kế cho 2.400 hộ.

+ Tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai ít nhất 4 lần trong thai kỳ đạt 79%, tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của nhân viên y tế đạt 98,5%; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho 100% trẻ em suy dinh dưỡng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

+ Đào tạo nghề cho khoảng 1.690 người; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 10.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ dân tộc Kinh nghèo, cận nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

- Hỗ trợ đầu tư xây dựng 15 thiết chế văn hoá, thể thao thôn; hỗ trợ đầu tư xây dựng 01 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho 306 người có uy tín trong cộng đồng làm hạt nhân chính trị, nòng cốt ở cơ sở; bồi dưỡng kiến thức về chính sách dân tộc, công tác dân tộc cho hơn 500 cán bộ, công chức, viên chức.

Doãn Mạnh
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top