Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Thông tin và Truyền thông có ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số; ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia. Về phía Tổng công ty Bưu điện Việt Nam có Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Đảng, Công đoàn cùng đại diện Lãnh đạo các Ban, Trung tâm, Văn phòng, Công ty trực thuộc.

Toàn cảnh Hội nghị
Hội nghị đã tổng kết, đánh giá công tác chuyển đổi số của Bưu điện Việt Nam trong giai đoạn 2019 - 2024 làm tiền đề để triển khai hiệu quả Chiến lược Chuyển đổi số trong giai đoạn mới 2025 - 2030 theo tinh thần “đột phá” của Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Hoà cùng dòng chảy số, lấy công nghệ làm động lực phát triển
Là một trong những doanh nghiệp luôn chú trọng công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, Bưu điện Việt Nam đã không ngừng cải tiến, tối ưu, cập nhật các công nghệ mới để từng bước hiện thực hoá khát vọng chuyển dịch từ một doanh nghiệp bưu chính truyền thống sang một doanh nghiệp bưu chính công nghệ, lấy công nghệ làm động lực phát triển. Từ đó, đảm bảo tốt các nhiệm vụ chính trị, vận hành ổn định dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu, phát triển hạ tầng, đa dạng hóa dịch vụ, tối ưu hóa các công đoạn tổ chức sản xuất và ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, cộng đồng, xã hội trong sử dụng các dịch vụ bưu chính.
Nhiệm vụ chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh được đặt ra từ rất sớm, các nhóm giải pháp tổng quát được nghiên cứu, xây dựng, các chương trình, kế hoạch được đặt ra nhằm khai thác triệt để lợi thế về mặt mạng lưới, quy mô, từng bước đưa các ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Song để chuyển đổi số thực sự cần có cú hích mang tính đột phá, có định hướng công nghệ và các bước đi cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến trình số hóa toàn bộ các công đoạn sản xuất, số hoá toàn bộ hoạt động quản lý, vận hành, thanh toán, quản trị… để Bưu điện Việt Nam thực sự trở thành doanh nghiệp Bưu chính công nghệ, mở ra các không gian kinh doanh mới, có quy mô lớn mạnh. Từ đó, có động lực, nguồn lực xây dựng các nền tảng công nghệ mang tính hạ tầng quốc gia phục vụ phát triển đất nước.
Giai đoạn 2023 - 2024, với phương châm “Chuyển đổi công nghệ thông tin song hành và đồng nhịp với chuyển đổi doanh nghiệp”, Bưu điện Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số trong các lĩnh vực kế toán, quản trị nguồn nhân lực, quản lý tài sản, an toàn thông tin, các nền tảng giao hàng chặng cuối, quản lý chuỗi cung ứng, tài chính bưu chính mở, thương mại điện tử, dữ liệu, chăm sóc khách hàng,… Đồng thời, chuyển đổi mô hình Kiến trúc hệ thống công nghệ thông tin, thay đổi các công nghệ đưa vào ứng dụng; từng bước xây dựng, củng cố đội ngũ công nghệ thông tin đảm bảo về chất và lượng, tiến tới tự phát triển và cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin.

Bưu điện Việt Nam là một trong những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin vào tối ưu hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh sớm nhất
Các hệ thống công nghệ phục vụ công tác quản trị, vận hành, khai thác cũng được chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa và bước đầu xây dựng kho dữ liệu (Data WareHouse) cho toàn Tổng công ty, phục vụ điều hành và ra quyết định dựa trên dữ liệu. Xác định chuyển đổi số là ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào chuyển đổi hoạt động của doanh nghiệp theo hướng số hóa và tự động hóa, Bưu điện Việt Nam đã ban hành danh mục 11 công nghệ tự động hóa và 04 nhóm dịch vụ số hóa trong lĩnh vực Bưu chính và Logistics - lĩnh vực trụ cột của Tổng công ty.
Sẵn sàng cho sự đột phá Chuyển đổi số, dấu ấn chuyển mình quan trọng trong giai đoạn mới của Bưu điện Việt Nam.
Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Bộ Chính trị đã thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của Đảng ta về trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ, để tạo xung lực thúc đẩy sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Ngoài việc xác định vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 57-NQ-TW đã đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá, ưu tiên và khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, nhóm nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn cho các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ công lập, được sử dụng ngân sách nhà nước thuê chuyên gia, sử dụng tài sản hữu hình và trí tuệ để liên kết, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp... thực sự sẽ là động lực để phát triển khoa học và công nghệ, sớm đưa những kết quả nghiên cứu vào thực tiễn phát triển kinh tế xã hội. Nhiệm vụ này hướng tới việc tháo gỡ các rào cản lâu nay trong hệ thống, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cá nhân phát triển mạnh mẽ hơn.
Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 03/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định 2 mục tiêu với 7 nhóm nhiệm vụ cần thực hiện kèm 41 chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao là cơ quan chủ trì theo dõi, đánh giá 15 chỉ tiêu. Kế hoạch 286/KH-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ đã xác định rõ các mục tiêu về xếp hạng năng lực cạnh tranh số; xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; xếp hạng về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo; doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm quốc tế; phát triển hạ tầng số; an toàn thông tin,… cùng các nhiệm vụ trọng tâm và lộ trình thực hiện cụ thể.
Là một trong những đơn vị tổ chức sớm và triển khai nghiêm túc, thực chất tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch 286/KH-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bưu điện Việt Nam đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp tham gia tích cực vào các đề án phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số. Đồng thời, hướng đến trở thành doanh nghiệp công nghệ trong các lĩnh vực logistics, TMĐT, tài chính và phát triển các lĩnh vực kinh doanh mới trên môi trường số, đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu theo mục tiêu Chiến lược giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến 2045.

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định Bưu điện Việt Nam có nhiều lợi thế để có thể tạo đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Đánh giá cao sự chủ động trong triển khai tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số Trần Minh Tuấn nhận định Bưu điện Việt Nam có nhiều lợi thế về mạng lưới, hạ tầng và đặc biệt là vị thế doanh nghiệp duy nhất được chỉ định đại diện Việt Nam tham gia các tổ chức bưu chính quốc tế để tạo đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Với vai trò đại diện quốc gia, Bưu điện Việt Nam cần nhận sứ mệnh quốc gia, tham gia vào các đề án xây dựng nền tảng số quốc gia để đóng góp những lợi ích thiết thực nhất cho đất nước. Đây cũng là cơ hội để Bưu điện Việt Nam khẳng định vững chắc vị thế, vai trò của mình.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh toàn bộ nội dung Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đều xoay quanh “đột phá” và nội hàm về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Khi gắn với doanh nghiệp, cụ thể là Bưu điện Việt Nam, sự đột phá đó bao gồm đột phá về tổ chức thực hiện, đột phá về thể chế, đột phá về hạ tầng gắn với hiệu quả, đột phá về nhân lực gắn với nhân tài. Đồng thời, gắn việc chuyển đổi số doanh nghiệp với sự đóng góp cho sự phát triển chung của Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số.
Nếu 2019 - 2024 là giai đoạn chuyển đổi dần để thích ứng với sự thay đổi của kinh tế, xã hội trong kỷ nguyên số, thì 2025 - 2030 sẽ là giai đoạn để Bưu điện Việt Nam nắm lấy thời cơ và bứt phá. Trong đó, tập trung chuyển đổi số theo hướng hiện hóa hạ tầng, tối ưu hóa hoạt động vận hành trên toàn bộ mạng lưới thông qua ứng dụng sâu, rộng các công nghệ tiên tiến như AI, IoT, Big Data,… Đồng thời triển khai áp dụng khung chuyển đổi số Logistics 4.0 để xác định mô hình, kiến trúc và công nghệ; chuyển đổi mô hình kinh doanh và vận hành các trụ cột dịch vụ; chuyển đổi mô hình quản lý, điều hành theo hướng tinh gọn, tập trung; chuyển đổi nền tảng công nghệ, dữ liệu, tích hợp và Trợ lý ảo; chia sẻ các giải pháp số với các doanh nghiệp khác để tạo dựng hệ sinh thái công nghệ.

Gian hàng trưng bày các sản phẩm, ứng dụng khoa học, công nghệ của Bưu điện Việt Nam tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo
Bên cạnh đó, Bưu điện Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành và góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia thông qua 02 dự án lớn về xây dựng mạng lưới logistics số hỗ trợ các doanh nghiệp SME cũng như triển khai TMĐT, chuyển đổi số tại địa bàn các xã thông qua hệ thống Bưu điện - Văn hóa xã.
Trong giai đoạn 2025 - 2030, Bưu điện Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch 286/KH-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông với 8 nhiệm vụ chính:
1. Hoàn thiện cơ chế và chính sách thúc đẩy chuyển đổi số;
2. Đầu tư xây dựng hạ tầng và nền tảng số định hướng công nghệ Cloud Native;
3. Chuyển đổi số mô hình kinh doanh và vận hành, tự động hóa hoạt động quản trị và điều hành;
4. Cơ giới hóa, tự động hóa tối ưu hoạt động khai thác, cung ứng dịch vụ bưu chính và Logistics;
5. Phát triển nguồn nhân lực số;
6. Kết nối với chính quyền, tham gia các Hiệp hội, hợp tác xây dựng hệ sinh thái bưu chính và Logistics;
7. Tham gia hợp tác quốc tế về chuyển đổi số, đặc biệt trong Liên minh Bưu chính thế giới (UPU);
8. Truyền thông, tuyên truyền, xây dựng văn hóa doanh nghiệp về chuyển đổi số.
Hoàn thành các nhiệm vụ trên sẽ là điều kiện quan trọng để Bưu điện Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn đến 2030 Bưu điện Việt Nam đi đầu về ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, trở thành doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực bưu chính, logistics,…; đồng thời, trở thành thương hiệu mạnh của quốc gia và vươn tầm quốc tế, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, tích cực xây dựng và cải tạo môi trường sống, truyền tải các giá trị nhân văn của Việt Nam ra thế giới.
Với xung lực là sự đột phá về công nghệ, sự trưởng thành trong chuyển đổi số, sự đóng góp đối với đất nước, người dân, Bưu điện Việt Nam kỳ vọng sẽ hình thành và phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên dữ liệu và công nghệ số với doanh thu số đạt 400 tỷ đồng vào năm 2027 (tăng trưởng trung bình 100%/năm); lợi nhuận từ dịch vụ số đạt 3-5% tổng lợi nhuận toàn Tổng công ty. Năm 2030 sẽ tiếp tục vững vàng khẳng định vị thế Doanh nghiệp Bưu chính quốc gia và vươn tầm quốc tế. Trong đó, việc hỗ trợ bưu chính các quốc gia có mức độ phát triển công nghệ thông tin còn hạn chế giải bài toán chuyển đổi số sẽ là hướng đi khả thi và triển vọng.
Đột phá - không phải là tốt lên dần dần
Khẳng định Bưu điện Việt Nam đã và đang nỗ lực từng bước trong tiến trình chuyển đổi số, ông Nguyễn Trường Giang, Phụ trách Hội đồng thành viên, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tin tưởng với kiến trúc công nghệ thông tin được định hình rõ ràng, lộ trình vạch ra cụ thể, Bưu điện Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của một Doanh nghiệp Bưu chính quốc gia, vai trò của một doanh nghiệp bưu chính công nghệ trong giai đoạn mới, luôn tiên phong đổi mới sáng tạo đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước và trở thành một phần không thể tách rời của nền kinh tế số, xã hội số.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phụ trách Hội đồng thành viên, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phát biểu tin tưởng sự đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ là xung lực quan trọng để Bưu điện Việt Nam trở thành doanh nghiệp bưu chính công nghệ, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phụ trách Hội đồng thành viên, để Bưu điện Việt Nam chuyển đổi số thành công thành một doanh nghiệp bưu chính công nghệ cần phát huy năng lực nội tại, cần có đội ngũ công nghệ thông tin đủ mạnh và một tinh thần sẵn sàng dám gánh vác sứ mệnh lớn, nhiệm vụ lớn để làm động lực phát triển và đóng góp cho cộng đồng, xã hội, người dân. Trong đó, sự tốt lên dần dần, sự cải thiện theo từng ngày tuy có mang lại hiệu quả song chỉ ở mức nhỏ, không phải và cũng không thể là sự đột phá. Sự đột phá là khác biệt hoàn toàn, mang lại hiệu quả ở quy mô lớn hơn, có tác động lớn hơn.
“Bưu điện Việt Nam sẽ trở thành một thành tố quan trọng, khẳng định được vai trò với đất nước, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Để làm được điều này, chúng ta cần định vị sự phát triển công nghệ trong tư tưởng, mục tiêu và sự nghiệp phát triển của Bưu điện Việt Nam bằng lộ trình rõ ràng và những hành động thực chất, cụ thể, trước mắt là kết quả trong năm 2025”, ông Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.
Theo đó, trong tháng 3/2025, Bưu điện Việt Nam sẽ thể hiện rõ định hướng phát triển, lộ trình triển khai; hoàn thiện phương án điều chỉnh rút ngắn thời gian triển khai các dự án công nghệ thông tin và ban hành cơ chế thu hút nhân tài với chế độ đãi ngộ cao, chính sách thưởng lớn, xứng đáng theo năng lực. Đồng thời, rà soát triển khai và công bố các chương trình, dự án kết nối với UPU về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp bưu chính quốc gia.
Các nội dung về xây dựng kế hoạch Chuyển đổi số chi tiết của năm 2025, tầm nhìn 2030; phương án phát triển, quản trị, khai thác và hướng tới kinh doanh dữ liệu; đưa vào áp dụng dự án SSC dành cho kế toán sẽ sớm hoàn thành trong Quý II/2025.
Tháng 7/2025 sẽ tổ chức sơ kết và công bố các “tuyên ngôn” về Chuyển đổi số của Tổng công ty. Theo đó, các ứng dụng sẽ được đưa vào ứng dụng, triển khai với đối tác, khách hàng theo cam kết cũng như khẳng định giá trị niềm tin, độ tin cậy của khách hàng với hệ thống quản trị số của Bưu điện Việt Nam.
Phụ trách Hội đồng thành viên cũng giao nhiệm vụ cho Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc chỉ đạo thực hiện sát sao, quyết liệt theo đúng tinh thần “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả) của Thủ tướng Chính phủ.
Lưu ý các đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai 5 định hướng, 8 nhóm nhiệm vụ về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đảm bảo tính khả thi, hiệu quả với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, Tổng Giám đốc Chu Quang Hào đặc biệt nhấn mạnh nội dung liên quan đến vai trò của hệ thống Bưu điện - Văn hóa xã trong việc đồng hành với chuyển đổi số tại cấp xã.

Ông Chu Quang Hào, Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam nhấn mạnh vai trò của Bưu điện - Văn hóa xã trong việc đồng hành cùng chuyển đổi số khu vực thôn, xã, bản, làng.
Bưu điện Việt Nam là doanh nghiệp duy nhất có hệ thống mạng lưới hơn 8.200 điểm Bưu điện - Văn hóa xã hiện diện tận vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,… Đây là lợi thế quan trọng để Bưu điện Việt Nam trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành, đây cũng sẽ là điểm đến cho hoạt động phát triển kinh tế, xã hội và đặc biệt là chuyển đối số phường xã, người dân khi trọng tâm của đổi mới đang hướng sát gần với người dân ở tất cả các hoạt động và nhiệm vụ này cũng rất phù hợp với sứ mệnh phục vụ cộng đồng. Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hệ thống Bưu điện - Văn hóa xã sẽ là thực thể quan trọng, mang chuyển đổi số, mang thương mại điện tử đến với người dân khu vực thôn, xã, bản, làng. Do vậy, lộ trình chuyển đổi số của Bưu điện Việt Nam cần được đẩy nhanh để đáp ứng được mô hình mới của các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội,…
Bên cạnh 8 nội dung Hội nghị đưa ra cùng công tác quản trị xây dựng dữ liệu lớn, Tổng Giám đốc lưu ý đặc biệt quan tâm đến công tác an toàn thông tin để đảm bảo rằng, các dữ liệu được an toàn tuyệt đối trước các nguy cơ tấn công mạng, đây cũng là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo vệ thành quả của Chuyển đổi số và bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng.
Hội nghị tổng kết công tác Chuyển đổi số, triển khai tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là điểm nhấn đánh dấu sự chuyển mình quan trọng của Bưu điện Việt Nam về lĩnh vực công nghệ. Trong thời gian tới, Bưu điện Việt Nam sẽ có những “tuyên ngôn” khẳng định sự trưởng thành trong từng lĩnh vực, từng mảng dịch vụ về mặt công nghệ số cũng như khẳng định khát vọng được đóng góp vì sự phát triển kinh tế số, xã hội số, quốc gia số.