Phát biểu khai mạc Hội nghị, đại diện Vụ Tổ chức Cán bộ nhấn mạnh, CCHC là nhiệm vụ đang được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, xã hội đặc biệt quan tâm. Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 đã xác định rõ CCHC là một trong những đột phá phát triển đất nước.
Một số kết quả trong công tác CCHC của Bộ
Trong những năm qua, nhờ vào sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị trong Bộ và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, công tác CCHC đã có nhiều kết quả tích cực. Cụ thể:
- Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC: Việc xây dựng kế hoạch, báo cáo, việc triển khai đánh giá, chấm điểm chỉ số được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.
- Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được các cơ quan, đơn vị quan tâm, nỗ lực hoàn thành đầy đủ, đúng tiến độ (chỉ 1 số rất ít chưa đảm bảo tiến độ do yếu tố khách quan).
- Công tác cải cách thủ tục hành chính với các nội dung về rà soát, đánh giá thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, thủ tục hành chính nội bộ được công bố kịp thời.
- Công tác cải cách bộ máy hành chính với các nội dung về sắp xếp tổ chức bộ máy, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phân cấp, phân quyền; cắt giảm biên chế công chức, viên chức được thực hiện đầy đủ, đúng quy định, đúng chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
- Công tác cải cách chế độ công vụ với các nội dung về xây dựng vị trí việc làm, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ; hoàn thiện quy định, quy chế nội bộ về cán bộ, công chức, viên chức; tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành được triển khai thực hiện đầy đủ, bài bản, đúng quy định.
- Công tác cải cách tài chính công với các nội dung về đẩy mạnh phân cấp trong quản lý tài chính, giao tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý tài chính, tài sản đã được triển khai thực hiện.
- Công tác chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, chính phủ số của Bộ TT&TT đã có những kết quả nhất định trong việc xây dựng, vận hành hệ thống quản lý văn bản, hệ thống báo cáo, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện Vụ Tổ chức Cán bộ cũng nêu rõ một số hạn chế, tồn tại, chưa đáp ứng yêu cầu CCHC của Đảng, Chính phủ.
Trong bài viết mới đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với tựa đề "Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ rõ các bất cập, hạn chế trong công tác cải cách hành chính hiện nay tập trung vào 2 nội dung chính là thủ tục hành chính và chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Các hạn chế mà Tổng Bí thư đề cập là thực trạng chung của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ TT&TT.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về chuyển đổi số, tham mưu cho Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, các hạn chế của các bộ, ngành, địa phương về công tác chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số có liên quan đến trách nhiệm của Bộ TT&TT. Bộ TT&TT không phải chỉ có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ CCHC trong nội bộ của Bộ, mà còn có vai trò, trách nhiệm to lớn trong công cuộc CCHC của đất nước, thúc đẩy chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân.
Năm 2023, chỉ số cải cách hành chính của Bộ TT&TT đã giảm 4 bậc, từ vị trí thứ 5 xuống vị trí thứ 9 trong số các cơ quan bộ ngành. Điều này cho thấy Bộ TT&TT cần phải nỗ lực hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong công tác CCHC để giữ được thứ hạng cao trong công tác CCHC.
Cải cách hành chính - Trách nhiệm chung, nỗ lực chung vì nền hành chính hiện đại, phục vụ nhân dân
Đại diện Vụ Tổ chức Cán bộ lưu ý, kết quả CCHC của Bộ TT&TT còn liên quan đến kết quả CCHC của các bộ, ngành, địa phương, vì vậy, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác CCHC, đặc biệt là hoàn thiện thể chế, chính sách về chuyển đổi số; đi đầu, nêu gương trong công tác chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
CCHC không phải và không thể là nhiệm vụ riêng của bất kỳ cơ quan, đơn vị hay cá nhân nào. Để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC, cần phải có sự đồng sức, đồng lòng, chung tay của tất cả các cơ quan, đơn vị, các cán bộ công chức, viên chức và phải triển khai đồng bộ trên tất cả các nội dung của CCHC: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số./.