Ảnh minh họa
Âm nhạc truyền thống của đồng bào thiểu số đã góp phần làm phong phú nền âm nhạc nước nhà. Các DTTS có tư duy về nhạc cụ, giai điệu và cách thể hiện độc đáo, riêng biệt. Để những thanh âm này mãi ngân vang, rất cần Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách, đầu tư cho các dự án bảo tồn văn hóa DTTS và đồng bào các dân tộc phát huy vai trò của mình thông qua việc duy trì và truyền bá các nhạc cụ truyền thống ở các hoạt động của bản làng, các chương trình, sân khấu nghệ thuật, các hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch, đồng thời truyền lại cho các thế hệ trẻ.
Kết quả điều tra 53 DTTS năm 2019 cũng cho thấy, chỉ có 5,5% người DTTS biết sử dụng nhạc cụ truyền thống. Trong 53 dân tộc thì Ba Na có tỷ lệ người dân biết sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình cao nhất 19,3%. Chỉ có 5 dân tộc có tỷ lệ người dân biết sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình trên 10%. Trong khi có tới 35 dân tộc có tỷ lệ người dân biết sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình dưới 5%. Một số dân tộc chỉ còn dưới 10 người biết sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình như Chứt, Si La, Ngái.
Trước thực trạng trên, các hoạt động bảo tồn nhạc cụ truyền thống của đồng bào DTTS đã được tiếp sức bởi dự án thuộc khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Cụ thể là Dự án 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”. Trong Dự án này, nhạc cụ dân tộc là một nội dung được hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn và phát huy.
Gìn giữ và phát huy nghề chế tác khèn Mông
Người Mông có nhiều loại nhạc cụ truyền thống như khèn, nhị, sáo, đàn môi, khèn lá, trống và mỗi loại nhạc cụ lại biểu thị một dạng âm thanh rất đặc trưng, trong đó nổi trội, độc đáo, cũng như thể hiện rõ bản sắc tộc người hơn cả, đó chính là khèn. Khèn Mông chính là loại nhạc cụ ẩn chứa dấu tích lịch sử của cả tộc người, thể hiện sức sống mãnh liệt của người Mông. Vì lẽ đó, dù trải qua những tháng năm lịch sử, người Mông không chỉ lưu truyền những làn điệu khèn mà họ vẫn luôn có những nghệ nhân chế tác khéo léo.
Khèn của người Mông gồm 6 ống khí bằng trúc, trong ống khí có lưỡi gà bằng đồng, gắn với bầu khèn bằng gỗ pơ mu. Không chỉ là nhạc khí, khèn Mông còn là đạo cụ múa, nên người chế tác cũng phải uốn trúc, tạo dáng khèn phù hợp với dáng khum người múa khi quay, nhảy, xoay hay lộn để thể hiện tính độc đáo ở khèn. Tiếng khèn cùng lúc có thể phát ra nhiều tầng âm, nhiều bè vang xa, trầm hùng như tiếng gió đại ngàn, suối reo. Để làm được một cây khèn như vậy đòi hỏi người chế tác khèn phải hội tụ rất nhiều yêu cầu khắt khe, từ việc thu thập các nguyên liệu như vỏ cây đào rừng để làm dây cuốn, chọn bầu gỗ pơ mu, đến tìm từng ống trúc. Vì các công đoạn làm khèn đều thủ công nên đòi hỏi người chế tác phải có sự tỉ mỉ, cẩn thận và nhất là phải thực sự có tình yêu đối với cây khèn. Không chỉ vậy, theo kinh nghiệm làm khèn Mông thì để có được chiếc khèn tạo ra thứ âm thanh đặc trưng, truyền thống đòi hỏi người nghệ nhân phải có nhiều năm kinh nghiệm trong từng công đoạn để tạo ra một chiếc khèn hoàn chỉnh.
Thời gian qua, việc gìn giữ, phát triển cây khèn của đồng bào Mông đã được quan tâm bảo tồn, giữ gìn và phát huy bằng nhiều hình thức, trong đó, phổ biến nhất là tổ chức các lớp truyền dạy. Các địa phương vùng Tây Bắc có đông đồng bào Mông sinh sống như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên đã liên tục tổ chức lớp truyền dạy nghề chế tác khèn của dân tộc Mông nhằm góp phần để nghệ thuật chế tác khèn luôn được lưu truyền và lan tỏa, trở thành sản phẩm thu hút du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương.
Thông qua các lớp, học viên tham gia sẽ được các nghệ nhân truyền dạy những bí quyết chọn nguyên liệu, cách chế tác các bộ phận cấu thành để tạo ra một chiếc khèn hoàn chỉnh. Từ đó phát huy vai trò của các nghệ nhân chế tác khèn, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, trực tiếp là các học viên trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào, gìn giữ, phát huy được nghệ thuật trình diễn dân gian, các tập quán xã hội và tín ngưỡng gắn với cây khèn của dân tộc Mông.
Người Mông quan niệm rằng dù đi đâu hay sống ở đâu cũng không thể thiếu được cây khèn. Khèn Mông có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương. Khèn Mông được coi như ngôn ngữ thứ hai của họ. Người Mông cho rằng nếu dân tộc Mông không có Khèn thì coi như không phải là người Mông. Với những giá trị văn hóa độc đáo đó, năm 2015 nghệ thuật Khèn của người Mông ở Hà Giang được ghi danh trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Để công tác bảo tồn đạt hiệu quả, cùng với với mở lớp truyền dạy, các địa phương vùng Tây Bắc đã chủ động tổ chức các lễ hội trong năm để mỗi nhạc cụ trong tổng thể kho tàng văn hóa dân gian của địa phương không phải là những vật dụng nằm bất động trong bảo tàng, trong nhà trưng bày hay treo trong nhà mà chúng được sử dụng, diễn xướng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, có tác dụng gắn kết tinh thần đoàn kết của đồng bào. Các lễ hội Gầu Tào, lễ cúng rừng, lễ hội mùa xuân cùng các nghi lễ như cưới hỏi, tang ma… chính là không gian diễn xướng vô cùng sinh động để phát huy hiệu quả của các nhạc cụ. Trong mỗi lễ hội, các nhạc cụ không chỉ là công cụ mà còn là linh hồn của mỗi nghi lễ. Các nghệ nhân dân gian người Mông, các chàng trai, cô gái dân tộc Mông là những người sẽ thực hiện diễn xướng nhạc cụ để cất lên những giai điệu, những âm thanh trữ tình, sâu lắng, tạo nên không khí thiêng liêng cho sự kết giao giữa con người với thiên nhiên và với thế giới tâm linh. Thông qua các tiết mục biểu diễn như múa khèn, trình diễn múa sinh tiền, không gian chợ tình, nhà trưng bày, trình diễn các nghi lễ… đã tái hiện và miêu tả sinh động nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Mông gắn liền với các nhạc cụ truyền thống.
Công tác bảo tồn và phát huy các nhạc cụ truyền thống dân tộc Mông còn được thực hiện hiệu quả tại các nhà trường ở vùng cao Tây Bắc. Thông qua các mô hình trường học mới như “Trường học gắn với thực tiễn”, “Trường học đa văn hóa”, “Trường học hạnh phúc”, hoạt động giáo dục STEM, trải nghiệm văn hóa truyền thống, các nhà trường đã tổ chức phong phú các hoạt động bảo tồn rất sinh động và thiết thực. Tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), Trường PTDT Nội trú đã hướng dẫn học sinh triển khai dự án thi khoa học kỹ thuật với đề tài: “Giữ gìn, quảng bá điệu múa gậy sênh tiền của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn Mù Cang Chải”. Dự án đã góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của học sinh đối với việc bảo tồn nhạc cụ dân tộc Mông hiện nay.
Cũng nhằm giúp học sinh có những trải nghiệm văn hóa bản địa và chủ động bảo tồn giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc mình, Trường THPT số 3 Bảo Yên (Lào Cai) đã tổ chức các hoạt động giáo dục STEM với chủ đề: “Ngày hội văn hóa các dân tộc”. Trong đó, các nhạc cụ của dân tộc Mông được chính các em học sinh người Mông sưu tầm, giới thiệu và trình diễn.
Thầy giáo Bùi Văn Hiến, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Các nhạc cụ dân tộc, trong đó có nhạc cụ của dân tộc Mông được các em học sinh trưng bày và giới thiệu rất sinh động, qua đó, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống”.
Nỗ lực bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Kể từ khi được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ngày (năm 2005), không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói chung đang được bảo tồn và phát huy theo các góc độ khác nhau ở từng địa phương. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bao trùm 5 tỉnh (Đăk Lăk, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng), tập hợp của 17 dân tộc thiểu số. Văn hóa cồng chiêng gắn với lịch sử văn hóa của các dân tộc thiểu số sống ở trên dãy Trường Sơn - Tây Nguyên và mỗi dân tộc lại sử dụng cồng chiêng theo cách thức riêng để chơi những bản nhạc của riêng dân tộc mình. Cồng chiêng ở đây được xem là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu giữa con người, thần thánh và thế giới siêu nhiên; những chiếc cồng chiêng của mỗi gia đình biểu hiện cho tài sản, quyền lực và sự an toàn.
Cồng, chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không núm. Nhạc cụ này có nhiều cỡ, đường kính từ 20 đến 50-60cm, loại cực đại tới 90 - 120cm. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2 đến 12 hoặc 13 chiếc, thậm chí có nơi tới 18-20 chiếc. Trong một bộ chiêng có chiêng mẹ (chiêng cái) là quan trọng nhất.
Trải qua bao năm tháng, cồng chiêng đã trở thành nét văn hoá đặc trưng, đầy sức quyến rũ và hấp dẫn của vùng đất Tây Nguyên. Âm thanh cồng chiêng hay không chỉ ở sự đa dạng độc đáo về các bè trầm bổng mà còn như thấy được cả không gian săn bắn, làm rẫy, lễ hội... của người Tây Nguyên trong đó.
Nhưng cũng có một thực tế là thanh niên Tây Nguyên ngày nay ít biết đến những giá trị của cồng chiêng, ít gắn bó với những sinh hoạt của cộng đồng như xưa. Cồng chiêng vì thế đã trở thành chuyện của người già. Do đó, gìn giữ và bảo tồn loại hình di sản này là một việc làm rất cần thiết.
Trước nguy cơ mai một của văn hóa cồng chiêng, các tỉnh Tây Nguyên đã chú trọng công tác khảo cứu điền dã, xây dựng phòng lưu trữ di sản văn hóa cồng chiêng, phục hồi các xưởng chế tạo cồng chiêng, đẩy mạnh phong trào diễn xướng sử dụng cồng chiêng trong các dân tộc, tổ chức các lớp do nghệ nhân truyền dạy, đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường dân tộc nội trú, các trường nghệ thuật tỉnh, và Trường Đại học Tây Nguyên.
Theo bà Linh Nga Niê KDăm, Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Tây Nguyên: Với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, diễn tấu cồng chiêng trong các lễ hội truyền thống thường là do người đàn ông đảm nhận. Tuy nhiên, gần đây trong nhiều cộng đồng, trẻ em gái cũng được các nghệ nhân truyền dạy cách đánh chiêng tre, chiêng đồng, như các trẻ em nam. Tôi cho rằng, thông qua việc truyền dạy cho trẻ em gái sẽ góp phần vào việc bảo tồn và phát huy một cách bền vững văn hóa của người Tây Nguyên.
Ý thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, Gia Lai liên tục mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy cho học viên là nghệ nhân trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Gần đây nhất là lớp dành cho nghệ nhân người Bahnar đến từ 6 huyện và thị xã An Khê, diễn ra trong thời gian 12 ngày (từ 21/8 – 1/9/2023). Trong thời gian diễn ra, các nghệ nhân Banhar được Nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc Phạm Chí Khánh (Nhà hát Tuồng Việt Nam), nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền - Ban nghiên cứu nghệ thuật (Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) tập huấn một số nội dung về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là kỹ năng chỉnh chiêng, vai trò của thang âm cồng chiêng, nguyên lý của việc chỉnh âm, cấu tạo các loại cồng chiêng; thực hành kỹ thuật gò chỉnh cồng chiêng; nhận diện từng loại thang âm cồng chiêng…
Theo ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Gia Lai, từ khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản độc đáo này. Trong đó, ngành văn hóa đã tổ chức kiểm kê số lượng cồng chiêng trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức các liên hoan, lễ hội cồng chiêng từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh; tổ chức Festival vào các năm 2009 và 2018; lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho các nghệ nhân trình diễn cồng chiêng và chỉnh chiêng giỏi của địa phương; nhiều lớp tập huấn trình diễn cồng chiêng và chỉnh chiêng được tổ chức ở các cấp.Qua đó, giúp các nghệ áp dụng, thực hiện tốt việc bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, nhất là có thể truyền dạy lại cho cộng đồng.
UBND tỉnh Gia Lai cũng đã ban hành Quyết định số 09/QĐ-UBND phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Đề án có 8 nội dung, dự án thành phần gồm: Dự án điều tra, khảo sát về cồng chiêng và người thực hành cồng chiêng trên địa bàn toàn tỉnh; Dự án phục dựng một số nghi lễ, lễ hội có sử dụng cồng chiêng của dân tộc Bahnar và Jrai trên địa bàn tỉnh; Dự án tổ chức các lớp truyền dạy đánh chiêng, chỉnh chiêng; Tổ chức lớp tập huấn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng cho cán bộ cấp huyện, xã; Tổ chức hội thảo khoa học về cồng chiêng kết hợp triển lãm ảnh về sinh hoạt cộng đồng có sử dụng cồng chiêng; Tổ chức liên hoan cồng chiêng khu vực và Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai 2 năm/lần; Dự án khôi phục Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Dự án xây dựng Phòng trưng bày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tỉnh Gia Lai.
Đặc sắc nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer ở Nam Bộ
Chắc hẳn, những ai đến với Ngày hội Văn hóa - Du lịch một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hay Lễ hội Dạ cổ hoài lang, Tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây đều ấn tượng với những âm thanh, điệu múa đặc sắc trong Liên hoan Nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer.
Dàn nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer còn được gọi là dàn nhạc Pin Piết đã có từ rất xa xưa, được thiết kế rất tinh xảo bởi các nghệ nhân người Khmer. Dàn nhạc ngũ âm gồm có 7 nhạc cụ khi diễn tấu tạo ra năm âm thanh (Ngũ âm). Cụ thể là đồng, sắt, gỗ, da và hơi, thể hiện bằng 7 loại nhạc khí khác nhau. Dàn nhạc ngũ âm có âm lượng lớn và thường được dùng trong các nghi lễ quan trọng tại các chùa Khmer và trong các ngày lễ hội cổ truyền. Nhạc ngũ âm được thiết kế đẹp và tinh xảo, mỗi nhạc khí được định âm một cách chính xác, bảo đảm các yếu tố hoà âm cho cả dàn.
Theo những người đam mê và tìm hiểu về dàn nhạc ngũ âm, thì đây là dàn nhạc được thiết kế đẹp và tinh xảo. Khi biểu diễn, người chơi nhạc thường tách ra từng nhạc cụ để độc tấu, nhằm khai thác tối đa sự độc đáo trong âm thanh của từng nhạc cụ, cũng như khả năng biểu diễn của từng nhạc công.
Vào các ngày lễ, Tết cổ truyền của đồng bào Khmer cũng như của người Kinh, nhiều chùa Khmer ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung thường tổ chức các buổi liên hoan, hoặc “trình diễn” dàn nhạc ngũ âm với các nội dung chủ lưu như ca ngợi Đảng, Bác Hồ; ca ngợi truyền thống đoàn kết gắn bó giữa cộng đồng các dân tộc trong đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, về biển đảo quê hương, quá trình xây dựng và phát triển của vùng đất phương Nam, của các tỉnh trong khu vực…
Nhằm giữ gìn và phát huy văn hóa cổ truyền, độc đáo của đồng bào Khmer, thời gian qua, một số tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã nhiều lần tổ chức Liên hoan Nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer; hỗ trợ kinh phí mua mới dàn nhạc ngũ âm cho các chùa Khmer; khuyến khích thực hiện trong môi trường học đường là các Trường phổ thông Dân tộc nội trú xây dựng, duy trì hoạt động đội nhạc ngũ âm với thành viên chủ lực là các em học sinh…
Trước đây, nghệ thuật trình diễn nhạc Ngũ âm truyền thống của người Khmer chỉ giới hạn trong nhà chùa và trong các sinh hoạt nghi lễ tôn giáo và tang ma. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào, nhạc Ngũ âm đã được tổ chức lưu giữ, trình tấu và truyền dạy ở nhiều tổ chức, cá nhân, đơn vị cả trong và ngoài cộng đồng các phum, sóc, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật.
Hiện nay, nhạc ngũ âm đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong các phum, sóc của đồng bào Khmer. Khi dàn nhạc ngũ âm vang lên, dù là người già hay người trẻ, trai hay gái đều tưng bừng, rộn ràng nhảy múa để hòa mình vào điệu múa tập thể, tạo bầu sinh khí mới mẻ, vui tươi. Nhạc ngũ âm là linh hồn trong bản sắc văn hóa Khmer nên luôn được phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng hôm nay và gìn giữ cho thế hệ mai sau. Sự độc đáo và sức sống của nhạc ngũ âm đã góp phần làm phong phú kho tàng âm nhạc nói riêng, văn hóa của đồng bào Khmer nói chung./.