Báo chí Thái Nguyên tạo sức lan tỏa trong xã hội về chủ trương giảm nghèo giai đoạn 2016-2020

Thứ tư, 27/12/2017 09:21

Thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Ban chỉ đạo TƯ các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung mọi nguồn lực nhằm hoàn thiện mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn tới. Theo đó, tỉnh Thái Nguyên xác định rõ tầm quan trọng của báo chí tỉnh nhà trong việc tuyên truyền cách chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và của tỉnh trong việc giảm nghèo về thông tin (theo Dự án 4) .Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Trịnh Việt Hùng xoay quanh công tác tuyên truyền, tạo sức lan tỏa trong xã hội về chủ trương giảm nghèo.

*PV: Xin đồng chí Phó Chủ tịch cho biết những nét khái quát những kết quả đạt được về công tác giảm nghèo của tỉnh thời gian qua theo tinh thần chủ trương giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Đảng và Nhà nước?
 
*Phó Chủ tịch UBND Trịnh Việt Hùng: Giảm nghèo là một chủ trương lớn được Đảng, Quốc Hội, Nhà nước chính vì vậy tỉnh Thái Nguyên đã đặc biệt quan tâm tới công tác giảm nghèo và đã đạt được nhiều kết quả cao trong công tác giảm nghèo cụ thể: tính theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, đầu năm 2016, toàn tỉnh có trên 42.080 hộ nghèo, chiếm 13,4% và trên 28.054 hộ cận nghèo, chiếm gần 8,94%. Ngay từ đầu năm 2016, tỉnh đã đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 2%/năm; đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 2,19%, hộ cận nghèo giảm được 0,19%, vượt kế hoạch đề ra. Năm 2017 dự kiến hoàn thành giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 2% trở lên.
 
20180104-l1.jpg
 
Phó Chủ tich UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng trả lời phỏng vấn báo chí
 
Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1845/QĐ-UBND ngày 29/6/2017, với mục tiêu chung: thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điệu kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ cơ bản của xã hội; thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các dân tộc và các nhóm dân cư.
 
   Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh 2% trở lên, địa bàn xã đặc biệt khó khăn từ 3,5% trở lên; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo đến cuối năm 2020 tăng 1,5 lần so với cuối năm 2015; đảm bảo hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng trong giai đoạn 2016-2020 như: tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường đi học đạt 98% trở lên; 100% người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế; thực hiện hỗ trợ về nhà ở cho 100% hộ nghèo có đăng ký vay vốn làm nhà trên địa bàn tỉnh; phấn đấu 95% trở lên người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và 75% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; trợ giúp pháp lý miễn phí cho 100% người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu trợ giúp pháp lý; phấn đấu.
 
*PV: Những khó khăn mà tỉnh đang gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện chương trình? Giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo của tỉnh trong thời gian tới là gì, thưa ông?
 
*Phó Chủ tịch UBND Trịnh Việt Hùng: Trong gần 02 năm 2016-2017, thông qua việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tác động trực tiếp từ các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đã đạt và vượt so với Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa XIX và nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra. Năm 2016 với chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 2%, toàn tỉnh đã giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,19% vượt 0,19% kế hoạch. Năm 2017 dự kiến hoàn thành giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 2% trở lên. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình còn gặp một số khó khăn như: Một số văn bản hướng dẫn thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo còn chậm ban hành (như Thông tư quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình; Thông tư hướng dẫn thực hiện các dự án thuộc Chương trình 135, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo) dẫn đến việc triển khai thực hiện ở một số địa phương, cơ sở còn chậm. Hiện nay, một số chính sách đối với đối tượng hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản chưa được áp dụng như đối với hộ nghèo thu nhập đã ảnh hưởng đến tâm lý, thắc mắc về chính sách của đối tượng cũng như cán bộ làm công tác giảm nghèo.
 
Để phấn đấu bình quân toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm 2% trở lên, địa bàn xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân từ 3,5%/năm trở lên. Các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu sau đây:
 
Một là,đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững; phát động và hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh.
 
Hai là, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèotheo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 để cải thiện điều kiện sống của người nghèo và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
 
Ba là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp xã và thôn, bản, thực hiện tốt các dự án, đề án có liên quan trong chương trình mục tiêu giảm nghèo.Thực hiện cập nhật đầy đủ cơ sở dữ liệu về hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn mới vào phần mềm trực tuyến từ tỉnh đến cấp xã để thống nhất theo dõi, quản lý và khai thức, sử dụng.
 
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá bảo đảm cho Chương trình giảm nghèo thực hiện có hiệu quả, đúng mục tiêu, đúng đối tượng, có biện pháp điều chỉnh, chỉ đạo cho phù hợp.
 
Năm là, làm tốt công tác thi đua khen thưởng gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ, ghi nhận, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước nói chung, Chương trình giảm nghèo bền vững nói riêng, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.    
 
*PV: Xin ông cho biết vai trò của báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng của tỉnh trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020?
 
*Phó Chủ tịch UBND Trịnh Việt Hùng: Thời gian qua, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đánh giá rất cao vai trò tuyên truyền, định hướng dự luận và phản biện của Báo chí tỉnh nhà. Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước sau một thời gian đi vào cuộc sống, khi bộc lộ những bất cập thiếu tính thực hiện, khó khả thi, báo chí tỉnh nhà đã phản ánh, truyền tải ý kiến phản biện của các cơ quan chức năng, đoàn thể và người dân trên tinh thần xây dựng, làm cơ sở để các cấp, các cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh.
 
20180104-l2.jpg
 
Phó Chủ tich UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng (người đứng thứ 4 từ phải sang)
tặng quà cho hộ gia đình chính sách tại tỉnh Thái Nguyên
 
Cụ thể: Trong  2 năm 2016 - 2016: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với báo Thái Nguyên, Đài PT -TH Thái Nguyên, Cổng thông tin điện tử tỉnh…sản xuất trên 90 chương trình, phóng sự, tin bài; in ấn và phát trên 58.000 tờ rơi tuyên truyền về chủ trương, chính sách giảm nghèo.
 
Song hành với các cơ quan báo chí, 9 Đài truyền thanh huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện tuyên truyền trên 150 tin, bài, câu chuyện truyền thanh, 14 phóng sự chính luận, 21 chương trình phổ biến kiến thức nhằm tuyên truyền giúp người nghèo được tiếp cận các mô hình và cách làm hay, hiệu quả, vươn lên thoát nghèo.
 
Về hỗ trợ giảm nghèo về thông tin và truyền thông: Năm 2016, theo thống kê toàn tỉnh có 58.391 hộ (gồm 32.085 hộ nghèo và 26.306 hộ cận nghèo) thuộc diện được hỗ trợ thiết bị thu truyền hình số theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính.  Đến tháng 6/2017 đã triển khai lắp đặt, bàn giao 51.728 đầu thu kỹ thuật số cho các hộ theo quy định.
 
Qua đó cho thấy, với một lực lượng báo chí và truyền thông được đầu tư khá cơ bản từ nhân lực đến vật lực, thời gian qua báo chí Thái Nguyên được xem là kênh chủ lực để tuyên truyền định hướng, đưa thông điệp giảm nghèo của tỉnh đến người dân; xây dựng các phóng sự, chuyên đề về giảm nghèo, từ đó phát hiện và phổ biến nhân rộng các cá nhân, tổ chức, các điển hình tiên tiến trong giảm nghèo; đồng thời phát hiện các sai phạm, phê phán những biểu hiện không muốn thoát nghèo để nhận hỗ trợ từ Nhà nước…
 
*PV: Xin ông cho biết những định hướng lớn của tỉnh trong chỉ đạo công tác tuyên truyền nhằm phát huy sức mạnh của báo chí, truyền thông, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đảm bảo an sinh xã hội tiến tới giảm nghèo và giảm nghèo bền vững theo chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thời gian tới?
 
*Phó Chủ tịch UBND Trịnh Việt Hùng: Trong thời gian tời, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo nội dung Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững của Chính phủ, kế hoạch Ủy ban nhân dân tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, nhằm đảm bảo mục tiêu đến năm 2020: 100% hộ nghèo được tiếp cận thông tin phù hợp. 100% hộ nghèo được trang bị phương tiện nghe nhìn để tiếp cận thông tin. 100% cán bộ cấp huyện, cấp xã làm công tác thông tin và truyền thông được đào tạo nâng cao kỹ năng nghiệp vụ thông tin và truyền thông. 100% xã có điểm thông tin cổ động ngoài trời đạt chuẩn của Bộ Thông tin và Truyền thông. 100% xã đặc biệt khó khăn, thường xuyên được cấp phát tài liệu, bản tin khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, hướng dẫn nuôi trồng.
 
Các cơ quan báo chí của tỉnh tiếp tục phản ánh tình trạng nghèo và cận nghèo của nhân dân tỉnh nhà một cách thực chất, đầy đủ, khách quan bằng những khảo sát cơ bản, khoa học để cơ quan chuyên môn xem xét, tham mưu UBND tỉnh những giải pháp điều chỉnh cho phù hợp và mang tính khả thi; phổ biến kinh nghiệm hay, cách làm hợp lý, những gương điển hình về giảm nghèo thành công, hạn chế tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước và cộng đồng xã hội.
 
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần tạo được sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020; khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của hộ nghèo, người nghèo tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả; phát động và hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh./.
Nguyễn Thúy Hạnh
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top