Xây dựng chính quyền điện tử Quảng Bình tổng thể, toàn diện, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Thứ ba, 10/12/2024 10:52

Thực hiện chủ đề chuyển đổi số năm 2024 của Chính phủ: "Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững", Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Nhờ đó, các mục tiêu về chính quyền số, kinh tế, xã hội số của tỉnh Quảng Bình năm 2024 đều đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Nhận thức số và nhân lực số được nâng cao toàn diện từ chính quyền, doanh nghiệp đến người dân

Để chuyển đổi số thành công, cần nâng cao nhận thức số và phải có đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin, dữ liệu số, trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực liên quan nên Ban Chỉ đạo chuyển số tỉnh đã tập trung nâng cao nâng nhận thức về lợi ích của chuyển đổi số đến mọi tầng lớp Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua hội thảo, tập huấn và qua Tổ chuyển đổi số cộng đồng. Theo đó, các cơ quan báo chí, hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã, trang thông tin điện tử đều mở chuyên mục tuyên truyền về chuyển đổi số để hướng dẫn, phổ cập kiến thức, kỹ năng số cơ bản cho người dân. Đặc biệt, các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh đã đồng loạt thực hiện chiến dịch ra quân "đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng để phát triển kinh tế số" trong đợt cao điểm từ ngày 01 đến ngày 10/10/2024.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đã chỉ đạo tổ chức nhiều Hội nghị, Hội thi, Hội thảo thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số như: Hội thảo "Một số giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chuyển đổi số, đô thị thông minh"; Hội thi truyền thanh cở sở tuyên truyền về Chuyển đổi số; Hội thảo "Phổ cập hạ tầng số, tăng cường ứng dụng số để thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình"...

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số mà đến nay, toàn tỉnh có gần 7.500 cán bộ, công chức, viên chức hành chính cấp tỉnh, huyện, xã; 18.350 viên chức ngành Y tế, Giáo dục và 4.561 thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số để thực hiện nhiệm vụ trên môi trường mạng. 100% cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước đã qua các khóa đào tạo tin học hoặc bồi dưỡng ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản. Từ đó, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động trên môi trường mạng một cách thiết thực, hiệu quả.

img

Hội thảo về các giải pháp triển khai, thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Phát triển Hạ tầng số, Chính quyền số tổng thể, toàn diện

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 31/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số đã tập trung phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số tỉnh Quảng Bình tổng thể, toàn diện, có mô hình hoạt động được thiết kế, vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số để đưa hoạt động của các cấp chính quyền lên môi trường số, bảo đảm an toàn thông tin; thay đổi mô hình quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân nhằm tạo ra các giá trị mới cho xã hội.

Về hạ tầng số, đến nay, 100% trung tâm xã, phường, thị trấn đều có kết nối cáp quang internet băng thông rộng. Mạng 3G, 4G phủ sóng trên 97,7% khu vực dân cư; Tỷ lệ hộ gia đình có người có điện thoại thông minh là 87,2%. 100% cơ quan hành chính 3 cấp chính quyền thiết lập mạng nội bộ (LAN) và kết nối internet băng rộng. Mạng truyền số liệu chuyên dùng được triển khai đến 180 cơ quan hành chính các cấp, đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc và cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.

Hạ tầng phục vụ hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyết kết nối thông suốt từ Trung ương đến 100% UBND cấp xã, cho phép cấp huyện chủ động tổ chức họp trực tuyến với cấp xã. Trung tâm dữ liệu điện tử tỉnh đáp ứng đầy đủ các tiêu chí kỹ thuật, sẵn sàng kết nối với Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ, bảo đảm hạ tầng phục vụ cho 12 nền tảng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh và 18 hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị.

Hiện nay, Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh đã thử nghiệm, thí điểm 10 phần mềm, dịch vụ đô thị thông minh, cung cấp một số ứng dụng đô thị thông minh thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Các nền tảng, hệ thống thông tin chính quyền số dùng chung quan trọng của tỉnh được mở rộng và hoạt động ổn định. Tỷ lệ trang thông tin điện tử cung cấp, cập nhật thông tin thường xuyên của các các cơ quan cấp sở, cấp huyện là 100%; cấp xã là 74,1%. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công đạt khá cao: cấp tỉnh 76,2%, cấp huyện 82%, cấp xã 91,4%). Tỷ lệ văn bản, hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng tại cơ quan cấp tỉnh là 99%, cấp huyện là 98%, cấp xã là 88%. Tỷ lệ văn bản được ký số đầy đủ, đúng quy định của UBND tỉnh và sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh là 99,1%; của UBND cấp huyện là 98%; của UBND cấp xã là 96%.

Phát huy những kết quả, thành tựu đạt được trong năm 2024, năm 2025, Ban Chỉ đạo số tỉnh Quảng Bình quyết tâm triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; Thể chế số, chính sách số; Hạ tầng số; Nhân lực số; Phát triển dữ liệu số; An toàn thông tin mạng; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt tỷ lệ trung bình tối thiểu 95% thủ tục hành chính; nâng tỷ lệ người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết TTHC đạt trên 90%. Phấn đấu kinh tế số tối thiểu đạt từ 15% GRDP của tỉnh; đưa tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thương mại đạt trên 90%. Phấn đấu 100% các thôn, bản đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động; 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận dịch vụ internet cáp quang băng rộng để thực hiện thành công chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh./.


Thu Lan
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top