Nhiều tiện ích từ “cuộc sống số”
Tại xã Lãng Công, huyện Sông Lô, địa phương thực hiện thí điểm mô hình chuyển đổi số của tỉnh, nếu như trước đây, hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin còn thiếu, chưa đồng bộ; nhận thức, trình độ tiếp cận công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế thì hiện nay, hạ tầng số của xã đã được cải thiện đáng kể, hệ thống mạng Internet bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt, ổn định và an toàn giúp cán bộ giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả. Hiện, địa phương đã thực hiện cài đặt các ứng dụng phục vụ chính quyền số như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử công vụ (email công vụ), hệ thống cổng dịch vụ công, sử dụng chữ ký số… để xử lý công việc, tiếp nhận và trả lời phản ánh kiến nghị của công dân. 100% cán bộ, công chức được mở tài khoản dịch vụ công quốc gia, sử dụng máy tính có kết nối mạng trong công việc; hội trường UBND xã được lắp đặt wifi phục vụ hội nghị trực tuyến. Ngoài ra, hệ thống loa truyền thanh thông minh đã được đưa vào sử dụng; các trang thông tin điện tử, Fanpage, nhóm Zalo cũng được thiết lập, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các hoạt động của chính quyền, quảng bá về hình ảnh, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp thôn và cấp xã đều thành lập nhóm Zalo để quản lý, triển khai thực hiện nhiệm vụ của hội mình; triển khai cài đặt ứng dụng sổ tay đảng viên điện tử cho đảng viên. Đặc biệt, Bộ phận một cửa của xã đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản, có ứng dụng chữ ký số, tiếp nhận hồ sơ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Về xây dựng kinh tế số, xã hội số, 100% cửa hàng, hộ kinh doanh, siêu thị mini trên địa bàn xã đều cho phép người dân thanh toán bằng hình thức chuyển khoản hoặc quét mã VN-PAY, QR Code; tỷ lệ người dân biết sử dụng các ứng dụng tư vấn, hỗ trợ khám, chữa bệnh trực tuyến ngày càng cao.
Tiếp tục nhân rộng những “ngôi làng số”
Cùng với các địa phương thực hiện triển khai thí điểm chuyển đổi số cấp xã hay xây dựng thôn nông thôn mới thông minh, thời gian qua, nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh cũng đang tích cực tích cực tham gia vào hoạt động chuyển đổi số. Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi địa phương có lộ trình và cách thực thực hiện khác nhau nhưng đều chung một mục tiêu, đó là thu hẹp khoảng cách số, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân. Kết quả, đến nay, toàn tỉnh có 2 thôn đạt chuẩn thôn thông minh; 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị 3 cấp tỉnh - huyện - xã đã được trang bị máy tính, mạng LAN, kết nối Internet băng thông rộng cố định để phục vụ công tác chuyên môn; đường truyền số liệu chuyên dùng đã được kết nối đến 169 đơn vị, địa phương, đồng bộ đến cấp xã. Hệ thống văn bản điện tử đã được kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia, 100% văn bản đi, đến luân chuyển trên phần mềm, trong đó, tỷ lệ ký số trên phần mềm đạt trên 99%. Toàn tỉnh đã kích hoạt được hơn 686.300 tài khoản định danh điện tử, đạt 100%; có gần 15.200 chữ ký số được cung cấp cho người dân, doanh nghiệp sử dụng để ký số, xác thực, thực hiện trong các giao dịch điện tử… Cùng với đó là 3.000 trạm thu phát sóng thông tin di động; phủ sóng di động 3G, 4G toàn tỉnh đạt 100%. Trên địa bàn tỉnh có 136 xã, phường, thị trấn thực hiện hợp nhất “Tổ công tác Đề án 06” với “Tổ công nghệ số cộng đồng” thành 1.240 tổ với 9.880 thành viên. Về kinh tế số, toàn tỉnh có trên 10.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh; hơn 16.000 hộ sản xuất nông nghiệp sử dụng thương mại điện tử; trên 140 gian hàng được đăng ký trên các sàn thương mại điện tử. Dù đã có nhiều chuyển biến, song quá trình chuyển đổi số ở khu vực nông thôn vẫn không thể tránh khỏi một số tồn tại, khó khăn. Trước hết, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ở một số địa phương như điện lưới, sóng điện thoại, điện thoại thông minh, máy tính… chưa đầy đủ. Nhiều trang thiết bị tại các địa phương được trang bị theo các giai đoạn khác nhau, chưa bảo đảm đồng bộ, còn nhiều thiết bị cũ, ảnh hưởng tới việc triển khai các ứng dụng dùng chung. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin, nhất là đối với cấp xã còn thiếu và chưa thường xuyên cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới theo yêu cầu. Nhiều người dân, đặc biệt người cao tuổi vẫn còn tâm lý e ngại thực hiện dịch vụ công trực tuyến do trình độ hiểu biết về công nghệ thông tin không cao, trong khi đó, một số dịch vụ công trực tuyến còn phức tạp về hồ sơ và quy trình thực hiện. Trong xây dựng kinh tế số, một bộ phận người dân khu vực nông thôn không có thói quen thanh toán trực tuyến và chưa sẵn sàng thay đổi phương thức mua bán hàng từ truyền thống sang môi trường mạng.
Để việc thực hiện thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã thành công, tiến tới nhân rộng ra các địa phương trong toàn tỉnh, đồng thời, từng bước hoàn thành mục tiêu phấn đấu toàn tỉnh có 27 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn thông minh; 2 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới thông minh trong năm 2024, thời gian tới, hàng loạt công trình, phần việc liên quan tới chuyển đổi số tiếp tục được triển khai rộng khắp, len lỏi tới từng bản làng, thôn xóm, đem lại những lợi ích thiết thực cho cả chính quyền và người dân vùng nông thôn. Trong đó, trọng tâm là quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho cấp xã theo lộ trình ứng dụng và thực hiện chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp; khai thác, sử dụng hiệu quả các nền tảng số phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiện ích trong cuộc sống hằng ngày. Với mục tiêu lan tỏa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến từng người dân, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng bằng các chương trình tập huấn; đưa người dân lên môi trường số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn./.