Đến nay, xã Liên Châu được huyện Yên Lạc đã thành lập 14/14 tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn. Các tổ đều được đào tạo về chuyển đổi số qua nền tảng OneTouch; công tác tuyên truyền, phổ biển về Bộ chỉ số chuyển đổi số được thực hiện thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh của xã, nhóm Zalo của các thôn. Đồng thời, các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân trên địa bàn dần quen với các khái niệm chuyển đổi số, công nghệ số, nền tảng số, chính quyền số… Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết và sự quan tâm của cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp về nhiệm vụ này. Hiện 100% cán bộ, công chức xã sử dụng email công vụ, có tài khoản sử dụng trên các phần mềm dùng chung của tỉnh; 100% văn bản đi - đến trong môi trường số được xử lý, luân chuyển theo đúng quy định; 100% hồ sơ và thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận, giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến chiếm hơn 25%. Đến nay, tỷ lệ hộ gia đình thanh toán hóa đơn tiền điện, nước bằng hình thức trực tuyến ngày một tăng; phần lớn các cửa hàng tiện lợi, cơ sở kinh doanh trên địa bàn có sử dụng mã QR trong giao dịch mua bán.
Cũng như vậy, tại bộ phận một của xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, 100% bộ hồ sơ, thủ tục hành chính của công dân được tiếp nhận, lưu trữ, giải quyết trong môi trường điện tử liên thông trên hệ thống phần mềm quản lý. Bên cạnh đó, địa phương đã triển khai hệ thống camera giám sát an ninh trật tự tại các tuyến giao thông trục chính, kịp thời phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật và tai nạn giao thông tại địa bàn.
Với sự nỗ lực, vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, nhận thức của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ công chức, viên chức về chuyển đổi số có nhiều chuyển biến tích cực. Theo ông Đặng Duy Kính, Phó Chủ tịch UBND xã: Giờ đây cụm từ “chuyển đổi số”, “thanh toán điện tử” không còn xa lạ với một số người dân xã Thiện Kế. Nhiều người dân đã cài đặt và sử dụng các ứng dụng thông minh phục vụ công việc và cuộc sống.
Năm 2023, Vĩnh Phúc dành hơn 134 tỷ đồng từ ngân sách thực hiện chuyển đổi số. Tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xây dựng hạ tầng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số; giao chỉ tiêu nhiệm vụ chuyển đổi số cho thủ trưởng các cơ quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; đồng thời, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị 3 cấp tỉnh, huyện, xã được trang bị máy tính, mạng LAN, kết nối Internet băng thông rộng cố định để phục vụ công tác chuyên môn. 100% UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được kết nối Internet băng rộng và được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng; tỷ lệ hộ gia đình có Internet băng rộng cố định đạt 90%.
Để mô hình chuyển đổi số cấp xã thành công, tiến tới nhân rộng ra các địa phương trong toàn tỉnh, bên cạnh sự vào cuộc của các sở, ngành liên quan, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn cho người dân nắm được những kỹ năng số cơ bản, các kỹ năng về bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng. Đồng thời, khai thác hiệu quả các nền tảng số, sử dụng hiệu quả các nền tảng số phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiện ích trong cuộc sống hằng ngày. Cùng với đó, quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin các xã theo lộ trình ứng dụng và thực hiện chuyển đổi số, nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. Phấn đấu năm 2024, Vĩnh Phúc nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Trong đó, 100% hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia; 60% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 50% hồ sơ công việc tại cấp huyện, 40% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; tỷ trọng kinh tế số đạt trên 20% GRDP; tỷ trọng doanh nghiệp sử dụng thương mại điện tử đạt 80%.