Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 16 tháng 11 năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số xác định, Vĩnh Long xây dựng và triển khai các kế hoạch chi tiết để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Một trong những mốc quan trọng trong tiến trình này là sự ra đời của nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh Vĩnh Long, giúp kết nối và chia sẻ dữ liệu không chỉ trong tỉnh mà còn với nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia (NDXP).
Vĩnh Long cũng chú trọng đến các nền tảng số khác như nền tảng học kỹ năng trực tuyến mở (MOOCS), nền tảng giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC), cũng như triển khai hóa đơn điện tử và các dịch vụ công trực tuyến.
Phát triển kinh tế số
Cùng với việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các trường học và cơ sở y tế, Vĩnh Long đã tạo ra môi trường thuận lợi để người dân và doanh nghiệp chuyển từ các phương thức thanh toán truyền thống sang các hình thức thanh toán điện tử thông qua mã QR và các ứng dụng ví điện tử.
Theo bà Đoàn Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Long, việc sử dụng thanh toán điện tử, ứng dụng các mã QR trong các chợ, trung tâm thương mại và các cửa hàng đã dần trở thành thói quen của người dân địa phương. Các hoạt động mua bán sản phẩm cũng được thực hiện trên các sàn thương mại điện tử, tạo điều kiện cho sản phẩm của Vĩnh Long tiếp cận thị trường rộng lớn hơn.
Một ví dụ điển hình là sự tham gia của hơn 370 doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất địa phương trên sàn giao dịch thương mại điện tử ngành công thương Vĩnh Long. Tỉnh cũng chú trọng đến việc phát triển các sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hỗ trợ các sản phẩm mới được cấp chứng nhận để giới thiệu lên các sàn thương mại điện tử.
Đưa chuyển đổi số vào đời sống
Vĩnh Long chú trọng đến việc phát triển xã hội số, nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho người dân. Các cổng thông tin điện tử của tỉnh và các đơn vị đã được đưa vào vận hành, đồng thời, các ứng dụng di động như "Smart Vĩnh Long" và các trang mạng xã hội như Zalo "Chính quyền số Vĩnh Long" đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin và tham gia vào các dịch vụ công trực tuyến.
Chia sẻ về lợi ích của chuyển đổi số, chị Châu Thị Thúy Hằng (35 tuổi, Long Hồ) cho biết: "Bây giờ, đi mua sắm không cần phải mang theo tiền mặt như xưa, chỉ cần cầm theo thẻ hoặc điện thoại là có thể thanh toán được hầu hết các hóa đơn. Đi chợ đi mua sắm thời nay cũng khác xưa nhiều, chỉ cần quét QR là có thể thanh toán được, rất nhanh, tiện lợi và an toàn."
Mặc dù đạt được những thành tựu lớn trong chuyển đổi số, Vĩnh Long vẫn còn đối mặt với một số thách thức. Các vấn đề về hạ tầng mạng chưa đồng đều ở một số khu vực, rủi ro mất an toàn thông tin và chất lượng dịch vụ đôi khi chưa đáp ứng yêu cầu là những vấn đề cần được giải quyết. Bà Đoàn Hồng Hạnh nhấn mạnh, việc tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho toàn thể người dân là cần thiết để thúc đẩy phát triển xã hội số.
Vĩnh Long cũng đang thực hiện các biện pháp để cải thiện an toàn thông tin, giám sát các nguy cơ mất an toàn mạng và kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin đối với các hệ thống thông tin của các đơn vị để đảm bảo sự ổn định và an toàn trong quá trình chuyển đổi số.
Trong thời gian tới, Vĩnh Long tiếp tục triển khai quyết liệt các chiến lược chuyển đổi số, hoàn thiện hạ tầng số, đặc biệt là tăng cường kết nối dữ liệu với Cơ sở Dữ liệu Quốc gia và các nền tảng số địa phương. Chính quyền tỉnh cũng sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho chuyển đổi số và an toàn thông tin./.