Các hộ thụ hưởng đều là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có người già neo đơn, có người khuyết tật… bị ảnh hưởng bởi bão số 3 Yagi. Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, Vietnam Post đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội có liên quan cùng UNDP và IOM xây dựng kế hoạch, phương án chi trả chi tiết tại từng địa bàn.
Hơn 90% các điểm chi trả được đặt tại các bưu cục, điểm Bưu điện - Văn hóa xã, nơi người dân dễ dàng đi lại và nhận tiền thuận tiện nhất. Khi chi trả, nhân viên Bưu điện sẽ đối chiếu thông tin cá nhân người hưởng để đảm bảo việc chi trả đúng đối tượng. Tiền hỗ trợ được Bưu điện chuẩn bị từ trước và đóng vào từng phong bì riêng và thực hiện kiểm đếm trực tiếp nên người nhận không mất thời gian để chờ đợi.
Đa số nhân viên chi trả đều là người của địa phương, nắm rõ nhân thân về người thụ hưởng nên việc xác thực, đối chiếu thông tin sẽ nhanh hơn. Công tác chi trả, kiểm đếm tiền luôn có sự chứng kiến của các lực lượng phối hợp tại địa phương và xác nhận bằng chữ ký hoặc điểm chỉ của người thụ hưởng.
Tại Yên Bái, từ ngày 19/12 đến ngày 21/12, Bưu điện tỉnh đã thực hiện chi trả khoảng 7 tỷ đồng do UNDP tài trợ cho 1.760 hộ gia đình tại 56 xã, phường của Thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên và huyện Yên Bình.
Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Bưu điện tỉnh Yên Bái cho biết, Bưu điện tỉnh đã cử hơn 60 cán bộ, nhân viên thực hiện chi trả cho các hộ gia đình. Đây đều là những cán bộ có nhiều kinh nghiệm trong công tác chi trả lương hưu, chi trả bảo trợ xã hội, chi trả cho người có công với Cách mạng nên không gặp phải khó khăn gì lớn. "Đối với những điểm chi trả có người hưởng lớn, chúng tôi sẽ tăng cường từ 1 đến 2 nhân viên để người dân nhận tiền nhanh nhất, thuận lợi nhất", bà Hương chia sẻ thêm.
Mặc dù Giấy mời ghi rõ thời gian nhận tiền từ 9h30 nhưng từ 8h30 sáng ngày 20/12 tại Bưu điện - Văn hóa xã Y Can, đã có hơn chục người đến nhận tiền hỗ trợ. Bưu điện - Văn hóa xã đã chuẩn bị đầy đủ bàn ghế, trà và nước ấm cho bà con ngồi trò chuyện.
Ông Lê Kim Thăng, thôn Quyết Tiến, xã Y Can huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, gia đình ông chỉ có 2 vợ chồng, đều không có lương hưu, bão đến cuốn trôi nhiều đồ đạc, làm hỏng các thiết bị điện tử trong nhà. Nay dù ra Bưu điện - Văn hóa xã sau một số người nhưng ông Thăng được ưu tiên nhận đầu tiên. Ông cho biết, "Việc nhận tiền không gặp bất kì vướng mắc nào, nhân viên ở đây rất nhiệt tình. Sự hỗ trợ kịp thời từ các tổ chức và sự chu đáo của Bưu điện giúp tôi thấy ấm lòng rất nhiều trong ngày đông này".
Tại Chương trình triển khai hoạt động hỗ trợ tiền mặt khoản viện trợ khẩn cấp cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3 được tổ chức tại tỉnh Yên Bái hôm 20/12, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhắc đến câu thành ngữ của Việt Nam "Của ít lòng nhiều" để thể hiện dù giá trị tiền không lớn nhưng đó là sự chia sẻ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc với người dân Việt Nam. Bà mong muốn phần quà nhỏ của chương trình sẽ được bà con sử dụng vào các mục đích giáo dục, y tế, mua sắm vật dụng cần thiết để trang trải cho cuộc sống. Đặc biệt bà Ramla Khalidi đánh giá cao sự vào cuộc, đồng hành của các cơ quan, chính quyền địa phương, trong đó có Bưu điện Việt Nam trong việc triển khai chương trình. Sau khi chứng kiến việc chi trả tại xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chia sẻ: "Việc chi trả lần này do Bưu điện Việt Nam thực hiện. Chúng tôi đánh giá cao vai trò của Bưu điện Việt Nam, bởi họ có mạng lưới, có các thành viên ở tất cả các xã, phường, điều này sẽ giúp việc triển khai các hoạt động cấp phát tiền nhanh chóng, hiệu quả và trực tiếp đến người dân". Bà Phạm Thị Nga, thôn Tân Thịnh, xã Quy Mông hồ hởi cho biết bà chỉ mất 1 phút lên nhận tiền, ký xác nhận. Tiền đã được đóng sẵn trong phong bì, nhân viên Bưu điện đã cùng bà kiểm đếm tiền ngay tại bàn chi trả nên rất rõ ràng, minh bạch. "Tôi dùng một ít tiền để mua thuốc bổ, còn lại dành để chuẩn bị sắm sửa một số vật dụng trong nhà cho Tết Nguyên đán sắp tới", bà Nga cho biết về việc sử dụng khoản tiền hỗ trợ lần này
Với kinh nghiệm và trách nhiệm cao trong hoạt động an sinh xã hội, Bưu Điện Việt Nam cho biết, từ sau bão Yagi đến nay, Tỏng công ty đã được 07 tổ chức quốc tế cùng các địa phương lựa chọn là đơn vị đồng hành, tham gia chi trả tiền hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau bão. Đến nay tất cả các khoản cứu trợ đều được chi trả an toàn, chính xác, góp phần ổn định cuộc sống và tái thiết sau bão của hàng nghìn hộ dân.
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ người dân tốt hơn, đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững niềm tin từ cộng đồng.