Tàu neo đậu tại cảng cá Trần Đề (Sóc Trăng). Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát.
Trải qua hơn 4 năm thực hiện các tiêu chí chống khai thác bất hợp pháp của Ủy ban châu Âu nhằm mục đích gỡ bỏ "thẻ vàng", nghề cá Việt Nam vẫn tiếp tục những bước đi đã đạt được và nỗ lực lớn hơn trong năm 2022.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức
Chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp không chỉ là nhiệm vụ của ngư dân, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hải sản mà còn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị để nâng cao uy tín nghề cá Việt Nam, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Chính vì vậy, việc nâng cao ý thức khai thác hợp pháp cho người dân là việc đầu tiên trong quá trình thực hiện Luật Thủy sản. Đây là vấn đề gặp nhiều khó khăn vì tập quán khai thác, đánh bắt đã ăn sâu vào ý thức của ngư dân.
Chính vì vậy, Bộ quốc phòng đã nhanh chóng phát huy vai trò "thuyền trưởng" trong việc nâng cao ý thức đánh bắt, khai thác của ngư dân. Theo Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng, Trưởng Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, trong năm 2021, Ban chỉ đạo đã chỉ đạo các đơn vị triển khai quyết liệt các biện pháp chống khai thác bất hợp pháp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác bất hợp pháp.
Theo đó, các lực lượng hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển đã triển khai nghiêm túc các biện pháp về chống khai thác bất hợp pháp. Đồng thời, Bộ quốc phòng cũng phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân nâng cao nhận thức về các quy định bất hợp pháp. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các lực lượng đã thực hiện nghiêm quy định của pháp luật và bảo đảm an toàn cho ngư dân.
Tiếp nối những kết quả đạt được, năm 2022, Ban chỉ đạo về chống khai thác bất hợp pháp Bộ Quốc phòng yêu cầu các đơn vị tiếp tục chủ động và phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật các nội dung liên quan đến chống khai thác bất hợp pháp cho ngư dân. Cụ thể, tăng cường quản lý tàu cá bằng các giải pháp công nghệ, giảm các biện pháp thủ công. Bộ đội Biên phòng làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát tàu xuất nhập bến theo đúng quy định; lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển tăng cường tuần tra, kiểm soát tàu cá trên các vùng biển của Tổ quốc, kịp thời bảo vệ ngư dân và ngăn chặn, phát hiện, xử lý đối với tàu cá và ngư dân vi phạm.
Phối hợp đồng bộ
Thực hiện chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp là nhiệm vụ hàng đầu trong hoạt động nghề cá của 28 tỉnh có biển. Các địa phương Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đã nhanh chóng triển khai nhiệm vụ do Ban chỉ đạo chống khai thác bất hợp pháp Bộ quốc phòng đề ra trong năm 2022.
Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ, UBND tỉnh Cà Mau đã giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Phú Tân và các ngành, đơn vị chức năng chỉ đạo rà soát tổng thể các biện pháp thực thi tại địa phương trên cơ sở nội dung khuyến nghị của Ủy ban châu Âu. Sở Nông nghiệp cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh bố trí kinh phí, nhân lực cho cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản, cơ quan quản lý cảng cá, cơ quan thực thi pháp luật trên biển để tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung chống khai thác bất hợp pháp trong năm 2022.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thơn Cà mau phối hợp UBND các huyện thực hiện kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến, kiểm soát sản lượng cập bến theo quy định; thanh tra, kiểm tra tại cảng, xử phạt nghiêm hành vi khai thác bất hợp pháp. Các tàu cá khai thác đảm bảo ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác; thực hiện nghiêm công tác xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác theo quy định.
Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển được phân công quản lý để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác bất hợp pháp. Đặc biệt, không để xảy ra vụ việc tàu cá và ngư dân địa phương vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Tăng cường theo dõi, quản lý chặt chẽ số lượng tàu cá địa phương hoạt động dài ngày trên biển và thường xuyên xuất, nhập bến trên địa bàn của địa phương khác.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau phối hợp chia sẻ thông tin kịp thời với các cơ quan chức năng liên quan để xử lý kịp thời khi phát hiện có hành vi khai thác bất hợp pháp. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tập huấn, phổ biến các quy định về khai thác bất hợp pháp tại các cảng cá, khu vực có nghề cá trọng điểm; đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin về phòng, chống khai thác bất hợp pháp đến cộng đồng ngư dân Cà Mau và các thành phần liên quan tại địa phương.
Tại Khánh Hòa, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa triển khai các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp như tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương ven biển triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác bất hợp pháp, tham mưu, đề xuất khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu trong năm 2022, khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát hành trình tàu cá…
Với các huyện ven biển của tỉnh Khánh Hòa, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế thủy sản bền vững, khai thác bất hợp pháp đến từng cán bộ, từng người dân một cách hiệu quả; tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân tại địa phương khai thác thủy sản theo đúng quy định, đảm bảo ổn định đời sống, sinh kế của ngư dân bền vững, khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS, đánh dấu tàu cá, thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo đúng quy định của pháp luật.