THÔNG TƯ
Quy hoạch băng tần 1710-1785 MHz và 1805-1880 MHz cho hệ thống
thông tin di động mặt đất công cộng IMT của Việt Nam
Căn cứ Luật Tần số vô tuyến điện ngày 23 tháng 11 năm 2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện ngày 09 tháng 11 năm 2022;
Căn cứ Nghị định số 48/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2022 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Căn cứ Quyết định số 71/2013/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia; Quyết định số 38/2021/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 71/2013/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện;
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư Quy hoạch băng tần 1710-1785 MHz và 1805-1880 MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng IMT của Việt Nam.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Thông tư này quy hoạch băng tần 1710-1785 MHz và 1805-1880 MHz để triển khai các hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng IMT[1] của Việt Nam.
2. Đối tượng áp dụng:
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện; tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị vô tuyến điện để sử dụng tại Việt Nam.
Điều 2. Nội dung quy hoạch
1. Băng tần 1710-1785 MHz và 1805-1880 MHz được sử dụng để triển khai hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng theo tiêu chuẩn
IMT-Advanced, IMT-2020 và các phiên bản tiếp theo theo phương thức truyền dẫn song công phân chia theo tần số (sau đây gọi là phương thức FDD[2]).
2. Băng tần 1710-1785 MHz và 1805-1880 MHz được phân chia như sau:
a) Băng tần 1710-1785 MHz được sử dụng làm băng tần đường lên, phân chia thành 04 khối A1, A2, A3 và A4 có độ rộng tương ứng là 20 MHz, 20 MHz, 20 MHz và 15 MHz;
b) Băng tần 1805-1880 MHz được sử dụng làm băng tần đường xuống, phân chia thành 04 khối A1’, A2’, A3’ và A4’ có độ rộng tương ứng là 20 MHz,
20 MHz, 20 MHz và 15 MHz;
c) Giới hạn tối đa tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được cấp phép sử dụng trong băng tần 1710-1785 MHz và 1805-1880 MHz là 2×20 MHz theo phương thức FDD.
3. Các tổ chức được cấp giấy phép sử dụng băng tần trong băng tần
1710-1785 MHz và 1805-1880 MHz có trách nhiệm phối hợp với nhau để phòng tránh và xử lý nhiễu có hại.
Điều 3. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 6 năm 2024.
2. Bãi bỏ khoản 2.3.1 Điều 1 và các quy định có liên quan đến băng tần 1710-1785 MHz và 1805-1880 MHz tại Quyết định số 25/2008/QĐ-BTTTT ngày 16 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc phê duyệt quy hoạch băng tần cho các hệ thống thông tin di động tế bào số của Việt Nam trong các dải tần 821-960 MHz và 1710-2200 MHz.
3. Bãi bỏ các quy định có liên quan đến băng tần 1710-1785 MHz và
1805-1880 MHz tại Thông tư số 04/2017/TT-BTTTT ngày 24 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định triển khai hệ thống thông tin di động IMT trên các băng tần 824-835 MHz, 869-915 MHz, 925-960 MHz, 1710-1785 MHz, 1805-1880 MHz, 1920-1980 MHz, 2110-2170 MHz.
Điều 4. Điều khoản chuyển tiếp
1. Giấy phép sử dụng băng tần được cấp trên băng tần 1710-1785 MHz và 1805-1880 MHz trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng cho đến hết thời hạn được ghi trong giấy phép.
2. Giấy phép sử dụng băng tần được cấp theo quy định tại Thông tư này thì hệ thống thông tin di động hiện có theo tiêu chuẩn GSM trên băng tần
1710-1785 MHz và 1805-1880 MHz được tiếp tục sử dụng với các điều kiện sau:
a) Kể từ ngày 16 tháng 9 năm 2024, không cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao kết nối vào mạng GSM cho mục đích truyền, nhận dữ liệu giữa thiết bị với thiết bị (M2M)[3] hoặc cung cấp dịch vụ tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK;
b) Được tiếp tục sử dụng kể từ ngày 16 tháng 9 năm 2024 đến hết ngày 15 tháng 9 năm 2026 và chỉ được sử dụng các khoảng băng tần mà hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-Advanced, IMT-2020 không sử dụng[4], trừ trường hợp cung cấp dịch vụ tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa,
nhà giàn DK;
c) Không gây nhiễu có hại cho các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-Advanced, IMT-2020 được cấp phép hoạt động trong băng tần 1710-1785 MHz và 1805-1880 MHz.
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
1. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Tần số vô tuyến điện) để xem xét, giải quyết./.
[1] International Mobile Telecommunications (tuân theo định nghĩa của Liên minh Viễn thông Quốc tế - ITU).
[2] Frequency Division Duplex
[3] Machine to Machine.
[4]Trong điều kiện doanh nghiệp đã triển khai sóng mang theo tiêu chuẩn IMT-Advanced hoặc IMT-2020 với băng thông kênh lớn nhất có thể trong khối băng tần được cấp giấy phép sử dụng.