Quảng Ngãi: Triển khai giải pháp cấp bách
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi sẽ đánh giá tác động của dự án có liên quan đến Khu bảo tồn biển, đặc biệt là dự án phát triển du lịch, khu nghỉ dưỡng, khu đô thị lấn biển, dự án nuôi trồng hải sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc hoạt động không đúng theo quy hoạch từ trước tới nay để xử lý.
Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học biển; nâng cao hiệu quả công tác giao khu vực biển. Đồng thời, kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động nhận chìm ở biển, hoạt động lấn biển, hoạt động khai khoáng trên biển ảnh hưởng đến môi trường biển, hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản trong phạm vi Khu bảo tồn biển Lý Sơn.
Các cấp, các ngành phối hợp với Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về bảo vệ đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn biển Lý Sơn.
Khu bảo tồn biển Lý Sơn có tổng diện tích 7.925 ha trong đó, diện tích mặt nước biển là 7.113 ha. Khu bảo tồn được chia làm 3 vùng: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 620 ha, vùng phục hồi sinh thái 2.024 ha và vùng phát triển 4.469 ha.
Phú Yên: Tích cực bảo vệ hệ sinh thái
Nhằm bảo tồn và phát triển hệ sinh thái biển, đặc biệt là rạn san hô, với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu, tỉnh Phú Yên đang thực hiện dự án “Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến” (huyện Tuy An). Hiện, UBND tỉnh Phú Yên đang đề nghị Quỹ Môi trường toàn cầu cho gia hạn dự án đến hết tháng 9-2022 thay vì kết thúc trong năm 2021.
Dự án "Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạhn san hô Hòn Yến" được triển khai từ tháng 8-2020, gồm 3 mục tiêu chính và 32 hoạt động.
Trong khuôn khổ dự án này có nhiều hoạt động như: nâng cao năng lực cho chính quyền địa phương, cán bộ nòng cốt các hội, đoàn thể và cộng đồng dân cư địa phương về quản lý, bảo vệ hệ sinh thái biển, hệ sinh thái rạn san hô. Đồng thời, tổ chức các đợt thu gom rác khu vực Hòn Yến; tổ chức thông tin tuyên truyền về dự án; phổ biến chính sách nhà nước về bảo vệ môi trường và hệ sinh thái vùng biển; tổ chức thi tìm hiểu tác hại của chất thải từ đất liền và trên biển, rác thải nhựa ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái rạn san hô; lập dự án thành lập khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Hòn Yến... Trọng tâm của dự án này, tỉnh Phú Yên xác định là nâng cao nhận thức, năng lực và vai trò của cộng đồng trong quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển, đặc biệt là hệ sinh thái rạn san hô.
Trước khi triển khai dự án bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến, tỉnh đã phê duyệt đề án Bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường quần thể Hòn Yến đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Mục tiêu chung của đề án là chặn đứng mức độ gia tăng ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; hướng đến khai thác sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên; bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan quần thể Hòn Yến.
Tỉnh Phú Yên đặt mục tiêu đến năm 2025: Hoàn thành điều tra, thống kê, đánh giá toàn diện về đa dạng sinh học quần thể Hòn Yến, làm cơ sở cho công tác quản lý và thành lập khu bảo tồn; tăng cường năng lực, thể chế, chính sách; phòng ngừa, kiểm soát khắc phục tình trạng ô nhiễm khu vực quần thể Hòn Yến; bảo tồn đa dạng sinh học khu vực quần thể Hòn Yến; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và thu hút sự quan tâm của cộng đồng về bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường quần thể Hòn Yến.
Quần thể Hòn Yến được xác định bao gồm: Hòn Yến, Hòn Đụn, Bàn Than, Gành Yến, Hòn Choi, Vũng Choi. Trong đó, khu vực bảo vệ I có diện tích 100.275,82m2; khu vực bảo vệ II có diện tích 246.270,35m2.