Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào y tế: “Thần y” mới

Thứ bảy, 03/10/2020 20:28

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành một “bác sỹ vô hình” trợ giúp ngành y tế vô cùng đắc lực, nhất là trong đại dịch Covid-19.

 Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành một “bác sỹ vô hình” trợ giúp ngành y tế vô cùng đắc lực, nhất là trong đại dịch Covid-19.

Ngôi sao sáng trong Covid-19
 
Trong đại dịch Covid-19, AI được áp dụng khá rộng rãi, từ phát hiện, hỗ trợ, ngăn chặn, đến điều trị cho bệnh nhân. Điển hình như Zalo đưa ứng dụng AI xây dựng chatbox hỗ trợ tra cứu cơ sở điều trị Covid-19, tránh tình trạng người dân đổ dồn về các cơ sở y tế tuyến trên gây quá tải trong khám sàng lọc.
 
20200831-pg7.jpg
 
Viettel và FPT cũng đưa ứng dụng AI vào chatbot tự động thống kê tình hình dịch bệnh ở Việt Nam dưới dạng bản đồ theo thời gian thực. Số người nhập viện cách ly, số người đang điều trị và đã hồi phục cũng được cập nhật liên tục. Chatbot trí tuệ nhân tạo như của Zalo, Viettel, FPT giúp người dân tiếp cận diễn biến dịch bệnh, chủ động trong việc phòng ngừa.
 
Bên cạnh đó, AI còn được sử dụng trong các ứng dụng khác như Bluzone, NCOVI giúp ngành y tế phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh sớm và gửi tới cơ quan chức năng. Đồng thời, giúp ngành y tế giám sát dịch bệnh và có phương án ứng phó kịp thời.
 
Trên thế giới, việc sử dụng AI vào phòng chống Covid-19 còn ở một cấp độ cao hơn. Trung Quốc đã sử dụng AI để dự đoán nguy cơ bệnh trở nặng ở những bệnh nhân mắc Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình can thiệp và điều trị sớm đối với bệnh nhân. Trung Quốc cũng đã công bố dịch vụ phân tích hình ảnh y tế định lượng được hỗ trợ bởi AI cho ra các kết quả định lượng chụp cắt lớp vi tính (CT) trong vài giây.
 
Mỹ cũng công bố giải pháp mới để xác định các trường hợp mắc Covid-19 là sự kết hợp giữa  hình ảnh chụp CT và các dữ liệu y tế khác gồm triệu chứng, độ tuổi, mẫu máu và vết tiếp xúc của đối tượng chẩn đoán… Độ chính xác của AI này, theo ông Zahi Fayad, Giám đốc Viện Nghiên cứu kỹ thuật và hình ảnh y sinh (BMEII), là “vượt trội so với cả chuyên gia chẩn đoán kinh nghiệm, thậm chí tốt hơn đối với những trường hợp kết quả chụp CT không ghi nhận triệu chứng lâm sàng ở phổi”.
 
Ứng dụng AI trong thực tế tại Việt Nam
 
Tại Việt Nam, từ vài năm trước, AI đã được sử dụng vào y tế bằng con đường nhập khẩu công nghệ và cả tự nghiên cứu, phát triển. Ở nhánh chuyển giao công nghệ, tiêu biểu là hệ thống IBM Watson for Oncology (IBM WFO) ứng dụng AI hỗ trợ chẩn đoán và  đưa ra phác đồ điều trị 13 loại ung thư đã được vận hành tại một số bệnh viện và được đánh giá cao. Hay như ứng dụng phần mềm AI RAPID điều trị nhồi máu não đến sau 6 giờ tại Bệnh viện Nhân dân 115 đã cứu sống hàng trăm bệnh nhân…
Còn ở nhánh tự nghiên cứu có giải pháp VinDr phân tích hình ảnh y tế toàn diện ứng dụng công nghệ AI của Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn (VinBDI - Vingroup) đã được thử nghiệm tại 3 bệnh viện lớn của Việt Nam. Điểm đặc biệt của giải pháp này là ứng dụng công nghệ AI trên nền tảng lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS). Trong bước đầu tiên, VinDr sẽ hỗ trợ 2 chức năng chẩn đoán bệnh lý phổi trên ảnh X-quang lồng ngực và chẩn đoán ung thư vú trên ảnh X-quang tuyến vú.
"Sự trợ giúp của AI có thể làm tăng độ chính xác của chẩn đoán hình ảnh, hỗ trợ cho các bác sỹ, giúp họ đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn", TS. Nguyễn Quý Hà, Trưởng phòng Xử lý ảnh y tế (Viện VinBDI) cho biết.
 
Theo PGS. Trần Thế Truyền, Viện AI ứng dụng (Đại học  Deakin - Australia), AI có thể giúp cho việc phân tích chính sách, cung cấp bức tranh tốt hơn và có ý nghĩa hơn từ những dữ liệu sẵn có. Tiếp theo, AI có thể đề xuất các giải pháp tối ưu, giúp giảm bớt tác động tiêu cực của chính sách, đánh giá được hiệu quả kỹ thuật, tối ưu hóa máy móc dùng cho y tế. Đặc biệt trong việc nghiên cứu, phát triển thuốc men, AI sẽ rút ngắn sự phát triển thuốc, vắc xin, sinh phẩm.
 
“Trước đây, mỗi loại thuốc phải mất 5-10 năm nghiên cứu với chí phí tối thiểu 1-2 triệu USD. Các công đoạn sàng lọc, chuyển đổi mục đích thuốc, thiết kế thuốc, cũng như kế hoạch tổng hợp phân tử thuốc có thể được tăng tốc nhiều lần bởi AI. Việc nghiên cứu thuốc mới, khả năng tiêu diệt tác nhân bằng các mô hình giả lập với các siêu máy tính trước khi thí nghiệm trên người có thể giúp lựa chọn tối ưu các thành phần và cấu trúc của thuốc, vắc xin”, ông Truyền nói.
 
Các chuyên gia cho rằng, sau đại dịch Covid-19, AI trong y tế sẽ tăng tốc, nhất là với những quốc gia đang nghiên cứu sản xuất vắc xin, áp dụng AI sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm vắc xin và thuốc điều trị. Bên cạnh đó, AI sẽ được áp dụng để dự báo nhu cầu vật tư y tế. Ngoài ra, AI sẽ tham gia mạnh mẽ vào việc hỗ trợ phát hiện, cảnh báo, chăm sóc và chia sẻ về sức khỏe tâm thần phục vụ bệnh nhân…
 
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top