Theo báo cáo của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh, trước đây, khi xuất, nhập loại hàng hóa tại cửa khẩu Lạng Sơn, doanh nghiệp (DN) phải kê khai đầy đủ thông tin về hàng hóa trên 5 loại giấy tờ khác nhau. Cùng với đó, giấy tờ này phải theo biểu mẫu của 5 đơn vị chức năng tại cửa khẩu (Hải quan, Kiểm dịch thực vật, Kiểm dịch y tế, Biên phòng, Thuế) và phải đi từng bộ phận để thực hiện các bước kiểm tra, chứng nhận… Điều này khiến DN mất nhiều thời gian đi lại, từ đó, phát sinh những chi phí không đáng có.
Trước những bất cập đó, Lạng Sơn đã chọn chuyển đổi số khu vực cửa khẩu làm mục tiêu đột phá trong công cuộc chuyển đổi số của tỉnh, đồng thời cũng là thực hiện một trong 5 trụ cột chuyển đổi số theo Nghị quyết số 49 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đó là phát triển Nền tảng cửa khẩu số nhằm phát triển nhanh, bền vững kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021-2025, tạo môi trường thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa thuận lợi.
Trong quá trình triển khai thí điểm Nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh, BĐBP đã tích cực, chủ động phối hợp cùng các cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc phát sinh nhằm từng bước hoàn thiện nền tảng, đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi.
Theo báo cáo của các lực lượng chức năng, những ngày đầu triển khai, DN khai báo thông tin mất khoảng 15-30 phút, nhưng hiện nay, thời gian khai thông tin của DN nhanh, chỉ mất khoảng từ 2 đến 5 phút. Đến nay, Nền tảng cửa khẩu số đã vận hành ổn định, các DN đã thành thạo khai báo thông tin trực tuyến. Kết quả triển khai từ ngày 21/2/2022 đến ngày 26/5/2022, đã có 100% các xe hàng khai báo trực tuyến trên Nền tảng cửa khẩu số trước khi vào cửa khẩu và được xử lý trên Nền tảng cửa khẩu số (bao gồm cả xe nhập và xe xuất). Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, có 13.661 phương tiện nhập, 4.042 phương tiện xuất; tại cửa khẩu Tân Thanh, có 6.995 phương tiện nhập và 9.140 phương tiện xuất.
Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc DN Karay chuyên xuất nhập khẩu hàng hóa tại Lạng Sơn đã khẳng định: Việc xây dựng hướng tới Nền tảng cửa khẩu quốc tế số là chủ trương đúng, cần thiết được DN ủng hộ, kỳ vọng tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu cũng như tạo niềm tin với cộng đồng DN. Do vậy, chúng tôi rất mong muốn các đơn vị liên quan cần đẩy nhanh triển khai các phần việc, sớm đưa ứng dụng Nền tảng cửa khẩu số vào vận hành trên tất cả các cửa khẩu, tạo đột phá trong công tác chuyển đổi số, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng phát triển.
Từ sự quyết liệt trong chỉ đạo của UBND tỉnh Lạng Sơn và sự nỗ lực của cơ quan chức năng, đặc biệt là của các cơ quan chuyên môn của lực lượng BĐBP, đến thời điểm hiện tại, quy trình nghiệp vụ của các lực lượng quản lý tại 2 cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn đã cơ bản đồng bộ trên Nền tảng cửa khẩu số và thông suốt khi kết nối. Thành công đó đã tạo bước đột phá trong chuyển đổi số của tỉnh Lạng Sơn, tạo đà cho kinh tế cửa khẩu phát triển nhanh và bền vững, đồng thời trở thành mô hình kiểu mẫu về cửa khẩu số trong cả nước.