Giải bài toán dữ liệu số, liên kết dữ liệu vùng
Đây là hoạt động có ý nghĩa to lớn do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức, nhằm nâng cao nhận thức CĐS trong các cấp, các ngành, các địa phương trong việc xây dựng chính quyền số; hình thành cộng đồng doanh nghiệp (DN) CĐS; thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số.
Các nội dung chính của Tuần lễ hướng trọng tâm vào các ngành, lĩnh vực chính: Văn hóa - Du lịch, Y tế, Giáo dục, Công thương, Quản trị và khai thác dữ liệu số, các sản phẩm/giải pháp quản trị DN, quản trị và chăm sóc khách hàng, truyền thông và marketing số tự động, thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt… Tuần lễ góp phần giải quyết bài toán về dữ liệu số, liên kết dữ liệu vùng, vì mục tiêu đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội hướng tới mục tiêu đưa Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương năm 2025.
Cụ thể, Tuần lễ CĐS Huế gồm hội nghị toàn thể và các phiên chuyên đề: Hội nghị phiên toàn thể với chủ đề Kiến tạo dữ liệu số - Thúc đẩy liên kết vùng; Chuyên đề 1: Thúc đẩy CĐS DN; Chuyên đề 2: Kiến tạo và khai thác dữ liệu số - Tạo đột phá phát triển du lịch văn hoá; Chuyên đề 3: Tư vấn và kết nối: Quản trị và khai thác dữ liệu số ngành giáo dục và y tế; Chuyên đề 4: Năng lực số và cơ hội bứt phá của người trẻ và Lễ trao giải thưởng VietFuture 2023. Dự kiến sẽ có hơn 50 diễn giả hàng đầu chia sẻ, trao đổi tại Tuần lễ.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương sẽ phát biểu khai mạc Hội nghị và Giải thưởng VietFuture. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng và Chủ tịch VINISA, Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa sẽ có các phát biểu khai mạc Tuần lễ.
Tuần lễ sẽ có các bài phát biểu tham luận của PGS. TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam sẽ trình bày kiến tạo dữ liệu số - thúc đẩy phát triển kinh tế số - xã hội số; Cục Phát triển DN - Bộ KH&ĐT sẽ trình bày các chính sách, hoạt động Chương trình hỗ trợ DN CĐS giai đoạn đến 2025;
Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế sẽ trình bày thực trạng và các bài toán quản trị, khai thác dữ liệu số ngành văn hóa, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế; Sở Y tế chia sẻ thực trạng và các bài toán dữ liệu số ngành y tế… Sở TT&TT Đà Nẵng sẽ chia sẻ về khai thác dữ liệu số và đề xuất chia sẻ, liên kết - thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng trung bộ…
Các DN như Công ty Hệ thống thông tin FPT sẽ trình bày cơ hội, thách thức và xu hướng khai thác dữ liệu số, Bkav trình bày CĐS toàn diện với Hệ quản trị tổng thể DN Bkav, Công ty CP Salemall sẽ tình bày thúc đẩy tăng trưởng doanh số - Giải pháp bán hàng đa kênh, Công ty Saltlux Technology trình bày Dữ liệu lớn và AI cho tổ chức và DN; Công ty CP Khoa học Dữ liệu trình bày thúc đẩy DN phát triển thương mại điện tử (TMĐT) bằng gói giải pháp dữ liệu lớn (big data); trung tâm không gian mạng Viettel chia sẻ về điện toán đám mây và vai trò của hạ tầng số trong phát triển dữ liệu số tại địa phương; New Plus Media chia sẻ chiến lược chuyển đổi tăng X3 doanh thu mùa Tết; MobiFone đề xuất giải pháp công nghệ mới trong quản trị, khai thác dữ liệu số trong ngành du lịch, văn hóa - tạo giá trị mới…
Dự kiến hơn 2.000 đại biểu tham dự Hội nghị và dự kiến đón hơn 3.000 lượt tham quan triển lãm với hơn 50 gian hàng đến từ các Bộ, ngành Trung ương; các Tỉnh, thành phố, sở, ngành khu vực Trung Bộ và các chuyên gia CĐS, DN công nghệ số, Đoàn thanh niên, sinh viên, học sinh tại Thừa Thiên - Huế và các tỉnh lân cận. Nhóm sinh viên tham gia VietFuture của trên 30 trường đại học (ĐH) trong cả nước tham gia chương trình.
Nói về VietFuture 2023, đây là sân chơi góp phần thúc đẩy hợp tác giữa các DN và nhà trường trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại các trường đại học (ĐH) trong nước và quốc tế. Do đó, trong khuôn khổ Tuần CĐS tỉnh Thừa Thiên Huế, VINASA tổ chức vòng thuyết trình, Chung tuyển và trao Giải thưởng.
Giải thưởng Sáng tạo tương lai là giải thưởng dành cho các dự án khởi nghiệp ĐMST của sinh viên các trường ĐH, cao đẳng (CĐ) trên cả nước và các dự án theo đặt hàng từ DN.
Cụ thể hơn, VietFuture 2023 được tổ chức 3 vòng: Sơ tuyển tại các trường; Thuyết trình (trực tiếp, trực tuyến) và Chung tuyển toàn quốc với các hoạt động cụ thể: thuyết trình, triển lãm, demo dự án trực tiếp, kết nối hợp tác, tuyển dụng.
Điều quan trọng, khi các đội tham dự, đạt giải thưởng sẽ được ghi nhận, và điều này góp phần nâng cao thương hiệu, thúc đẩy hợp tác giữa nhà trường, DN trong nhiều lĩnh vực: đào tạo, tuyển dụng, R&D, khởi nghiệp…
Diễn tập thực chiến ATTT thực hiện trên chính hệ thống đang vận hành
Trước đó, nằm trong chuỗi sự kiện Tuần CĐS tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2023, ngày 07/11, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Diễn tập thực chiến ứng cứu sự cố an toàn thông tin (ATTT) mạng năm 2023. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình dự và chỉ đạo diễn tập.
Đợt diễn tập nhằm vào 2 hệ thống thông tin (HTTT) quan trọng với sự tham gia của đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin (CNTT), ATTT của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh; thành viên Đội ứng cứu sự cố ATTT mạng.
Diễn tập thực chiến được thực hiện trên chính hệ thống đang vận hành tại Trung tâm dữ liệu (TTDL) của tỉnh, Đội Ứng cứu sự cố sẽ sử dụng nhân sự, công nghệ và quy trình đang có để phát hiện, ngăn chặn các hoạt động do đội Tấn công thực hiện nhắm vào hệ thống thật mà đội Ứng cứu sự cố đang chịu trách nhiệm bảo vệ.
Diễn tập được tổ chức trên tinh thần “không biết trước kịch bản, công cụ tấn công khai thác, cũng như các kỹ thuật mà tin tặc (hacker) thường sử dụng để tấn công mục tiêu”.
Điều này giúp cho các lực lượng chuyên trách đánh giá xem xét lại quy trình, kế hoạch, phương án ứng cứu khi có sự cố xảy ra, đặt ngưỡng cảnh báo và giám sát thường xuyên. Đồng thời, có sự phối hợp, phân công trách nhiệm xử lý rõ ràng giữa các đơn vị, thành viên đội ứng cứu sự cố ATTT tỉnh.
Đây là hoạt động góp phần trang bị các nội dung cơ bản của Chỉ thị số 60/CT-TTTT ngày 16/9/2021 của Bộ TT&TT về việc tổ chức triển khai diễn tập thực chiến bảo đảm ATTT mạng, trang bị quy trình tấn công và phòng thủ, công cụ để tấn công và phòng thủ, trong quá trình tham gia trực tiếp diễn tập thực chiến hệ thống DVC và Trang thông tin điện tử.
Từng bước CĐS trên từng lĩnh vực nhằm tạo thuận lợi cho người dân, DN
Thông qua sự kiện, nhân nói về các quyết tâm, chủ trương của lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong việc thúc đẩy, triển khai việc thực hiện CĐS của tỉnh, tại buổi đối thoại trực tuyến với cá nhân, tổ chức và người dân về CĐS để “Tăng trưởng và Hội nhập”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, tỉnh đã tập trung và triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp cho công tác CĐS. Qua quá trình triển khai, nhận thức về CĐS của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, DN và người dân trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét.
“Các cơ quan, đơn vị đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, từng bước CĐS trên từng lĩnh vực nhằm tạo thuận lợi cho người dân, DN. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu phục vụ CĐS được chú trọng đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả”, Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình đến nay, nhiều chỉ số cải cách hành chính hàng năm, Thừa Thiên - Huế luôn nằm trong nhóm đầu của cả nước. Đặc biệt, trong hai năm 2020, 2021, tỉnh Thừa Thiên - Huế xếp vị thứ 2/63 tỉnh, thành về chỉ số CĐS cấp tỉnh. Đồng thời, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu năm 2025 đạt 100% tiêu chí chính quyền số, hơn 90% dịch vụ công đạt cấp độ 4, kinh tế số chiếm 15 - 20% GRDP. Thừa Thiên Huế cũng là địa phương kiến tạo mô hình CĐS cấp tỉnh điển hình.
Từ những kết quả này, Thừa Thiên - Huế được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong công tác CĐS. Với sự quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, ban, ngành, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt được nhiều kết quả nhất định trong ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, hướng đến chính quyền phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và DN
Hơn nữa, theo Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Thanh Bình, để thực hiện được CĐS hiệu quả, thực chất đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội. Quan điểm xuyên suốt của tỉnh là lấy người dân, DN là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của CĐS. CĐS phải để người dân, DN hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ người dân, DN sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tin tưởng với sự thống nhất về nhận thức và hành động, quyết tâm chính trị cao, trên cơ sở những kết quả tích cực bước đầu đạt được về CĐS của tỉnh, cùng với sự vào cuộc của cộng đồng DN và nhân dân trong tỉnh, Thừa Thiên - Huế sẽ thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ CĐS đề ra theo Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy; góp phần sớm đưa Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương./.