Phát triển công nghệ AI phục vụ khách hàng
Cùng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông công nghệ số đã phát triển nhiều ứng dụng công nghệ AI phục vụ khách hàng. Các nhà mạng Viettel, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), MobiFone đã ứng dụng AI trong hoạt động giám sát điều hành mạng lưới, giúp phân tích nhu cầu khách hàng và năng lực mạng lưới theo thời gian thực, từ đó nhận biết trước xu hướng phát triển, nhận diện tình huống sớm và đưa ra cảnh báo, yêu cầu xử lý giúp nâng cao trải nghiệm thoại, kết nối internet của khách hàng.
Cụ thể, từ năm 2020, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đã ra mắt nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo của Viettel (Viettel AI Open Platform) cung cấp công nghệ nền tảng sử dụng trí tuệ nhân tạo giúp cho việc vận hành công việc của các tổ chức, doanh nghiệp được tự động hóa. Viettel là doanh nghiệp đi đầu ứng dụng AI trong y tế (phục vụ chẩn đoán nội soi qua hình ảnh) và nhiều lĩnh vực khác.
VNPT đã đặt ra chiến lược phát triển AI là làm chủ công nghệ và cung cấp các sản phẩm AI trong các lĩnh vực nhận dạng hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, xử lý âm thanh. Đồng thời áp dụng AI để cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho chính quyền, y tế, giáo dục, tài chính. VNPT còn cung cấp nền tảng, dịch vụ AI dưới dạng dịch vụ phần mềm cho xã hội, doanh nghiệp, cá nhân cùng khai thác và phát triển.
Phát triển các ứng dụng từ AI không thể không nhắc tới Tập đoàn FPT với bộ giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI. Bộ giải pháp này đang được hơn 100 doanh nghiệp tại 2 châu lục và 15 quốc gia sử dụng, giúp tăng năng suất đến 60%, đem lại trải nghiệm mới cho 12 triệu khách hàng cuối. Năm 2022, các sản phẩm, giải pháp dựa trên các công nghệ dẫn đầu, trong đó có AI đã tăng trưởng doanh thu 54,3% và mang lại hiệu quả thiết thực cho khách hàng trong và ngoài nước. Sau 23 năm đầu tư ra nước ngoài, năm 2022 lần đầu tiên FPT đạt mốc doanh số xấp xỉ 1 tỷ USD từ thị trường quốc tế, trong đó doanh thu từ dịch vụ chuyển đổi số chiếm 40%. Con số này khẳng định FPT đã đi đúng hướng trong hiện thực hóa chiến lược chuyển dịch sang cung cấp các dịch vụ công nghệ cho các tập đoàn toàn cầu dựa trên công nghệ lõi, trong đó có AI.
Tham gia các bài toán lớn về AI
Theo Giám đốc chiến lược Hệ sinh thái VNPT AI (VNPT) Lê Thái Hưng, VNPT có hệ sinh thái chuyển đổi số với các bộ giải pháp trong các lĩnh vực: Chính phủ số, thành phố thông minh, doanh nghiệp số, y tế điện tử, công nghệ 4.0 và giáo dục điện tử. Nhờ hệ sinh thái này, Tập đoàn đã phát triển những trợ lý AI theo hướng chuyên sâu cho một ngành, một lĩnh vực cụ thể. VNPT cũng đặt ra các mục tiêu phát triển công nghệ AI để trở thành một trong 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực; một trong 3 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao; một trong 3 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về AI và là một trong 20 cơ sở nghiên cứu AI dẫn đầu khu vực ASEAN.
Thông tin thêm về ứng dụng AI và mong muốn tham gia triển khai các bài toán lớn về chuyển đổi số, Tổng Giám đốc VNPT Huỳnh Quang Liêm cho biết, thời gian qua doanh nghiệp đã đầu tư các công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và hiện các giải pháp từ công nghệ xử lý hình ảnh, nhận diện khuôn mặt, giọng nói đã có những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, công nghệ chỉ có thể phát huy tác dụng khi có những đầu bài lớn về nghiệp vụ như: Trợ lý ảo, quản trị điều hành dựa trên dữ liệu... Đây là những bài toán có thể phát huy hiệu quả cao giúp doanh nghiệp Việt tập trung nguồn lực, tập trung tri thức, trí tuệ để có thể giải quyết những bài toán này và trưởng thành, phát triển trong chiến lược tự cường.
Về phía Tập đoàn Viettel, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn Tào Đức Thắng cho biết, Viettel đang triển khai xây dựng mô hình trợ lý ảo dựa trên nền tảng xử lý ngôn ngữ lớn thông minh (tương tự như ChatGPT) cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và được kỳ vọng là bước tiến lớn của chính phủ số. Hiện việc phát triển trợ lý ảo dự kiến tháng 9 tới xong phần thiết kế để tiếp tục hoàn thiện.
Trong buổi làm việc với Viettel mới đây, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã nhấn mạnh những việc cần làm của Viettel trong phát triển không gian mới, trong đó có việc phát triển AI. Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, nếu làm Viettel AI ở góc độ nền tảng để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận như một loại dịch vụ, sẽ là tương lai của nền kinh tế số! Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã nêu rõ, một trong những ứng dụng hiệu quả nhất mà AI mang lại dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn, là trợ lý ảo. Trợ lý ảo rất hữu dụng đối với các loại lao động dựa trên quy định, như các công chức nhà nước vốn chỉ được phép làm những gì mà pháp luật quy định. Với cả một “rừng” quy định thì trợ lý ảo sẽ giảm rủi ro pháp lý, tăng chất lượng, tăng năng suất lao động cho các công chức, viên chức.
“Trợ lý ảo cho hệ thống công chức, viên chức nhà nước là một bước tiến lớn của chính phủ số. Việc này sẽ đi cùng với phát triển mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt. Đây chính là nền tảng số quốc gia mà các doanh nghiệp lớn như Viettel phải làm chủ. Các doanh nghiệp công nghệ số khác sẽ dựa trên nền tảng này để phát triển các ứng dụng trợ lý ảo”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.