Dự buổi đấu giá có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng; đại diện một số đơn vị liên quan thuộc Bộ, như: Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục An toàn thông tin, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ…
Phát biểu khai mạc buổi đấu giá, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, việc tổ chức cuộc đấu giá lại quyền sử dụng tần số đối với băng tần 3800-3900 MHz (khối băng tần C3) là bước đi quan trọng nhằm đưa băng tần vào khai thác một cách hiệu quả, đáp ứng mục tiêu có từ 03 – 04 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động băng rộng 5G.
Bên cạnh đó, việc hoàn thành cuộc đấu giá băng tần lần này còn có ý nghĩa to lớn, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch, phát triển hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, đấu giá viên Công ty Đấu giá Hợp danh Lạc Việt điều hành cuộc đấu giá đã phổ biến các quy định và giải đáp, hướng dẫn thực hiện việc đấu giá.
Theo thông báo của Công ty Đấu giá Hợp danh Lạc Việt, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 3800-3900 MHz (khối băng tần C3).
Hiện Công ty Đấu giá Hợp danh Lạc Việt đang hoàn thiện các thủ tục để bàn giao hồ sơ cuộc đấu giá cho Bộ TT&TT phê duyệt và công bố theo quy định.
Trước đó, trong tháng 3/2024, Bộ TT&TT đã tổ chức thành công cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số cho khối băng tần B1 (2500 – 2600 MHz) và khối băng tần C2 (3700 – 3800 MHz). Sự thành công này là kết quả của sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Bộ TT&TT và sự tích cực tham gia của các doanh nghiệp.
Trước khi tổ chức đấu giá, tổng số băng tần IMT đã cấp cho doanh nghiệp là 340 MHz, đứng thứ 9/10 nước Đông Nam Á. Qua đợt đấu giá trong tháng 3/2024 đã bổ sung thêm 200 MHz (khối B1 và C2), nâng tổng số băng tần đã cấp lên 540 MHz, đứng thứ 6/10 nước Đông Nam Á. Việc đấu giá thành công băng tần 3800-3900 MHz (khối băng tần C3) cũng sẽ nâng tổng số băng tần đã cấp lên 640 MHz, đúng thứ 4/10 nước Đông Nam Á./.