Vấn nạn sách giả, sách lậu gây khó khăn rất lớn cho các nhà xuất bản và đơn vị phát hành hợp pháp
Hiện nay, nhiều tổ chức và cá nhân lợi dụng các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội để phát hành sách giả, sách lậu với giá rẻ, dễ tiếp cận. Điều này làm cho các nhà xuất bản và đơn vị phát hành hợp pháp phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh, giảm sút doanh thu và mất niềm tin từ bạn đọc.
Sách lậu, sách giả thường được sản xuất và phân phối một cách tinh vi, khó phân biệt với sách thật. Chất lượng in ấn kém, nội dung bị sao chép bất hợp pháp, thiếu sự kiểm duyệt là những đặc điểm thường thấy ở những ấn phẩm này, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người sử dụng.
Nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát và xử lý tình trạng buôn bán sách giả, sách lậu.
Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản; Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản… bổ sung các chế tài đối với các hành vi in lậu các sản phẩm là xuất bản phẩm và các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm…
Cùng với đó, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh hoạt động in, phát hành xuất bản phẩm. Thanh tra Bộ TT&TT đã có công văn 1547/TTra-BCXB ngày 09/10/2023 gửi Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác giám sát, chấn chỉnh hoạt động in, phát hành xuất bản phẩm. Các cơ quan chức năng của Bộ, như Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Cục An toàn thông tin, Trung tâm Internet Việt Nam đã phối hợp xác minh việc buôn bán sách giả, sách lậu để có biện pháp xử lý và ngăn chặn.
Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo các cơ quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, xây dựng đường dây nóng, phát hiện kịp thời những sai phạm để xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Tăng cường ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh sử dụng tem điện tử vào phân biệt sách thật, sách giả.
Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ để xử lý tình trạng buôn bán sách giả, sách lậu. Trước hết là hoàn thiện các chế định làm cơ sở cho xây dựng chế tài, xử lý các trường hợp lợi dụng kẽ hở pháp luật để in và phát hành sách lậu, vi phạm bản quyền. Trong đó tập trung đề xuất xây dựng sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị xuất bản, in, phát hành và toàn xã hội; phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam xây dựng Trung tâm hỗ trợ bảo vệ bản quyền tác giả sách.
Bộ sẽ phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số của Bộ Công Thương là cơ quan có thẩm quyền trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc và hoạt động thương mại điện tử trong lĩnh vực này để có biện pháp xử lý và ngăn chặn.
Xây dựng Cổng thông tin ngành in qua đó cung cấp danh sách cơ sở in thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện và xử lý những cơ sở in vi phạm pháp luật.
Tăng cường giám sát, quản lý và hình thành phương thức phối hợp xử lý các vụ việc vi phạm, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ và đúng quy định của pháp luật, tuyên truyền, khuyến khích việc tự bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan đến các nhà xuất bản, công ty phát hành sách, đẩy mạnh việc tuyên truyền theo các chủ đề cụ thể để các tác giả nắm bắt, hiểu rõ về quyền lợi chính đáng của mình và tham gia vào việc tự bảo vệ, cũng như chủ động phối hợp phòng, chống các hành vi xâm hại quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả và quyền liên quan trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành nói riêng.
Xây dựng hệ sinh thái xuất bản kết nối các nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành, cung cấp xuất bản phẩm có chất lượng cho thị trường, bạn đọc mua sách. Thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm.
Có thể nói, vấn nạn sách giả, sách lậu không thể được giải quyết triệt để nếu chỉ dựa vào nỗ lực của các cơ quan chức năng. Sự chung tay từ cộng đồng, các nhà xuất bản, đơn vị phát hành và người tiêu dùng là yếu tố then chốt. Người dân cần nâng cao nhận thức, ưu tiên lựa chọn sản phẩm sách chính hãng, đồng thời tố giác các hành vi buôn bán sách giả để bảo vệ quyền lợi của chính mình và xã hội.
Việc kiểm soát và xử lý tình trạng sách giả, sách lậu không chỉ bảo vệ ngành xuất bản mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của văn hóa đọc, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và tác giả./.