Thuốc lá làm nóng: Cần quản lý theo luật hiện hành

Thứ bảy, 13/05/2023 14:00

Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định 67/2013 sửa đổi trong quý II-2023 tới, trong đó có quy định rõ để quản lý thuốc lá thế hệ mới.

20230616-A-101.jpg
ảnh minh họa
 
Nhiều kiến nghị, đề xuất giải pháp xây dựng hành lang pháp lý để quản lý hiệu quả thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) đã được các cơ quan quản lý, chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm “TLTHM: Đủ điều kiện để quản lý ngay theo luật hiện hành” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 18-4.
Thiếu hành lang pháp lý, cơ quan quản lý lúng túng
Mở đầu buổi tọa đàm, ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (QLTT), Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương), cho biết thị hiếu của người tiêu dùng về việc sử dụng TLTHM ngày càng tăng. Mặt hàng này vẫn được thị trường “chợ đen” quảng cáo, bày bán.
Ông Nguyễn Đức Hiển cho biết Việt Nam sắp tham gia vào Hội nghị các bên lần thứ 10 (COP10) của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào tháng 11 tới đây, trong đó tâm điểm của sự kiện sẽ thảo luận về quan điểm quản lý của chính phủ các nước đối với TLTHM.
Theo ông Ngô Khải Hoàn, đối với COP10, đây là sự kiện quan trọng của quốc gia trên trường quốc tế, do đó sự thống nhất giữa các bên liên quan đến việc xây dựng chính sách quản lý các sản phẩm TLTHM cụ thể trước khi COP10 diễn ra là rất cần thiết. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ cố gắng triển khai để thống nhất ý kiến, chính sách và quan điểm về quản lý TLTHM.
Trong khi đó, theo quy định hiện nay, những loại TLTHM phổ biến như thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN) lại chưa được quản lý theo quy định.
Ông Vũ Hoài Linh, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), cũng cho biết trên thế giới, các nước phân loại quản lý TLTHM dựa theo mức độ tác hại của từng sản phẩm. Tuy nhiên tại Việt Nam, vì chưa ban hành khung pháp lý rõ ràng nên các cơ quan quản lý rất lúng túng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan TLTHM.
Hiện nay, cơ quan hải quan thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương về chính sách quản lý TLTHM. Cụ thể, Bộ Công Thương hướng dẫn các mặt hàng TLĐT, TLLN và các sản phẩm tương tự chưa được phân loại hàng hóa, chưa có tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để nhập khẩu vào Việt Nam.
Học các nước về quản lý thuốc lá thế hệ mới
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết các giải pháp giảm tác hại thay thế đã được chấp thuận và cho phép bởi các quốc gia phát triển trên toàn cầu từ Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản, New Zealand đến Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc… Các nước này đều mạnh dạn áp dụng “luật kiểm soát thuốc lá” của quốc gia để đưa các sản phẩm TLTHM vào quản lý. Việt Nam cũng nên học hỏi kinh nghiệm từ các nước này.
Do đó, theo luật sư Hậu, cần thiết phải sửa đổi Nghị định 67/2013 để quản lý TLTHM.
Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, cho hay TLTHM đã ra đời hơn 10 năm và xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… và một số nước trong khối ASEAN. Dù các nước này có cơ chế quản lý TLLN và TLĐT khác nhau nhưng phần lớn đều có điểm chung là rất nghiêm ngặt theo luật hiện hành.
“Chính vì thế, giai đoạn 2018-2019, Bộ Công Thương đã xây dựng hoàn thiện đề tài về quản lý TLTHM và đề xuất sửa đổi Nghị định 67/2013 để hoàn thiện chính sách quản lý đối với mặt hàng này” - ông Hoàn nói.
Sẽ trình dự thảo nghị định vào quý II-2023
Theo ông Ngô Khải Hoàn, năm 2020 và 2021, trong quá trình lấy ý kiến từ các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp, nhiều bên đồng ý và thống nhất là nên có một hành lang pháp lý đối với TLTHM. Bộ Công Thương tiếp tục được giao phối hợp với Bộ Y tế để thống nhất việc quản lý TLTHM. Bộ Công an và Bộ Quốc phòng cũng tăng cường phòng, chống việc buôn lậu.
“Để hoàn thiện chính sách đối với các loại hình TLTHM thì Bộ Công Thương đã tổng hợp đầy đủ ý kiến các bên để có đề xuất đưa TLTHM vào quản lý dưới hình thức quy định trong nghị định. Dự kiến quý II-2023, bộ sẽ trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định về quản lý TLTHM” - ông Hoàn thông tin.
Tổng kết nội dung buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, cho biết có ba vấn đềvề TLTHM được trao đổi và thống nhất. Thứ nhất, hiện nay TLTHM đã được cấp mã số hàng hóa quốc tế, đã có đầy đủ các tiêu chí về việc quản lý thuốc lá. Riêng TLLN được sản xuất với thành phần nicotine, sản phẩm với nguyên liệu từ lá, cây… của cây thuốc lá. Như vậy về tiêu chí hàng hóa thì TLLN đã đáp ứng, về tiêu chí pháp luật cũng đã đáp ứng và Chính phủ cũng đã giao các bộ, ngành chức năng soạn thảo xem xét thay thế Nghị định 67 để quản lý mặt hàng này. Đây là điều kiện pháp lý để quản lý TLTHM nói chung, TLLN nói riêng.
Thứ hai, việc không quản lý TLTHM sẽ gây ra hậu quả lớn cho xã hội như Nhà nước không thu được thuế, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng cũng thiếu đi pháp lý để tuyên truyền, vận động giáo dục, cũng như kiểm định TLTHM. Điều này cũng ảnh hưởng xấu đến trật tự QLTT, gây bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh, khó khăn khi xử phạt trong xử lý hình sự...
Thứ ba, theo ông Hiển, về sự cấp bách trong kiểm soát TLTHM, từ nhiều năm trước Chính phủ đã yêu cầu phải hoàn thiện khung pháp lý để quản lý TLTHM. Cho tới bây giờ chúng ta vẫn chưa có văn bản thay thế, gây lúng túng trong công tác quản lý. Mặt khác, việc này gây ảnh hưởng đến vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam trong công tác kiểm soát mọi sản phẩm thuốc lá hiện diện trên thị trường.
Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN, đại biểu Quốc hội:
Cần quy định quản lý rõ ràng đối với thuốc lá thế hệ mới
Về cơ sở pháp lý nên bổ sung ở góc độ nghị định, định nghĩa về TLTHM, chỉ cần sử dụng một phần nguyên liệu của thuốc lá thì có thể coi là thuốc lá.
Ở một khía cạnh nào đó, theo tôi thì TLTHM là một giải pháp để giảm thiểu tác hại của thuốc lá. Người tiêu dùng hoàn toàn có quyền tiếp cận với loại TLTHM này. Bởi trên thực tế, chúng ta không thể định hướng được người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm nào, hút lúc nào và hút ra sao.
Cái chúng ta có thể bảo vệ và can thiệp được với người tiêu dùng là thông qua việc gián tiếp bảo vệ nguồn hàng chính thức, không nhập lậu, không hàng giả, không hàng nhái. Chính vì thế, dù là sản phẩm thuốc lá nào, theo tôi thì cũng cần được kiểm soát và có luật quản lý cụ thể, hài hòa giữa quyền lợi của người tiêu dùng và sản phẩm.
Như vậy, theo tôi thì cần phải có hành lang pháp lý rõ ràng theo hướng sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, sửa đổi Nghị định 67/2013 để có những quy định cụ thể, rõ ràng về TLTHM.
Ông ĐẶNG THÁI THIỆN, Phó Trưởng phòng Giám sát Cục Hải quan TP.HCM:
Hải quan thế giới đã cấp mã HS cho thuốc lá thế hệ mới
Trong năm 2022, Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) đã có mã số HS riêng cho mặt hàng TLTHM vì số lượng và thị trường tiêu dùng của mặt hàng này rất lớn và phổ biến tại nhiều quốc gia. WCO đã chính thức phân loại TLLN là sản phẩm thuốc lá, quản lý theo mã HS.2403.99 (sản phẩm thuốc lá khác).
Ông VŨ VĂN TRUNG, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam:
Hành lang pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng
TLTHM đã xuất hiện tại Việt Nam từ rất lâu, từ hơn 10 năm qua nhưng chưa có văn bản pháp lý nào quản lý mặt hàng này. Thực tế ở các quốc gia đang phát triển, phát triển đều đã có quy định pháp luật chặt chẽ để quản lý và bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.
Tôi thấy đề nghị các bộ, ngành liên quan phải nhìn thẳng vào vấn đề, ban hành quy định quản lý TLTHM càng sớm càng tốt.
 
(Nguồn: plo.vn)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top