Bắt nhịp với số hóa
Đối với Đắk Lắk, nông nghiệp vẫn được xác định là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội và chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh (khoảng 35% GRDP).
Chính vì vậy, phát triển kinh tế số đã được ngành nông nghiệp chủ động tuyên truyền, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ.
Đến nay đã có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện ứng dụng các công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ như: Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm đã liên kết với người dân thực hiện mô hình Cà chua trái cây Nova ứng dụng nhật ký điện tử và các thiết bị thông minh; Hợp tác xã Ea Tân (huyện Krông Năng) áp dụng phương pháp quản lý vườn cây bằng công nghệ số, sử dụng nhật ký nông hộ điện tử và đã xây dựng bản đồ số nông nghiệp trên diện tích của hợp tác xã; Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm (huyện M'Drắk) ứng dụng các công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Đáng chú ý là thời gian qua, gần 10.000 cây sầu riêng tại xã Chứ Kbô (huyện Krông Búk) của Công ty Cổ phần Nông nghiệp CNC Hoàng Mỹ Tây Nguyên được gắn QR code. Đây là hoạt động đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh, hướng đến nền nông nghiệp minh bạch và trách nhiệm.
Ông Trần Kim Tiền, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp CNC Hoàng Mỹ Tây Nguyên cho biết, việc gắn QR code, niêm yết trên nền tảng công nghệ sẽ giúp mở ra cánh cửa cho việc truy xuất nguồn gốc, định vị và cá nhân hóa từng cây sầu riêng. Từ đó tăng cường niềm tin cũng như nâng giá trị của sản phẩm sầu riêng Việt Nam. Trong đó, nhật ký chăm sóc điện tử sẽ thể hiện toàn bộ quá trình phát triển của cây, giúp việc đánh giá chất lượng minh bạch.
"Chương trình không chỉ là việc số hóa cây sầu riêng, mà đây là việc xây dựng một cộng đồng nông dân sáng tạo, có tư duy đổi mới và xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên thị trường thế giới”, ông Tiền nhấn mạnh.
Còn nhiều thách thức
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của công nghệ số mới như: Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), Chuỗi khối (Blockchain), Dữ liệu lớn (Big Data)… đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới.
Chính vì vậy, nếu không có những thay đổi mạnh mẽ về khoa học và công nghệ, nhất là các công nghệ số mới hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng như Đắk Lắk sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới.
Bên cạnh đó, làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hiện nay, đường lối phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 đang là những giải pháp tổng thể và triệt để khắc phục những hạn chế mà nền nông nghiệp các địa phương đang phải đối mặt.
Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp thì cần thực hiện số hóa dữ liệu ngành bằng cách đẩy mạnh phát triển các nền tảng số, ứng dụng số, hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, rừng, thủy sản, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, thị trường…; kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, trung tâm dữ liệu quốc gia một cách thống nhất, đồng bộ từ đó làm cơ sở cho việc phân tích, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư cho chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác phục vụ chỉ đạo điều hành và phát triển kinh tế - xã hội… Đây lại đang là những "điểm nghẽn" của ngành nông nghiệp trong lộ trình thúc đẩy số hóa.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, mặc dù đã tích cực trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế số và đã đạt kết quả tương đối khả quan, nhưng nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực vẫn chưa triển khai được do hạ tầng cơ sở còn hạn chế và chưa đồng bộ, kinh phí hỗ trợ của Nhà nước hầu như không có, chủ yếu là dựa vào nguồn lực của người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến khó khăn trong kết nối, liên thông, chia sẻ, khai thác hiệu quả, do đó chưa đáp ứng được tính chính xác và kịp thời, chưa có sự tương tác, kết nối liên thông dữ liệu giữa các nền tảng phần mềm quản lý với nhau. Mặt khác, việc tiếp cận các nền tảng số tiên tiến hiện nay vẫn còn hạn chế do một số nền tảng muốn thực hiện được vẫn phải qua các đơn vị trung gian…
Tại Hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chỉ ra các vướng mắc của ngành, đó là: hạ tầng số trong nông nghiệp còn rất yếu và có lẽ là đang ở mức yếu nhất trong tất cả các ngành; vấn đề cải cách hành chính, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình mới đạt 16% trong khi kế hoạch đến cuối 2024 phải đạt 80%; số hóa dữ liệu trong nông nghiệp, trên thực tế dữ liệu này của ngành nông nghiệp rất lớn nhưng tỷ lệ đã thống kê và có thể kết nối vào hệ thống chung vẫn chưa cao…
Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp để công tác chuyển đổi số được thuận lợi hơn; đồng bộ về cơ sở dữ liệu để có thể đấu nối vào Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, phải triển khai hệ thống hạ tầng số để làm sao có thể kết nối, chia sẻ và sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu đã có, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con nông dân và doanh nghiệp khi tham gia xây dựng hệ thống này…