Thúc đẩy chuyển đổi số ngân hàng, góp phần đẩy lùi và xóa bỏ “tín dụng đen

Thứ hai, 05/06/2023 22:13

Trước thực trạng “tín dụng đen” vẫn tồn tại dai dẳng, chuyển từ hình thức này qua hình thức khác, các đại biểu Quốc hội kiến nghị cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ tham gia phát triển ngân hàng số để góp phần đẩy lùi và xóa bỏ “tín dụng đen”.

20230606-m03.jpg

Ảnh minh họa

Giải quyết tận gốc “tín dụng đen”

Chiều 5/6, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phát biểu thảo luận tại Tổ 8, đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên nêu rõ, qua nghiên cứu dự thảo Luật và hồ sơ dự án xây dựng luật, đại biểu nhận thấy có một vấn đề có thể coi là một nhiệm vụ chính trị mà dự thảo vẫn chưa đưa ra để giải quyết, đó là xóa bỏ “tín dụng đen”.

“Vừa qua, lực lượng công an trên toàn quốc đã triệt phá nhiều đường dây đòi nợ bằng các thủ đoạn cưỡng ép, phạm pháp. Điều đó chứng tỏ “tín dụng đen” vẫn tồn tại dai dẳng, chuyển từ hình thức này qua hình thức khác”, đại biểu nhấn mạnh.

Từ đó, nữ đại biểu kiến nghị, để xóa bỏ “tín dụng đen”, cần giải quyết tận gốc vấn đề: Người dân có nhu cầu vay nhanh những khoản vay ngắn hạn, giá trị nhỏ (chủ yếu là tín chấp), song hệ thống các tổ chức tín dụng hiện tại không đáp ứng được nhu cầu này của người dân vì thủ tục phức tạp, chi phí giao dịch cao so với giá trị khoản vay, do đó họ phải tìm tới tín dụng đen với rất nhiều rủi ro.

Để giải quyết bài toán này, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng cần ứng dụng công nghệ, phát triển ngân hàng số, cho phép xử lý giao dịch với số lượng lớn trong thời gian ngắn, giảm chi phí giao dịch.

Việc xử lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu quy mô lớn cũng cho phép đánh giá đúng khả năng trả nợ của người vay, giảm thiểu rủi ro và chi phí thu nợ, đại biểu nêu rõ.

Đại biểu tỉnh Điện Biên cũng ghi nhận dự thảo đặt vấn đề về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát việc ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng được quy định tại Điều 97.

Tuy nhiên, theo đại biểu, cơ chế này có thể gây quan ngại về việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp “làm những việc pháp luật không cấm”, đặc biệt là trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo; đồng thời trao cho cơ quan quản lý quyền quyết định tuyệt đối về thời gian, phạm vi, đối tượng thực hiện - thực chất là cấp phép mà không đi cùng các điều kiện minh bạch, rõ ràng.

Chính vì vậy, để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, góp phần đẩy lùi và xóa bỏ tín dụng đen, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Chính phủ và cơ quan soạn thảo bổ sung có quy định về ngân hàng số tại dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), với nội dung cơ bản: Khuyến khích ứng dụng công nghệ thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ tham gia phát triển các hoạt động ngân hàng số tại Việt Nam.

Tăng cường phòng ngừa rủi ro

Góp ý một số nội dung cụ thể về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) cho biết, dự thảo Luật đã hướng đến tăng cường phòng ngừa rủi ro, xây dựng công cụ để quản lý các tổ chức tín dụng, song vẫn nặng về phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành tổ chức tín dụng.

Theo đại biểu, nên nhấn mạnh hơn đến phòng ngừa rủi ro, thay vì để xảy ra rủi ro rồi mới đi xử lý.

Kiến nghị giải pháp, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, việc kiểm soát hoạt động tín dụng hiện nay thuận lợi hơn rất nhiều nhờ chuyển đổi số, song tại dự thảo Luật hiện nay chỉ có một quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, được quy định tại Điều 96.

Đại biểu cho rằng như vậy là không đủ, đề xuất việc sửa luật này cần phải nhấn mạnh vào chuyển đổi số.

Trung Hưng (nhandan.vn)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top