Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, việc hình thành hệ sinh thái và kết nối hệ thống thanh toán do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, vận hành và quản lý cùng với các nền tảng số quốc gia như Nền tảng định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an; Hệ thống hóa đơn điện tử của Bộ Tài chính cấu thành nên hạ tầng quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số nền kinh tế.
Chuyển đổi số giúp cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, hưởng lợi từ các dịch vụ số cơ bản, thiết yếu. Các dịch vụ này đã tích hợp sâu rộng để đảm bảo giao dịch số của các ngành, lĩnh vực khác được thực hiện xuyên suốt, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và thúc đẩy các giao dịch xuyên biên giới.
Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, xu hướng chuyển đổi số ngành Ngân hàng trong thời gian tới cần được xem xét, thúc đẩy ở các khía cạnh sau:
Dữ liệu đóng vai trò quan trọng của nền kinh tế, ngành Ngân hàng là ngành có nhiều dữ liệu, cần phải khai thác hiệu quả để tạo nên nhiều giá trị cho ngành nói riêng và hoạt động của nền kinh tế nói chung.
Ứng dụng công nghệ số trong toàn ngành Ngân hàng chính là phương tiện kỹ thuật quan trọng trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng sang quản trị số và cung cấp dịch vụ dựa trên dữ liệu.
Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đang vào giai đoạn ứng dụng rộng rãi. Ngành Ngân hàng cần tăng cường sử dụng để cung cấp dịch vụ dựa trên dữ liệu và điều hành một cách linh hoạt hơn, thông minh hơn. Đồng thời cần xây dựng hệ thống kết nối online để có thể giám sát bằng công nghệ, giám sát online.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc đảm bảo an ninh, an toàn thông tin là nền tảng cho chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Tình hình tấn công mạng và lừa đào trực tuyến nhằm vào người dùng đang có xu hướng gia tăng, tấn công mã hóa chiếm quyền hệ thống thông tin cũng tăng mạnh. Bộ TT&TT đề nghị ngành Ngân hàng quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo tại Công điện số 33/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng, về nâng cao năng lực phòng thủ, quản trị rủi ro, bảo vệ dữ liệu khách hàng...
Một số kết quả nổi bật về chuyển đổi số ngành ngân hàng:
Tại Ngân hàng nhà nước, 100% các thủ tục hành chính đủ yêu cầu được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; trên 90% hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ trên môi trường số (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Đến cuối năm 2023, đã có 87,08% người trưởng thành tương ứng 182 triệu tài khoản thanh toán vượt kế hoạch đặt ra tại Quyết định 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tại các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 80% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường số; 55% nghiệp vụ ngân hàng được số hóa hoàn toàn; 49% khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 66% số lượng giao dịch của khách hàng thực hiện trên môi trường số; 17 TCTD đã số hóa hoàn toàn với các dịch vụ cho vay cá nhân, nhỏ lẻ.