Lời tòa soạn: Thông tin cơ sở là một lực lượng truyền thông đặc biệt. Đây là hệ thống truyền thông tiếp cận trực tiếp đến người dân, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội và sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên. VietNamNet xin gửi tới độc giả tuyến bài viết về công việc của những người đang làm công tác thông tin cơ sở.
Bài 1: Các nước đang 'nói chuyện' với người dân bằng cách nào?
PV: Vai trò của thông tin cơ sở ở các địa phương rất quan trọng trong công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của chính quyền địa phương... Tuy nhiên, ở một số địa phương hoạt động này chưa được quan tâm đúng mức. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Cục trưởng Nguyễn Văn Tạo: Thông tin cơ sở là kênh truyền thông tiếp cận trực tiếp đến người dân, phát huy được sức mạnh truyền thông ở cơ sở. Từ trước đến nay, hoạt động thông tin cơ sở chủ yếu được truyền tải thông tin đến người dân thông qua một số loại hình như đài truyền thanh cấp xã và cấp huyện, bảng tin công cộng, bản tin, tài liệu không kinh doanh, hoạt động tuyên truyền viên cơ sở.
So với các loại hình truyền thông khác như báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình, thông tin cơ sở có đối tượng quản lý, sử dụng và lực lượng tham gia hoạt động thông tin, tuyên truyền đông gấp nhiều lần.
Trong xu thế chuyển đổi số báo chí, truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng, hoạt động thông tin cơ sở đang từng bước thay đổi phương thức, sử dụng các nền tảng công nghệ để tuyên truyền, phổ biến thông tin trực tiếp đến người dân như mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin trên Internet, các app chức năng, tin nhắn viễn thông...
Có thể khẳng định, hoạt động thông tin cơ sở đã và đang đóng góp hết sức quan trọng vào công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của chính quyền địa phương, phổ biến các kiến thức khoa học, kỹ thuật, kinh tế, văn hóa, xã hội và phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 49/2024/NĐ-CP quy định về hoạt động thông tin cơ sở - lần đầu tiên hoạt động này được quy định một cách "chính danh". Theo ông, đâu là những giá trị, ý nghĩa mà Nghị định này mang lại?
Cục trưởng Nguyễn Văn Tạo: Ngày 10/5/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thay mặt Chính phủ ký ban hành Nghị định số 49/2024/NĐ-CP quy định về hoạt động thông tin cơ sở.
Đây là lần đầu tiên hoạt động thông tin cơ sở được thể chế hóa ở tầm Nghị định, thay thế Quy chế hoạt động thông tin cơ sở được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 6/12/2016.
Lâu nay, khi nói đến thông tin cơ sở, nhiều người cho rằng đó là công việc của xã, phường, của phía dưới. Nghị định số 49/2024/NĐ-CP đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới. Theo đó, thông tin cơ sở được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng cho cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Hoạt động thông tin cơ sở phải có sự tham gia ở tất cả các cấp, các ngành chứ không chỉ là công việc của xã, phường, thị trấn.
Không chỉ vậy, Nghị định số 49/2024/NĐ-CP đã mở rộng không gian phát triển của hoạt động thông tin cơ sở. Trước đây, nói đến thông tin cơ sở là mọi người nói đến loa đài, thì bây giờ, thông tin cơ sở sử dụng cả những loại hình thông tin, phương tiện thông tin hiện đại như cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin trên Internet, tin nhắn viễn thông để tuyên truyền, phổ biến thông tin trực tiếp đến người dân.
Nghị định số 49/2024/NĐ-CP được ban hành sẽ tác động như thế nào đến hoạt động thông tin cơ sở?
Cục trưởng Nguyễn Văn Tạo: Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2024/NĐ-CP đã nâng địa vị pháp lý của hoạt động thông tin cơ sở. Nghị định còn khẳng định tính chính danh của lực lượng tham gia hoạt động thông tin cơ sở, chẳng hạn như lực lượng tuyên truyền viên cơ sở. Nghị định đã quy định rõ tuyên truyền viên cơ sở là những ai, trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc xây dựng lực lượng, cung cấp thông tin, tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền cho họ.
Như tôi đã nói ở trên, Nghị định số 49/2024/NĐ-CP đã mở rộng không gian phát triển của hoạt động của thông tin cơ sở, từ các loại hình thông tin truyền thống như đài truyền thanh , bảng tin công cộng, tuyên truyền viên cơ sở... sang sử dụng cả các loại hình thông tin hiện đại, đa phương tiện, đa nền tảng như cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin trên Internet....
Nghị định số 49/2024/NĐ-CP cũng tạo cơ sở pháp lý trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số hoạt động thông tin cơ sở để kịp thời cung cấp thông tin nguồn và quản lý, giám sát, đánh giá được hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở trên môi trường số.
Thông qua các hình thức thể hiện, không gian phát triển mới, hoạt động thông tin cơ sở sẽ chuyển đổi từ thông tin một chiều là chính sang tương tác với người dân, tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và thông tin nội dung trả lời của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Việt Nam có sự đa dạng lớn về địa hình, điều kiện tự nhiên cũng như có sự khác biệt lớn về văn hóa giữa các vùng, miền. Vậy làm thế nào để thúc đẩy hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở?
Cục trưởng Nguyễn Văn Tạo: Thông tin cơ sở cần phải được tiếp cận đến tất cả người dân, nhiều đối tượng khác nhau, với trình độ nhận thức, hiểu biết và nhu cầu thông tin khác nhau. Để làm được điều đó, với mỗi đối tượng, ở vùng, miền, chúng ta có thể sử dụng những loại hình truyền thông khác nhau sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở từng vùng, miền.
Việc sử dụng hình thức truyền thông trên mạng xã hội, trên các nền tảng sẽ phù hợp với khu vực đô thị, hoặc với đối tượng là thanh niên, sinh viên hơn so với người dân ở vùng nông thôn. Với đối tượng người lớn tuổi, có thể nhiều người vẫn thích những hình thức truyền thống như nghe phát thanh, đọc bản tin thay vì các hình thức truyền thông hiện đại.
Nghị định số 49/2024/NĐ-CP đã quy định rõ 8 loại hình hoạt động thông tin cơ sở. Việc sử dụng loại hình nào, trong những tình huống cần truyền thông đến người dân, các cơ quan, tổ chức và chính quyền các cấp căn cứ vào điều kiện thực tế để sử dụng và phát huy cho phù hợp.
Sau khi Nghị định số 49/2024/NĐ-CP có hiệu lực, ông kỳ vọng lĩnh vực thông tin cơ sở sẽ thay đổi thế nào trong thời gian tới?
Cục trưởng Nguyễn Văn Tạo: Nghị định số 49/2024/NĐ-CP sẽ làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm và hành động của cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các cấp đối với vị trí, vai trò của hoạt động thông tin cơ sở, tầm quan trọng của thông tin cơ sở bởi đây là kênh truyền thông tiếp cận trực tiếp tới người dân, gần dân, sát dân nhất.
Khi thấy được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động thông tin cơ sở, cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các cấp sẽ quan tâm hơn tới việc tổ chức xây dựng hệ thống, bố trí nguồn lực để phát triển hoạt động thông tin cơ sở.
Cùng với xu thế chuyển đổi số, hệ thống thông tin cơ sở sẽ được xây dựng, phát triển, hiện đại hóa, sử dụng các phương thức truyền thông mới, công nghệ mới trong việc làm truyền thông để tiếp cận và đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của người dân.
Cảm ơn ông!
Số liệu thống kê trên cả nước về thông tin cơ sở (tính đến tháng 3/2024):
- 10.070 xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh, đạt 95%. Số nhân sự phụ trách đài truyền thanh khoảng 14.000 người là công chức cấp xã kiêm nhiệm (chiếm 45%) và người hoạt động không chuyên trách cấp xã (chiếm 55%).
- 666 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có đài truyền thanh - truyền hình hoặc trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao/trung tâm truyền thông và văn hóa có hoạt động truyền thanh - truyền hình, đạt 94,5%. Số nhân sự hoạt động truyền thanh - truyền hình cấp huyện khoảng 7.000 viên chức và người lao động.
- 1.716 bảng tin điện tử công cộng của cấp xã và 724 bảng tin điện tử công cộng của cấp huyện quản lý.
- 7.277 trang thông tin điện tử của UBND cấp xã (đạt 57,8%) và 703 cổng/trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện (đạt gần 100%).
- 221.000 tuyên truyền viên cơ sở trực tiếp làm công tác tuyên truyền, vận động ở các thôn, tổ dân phố.
Nội dung cơ bản của Nghị định số 49/2024/NĐ-CP:
Nghị định quy định về hoạt động thông tin cơ sở gồm 4 chương, 43 điều:
Chương I: Quy định chung, gồm 6 điều, trong đó Khoản 1 Điều 3 quy định cụ thể thông tin cơ sở là thông tin thiết yếu được truyền tải trực tiếp đến người dân thông qua 8 loại hình thông tin chủ yếu; Điều 6 quy định cụ thể về nội dung thông tin thiết yếu của hoạt động thông tin cơ sở.
Chương II: Hoạt động thông tin cơ sở, gồm 8 mục, 28 điều, quy định cụ thể về 8 loại hình hoạt động thông tin cơ sở:
- Đài truyền thanh cấp xã.
- Bảng tin công cộng.
- Bản tin thông tin cơ sở.
- Tài liệu không kinh doanh phục vụ hoạt động thông tin cơ sở.
- Tuyên truyền trực tiếp qua tuyên truyền viên cơ sở.
- Tuyên truyền trên cổng hoặc trang thông tin điện tử.
- Tuyên truyền qua mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin trên Internet.
- Tuyên truyền qua tin nhắn viễn thông.
Chương III: Tổ chức thực hiện, gồm 6 điều, quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về thông tin cơ sở; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền các cấp tham gia hoạt động thông tin cơ sở.
Chương IV: Điều khoản thi hành, gồm 3 điều, trong đó quy định Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024 và Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 6/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.