Thông tin cơ sở là đặc sắc riêng có của Việt Nam, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công tác truyền thông chính sách

Thứ sáu, 28/06/2024 20:43

Sáng ngày 28/6/2024, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị toàn quốc phổ biến, triển khai thực hiện Nghị định số 49/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 của Chính phủ quy định về hoạt động thông tin cơ sở. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với số lượng đại biểu tham dự rất đông đảo tại 6.110 điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã trên cả nước.

Thông tin cơ sở là đặc sắc riêng có của Việt Nam, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công tác truyền thông chính sách
- Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị

Nghị định số 49/2024/NĐ-CP mở ra không gian phát triển mới của hoạt động thông tin cơ sở

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhận định, thông tin cơ sở là hệ thống truyền thông tiếp cận trực tiếp đến người dân, cung cấp thông tin thiết yếu sát với nhu cầu của người dân ở từng thôn, bản, tổ dân phố, các xã, phường, thị trấn; đồng thời là phương tiện thông tin phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở.

Trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ của báo chí, truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng, thông tin cơ sở đang từng bước thay đổi, ứng dụng công nghệ trong đổi mới phương thức hoạt động.

Thông tin cơ sở là đặc sắc riêng có của Việt Nam, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công tác truyền thông chính sách
- Ảnh 2.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm: Thông tin cơ sở là đặc sắc riêng có của Việt Nam

Thứ trưởng cho biết, Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương đã và đang sử dụng một phần năng lực của hệ thống truyền tải thông tin hiện có trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, viễn thông, mạng xã hội, các ứng dụng trên Internet để tổ chức hoạt động thông tin cơ sở, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin đa dạng, kịp thời và hiệu quả đến người dân. Đồng thời, việc hình thành đội ngũ những người làm công tác thông tin cơ sở và thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ này cũng là một nhiệm vụ quan trọng.

Do đó, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo phải đổi mới về thể chế, chính sách để thông tin cơ sở có thể phát triển theo xu hướng hiện đại, khẳng định được vị trí, vai trò của thông tin cơ sở trong hệ thống truyền thông của đất nước.

Nghị định số 49/2024/NĐ-CP là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên ở tầm nghị định điều chỉnh toàn bộ các hoạt động thuộc lĩnh vực thông tin cơ sở. Nghị định ra đời đã mở ra không gian phát triển mới của hoạt động thông tin cơ sở, từ các loại hình thông tin truyền thống sang sử dụng các loại hình thông tin hiện đại, đa phương tiện, đa nền tảng. Đặc biệt Nghị định đã chuyển đổi hoạt động thông tin cơ sở từ thông tin một chiều là chính sang tương tác với người dân, tiếp nhận thông tin phản ánh và thông tin nội dung trả lời của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đối với thông tin phản ánh của người dân.

Thông tin cơ sở là đặc sắc riêng có của Việt Nam, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công tác truyền thông chính sách
- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Tạo, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở giới thiệu những điểm mới của Nghị định 49/2024/NĐ-CP

Một số điểm mới trong Nghị định 49/2024/NĐ-CP

Ông Nguyễn Văn Tạo, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở cho biết, Nghị định số 49/2024/NĐ-CP gồm có 4 chương và 43 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, thay thế Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 06/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở.

Nghị định 49/2024/NĐ-CP có nhiều quy định mới so với Quyết định 52/2016/QĐ-TTg. Nghị định đã mở rộng không gian phát triển và tương tác với người dân trong hoạt động thông tin cơ sở. Nghị định đã quy định hoạt động thông tin cơ sở thông qua 8 loại hình thông tin, trong đó có 3 loại hình thông tin mới là: Tuyên truyền qua cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin trên Internet, tin nhắn viễn thông. Từ đó, cung cấp thông tin đến người dân, tiếp nhận phản ánh và thông tin nội dung trả lời phản ánh của người dân, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở.

Nghị định quy định, Nhà nước đảm bảo nguồn lực cần thiết cho hoạt động thông tin cơ sở và bồi dưỡng năng lực cho những người tham gia hoạt động thông tin cơ sở; về hoạt động của đài truyền thanh và trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã; việc kết nối bảng tin điện tử công cộng với hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh.

Thông tin cơ sở là đặc sắc riêng có của Việt Nam, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công tác truyền thông chính sách
- Ảnh 4.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với số lượng đại biểu tham dự rất đông đảo tại 6.110 điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã trên cả nước

Nghị định cũng đề cập đến việc tổ chức các hội thi, liên hoan, giải thưởng về thông tin cơ sở, cùng với việc ban hành chế độ nhuận bút, thù lao đối với các sản phẩm truyền thông của cấp huyện, cấp xã.

Nghị định quy định chấm dứt hoạt động truyền dẫn phát sóng, tiếp sóng chương trình phát thanh của đài truyền thanh - truyền hình, các trung tâm cấp huyện có hoạt động truyền thanh trước ngày 31/12/2025.

Đồng thời, ông Nguyễn Văn Tạo cũng phổ biến một số cách làm mới để đạt được mục tiêu chuyển đổi số trong hoạt động thông tin cơ sở như: Tổ chức thiết lập hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; triển khai hệ thống thông tin nguồn thông tin cơ sở; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin cơ sở trên nền tảng MOOCS; thiết lập tài khoản Zalo OA thông tin cơ sở cho các xã, phường, thị trấn.

Cũng tại Hội nghị, ông Ngô Thanh Hiển, Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở đã giới thiệu khái quát về hệ thống thông tin nguồn thông tin cơ sở.

Đại diện lãnh đạo Cục Thông tin cơ sở đã trả lời các câu hỏi, kiến nghị của các đại biểu liên quan đến các nội dung của Nghị định, bao gồm việc quản lý và phát sóng nội dung tại đài truyền thanh cấp xã, công tác kiêm nhiệm và phụ cấp cho người phụ trách đài truyền thanh cấp xã, kinh phí duy trì hệ thống truyền thanh, cấp thẻ nhà báo… Các vấn đề này đều được Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm và Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở giải đáp cụ thể.

Hệ thống thông tin cơ sở đóng vai trò quan trọng trong công tác truyền thông chính sách

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhận định, Nghị định số 49/2024/NĐ-CP không chỉ đưa ra những quy định pháp luật ở tầm nghị định trong lĩnh vực thông tin cơ sở mà còn là sự chính thức ghi nhận vai trò của những người làm công tác thông tin cơ sở trong truyền thông chính sách. Hệ thống thông tin cơ sở là đặc sắc riêng có của Việt Nam và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công tác truyền thông chính sách, góp phần bù đắp cho những hạn chế của hệ thống báo chí bình thường không thể bám sát nhu cầu thông tin của cơ sở.

Nghị định số 49/2024/NĐ-CP cũng đặt ra lộ trình đổi mới, hiện đại hóa và ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời yêu cầu chính quyền các cấp chủ động truyền thông chính sách bằng nhiều phương thức khác nhau đến người dân. Trong tương lai, hệ thống thông tin cơ sở còn phải là kênh tiếp nhận phản ánh của người dân và chuyển các giải đáp của cơ quan nhà nước đến người dân, thực hiện chức năng thông tin hai chiều.

Cuối quý III năm nay, lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh những người làm công tác thông tin cơ sở, khẳng định vai trò quan trọng của thông tin cơ sở cũng như mong muốn sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đối với đội ngũ những người làm công tác thông tin cơ sở./.

Giang Phạm
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top