Ngành công nghiệp fintech ở Đông Nam Á tiếp tục có tốc độ phát triển vượt bậc so với các khu vực khác trên thế giới. Trong hai năm qua, do hạn chế của những đợt giãn cách bởi dịch COVID-19, thị trường fintech toàn cầu đã nhanh chóng phát triển và là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài.
Theo báo cáo "Công nghệ tài chính trong ASEAN 2021" do ngân hàng UOB, công ty kế toán PwC Singapore và Hiệp hội Fintech Singapore (SFA) công bố, các nguồn tài trợ cho những công ty khởi nghiệp (startup) về fintech trong khu vực Đông Nam Á đã tăng hơn gấp 3 lần, đạt mức kỷ lục 3,5 tỷ USD trong giai đoạn tháng 1-9/2021, so với con số khoảng 1,1 tỷ USD cả năm 2020.
Trong đó, Singapore có tổng nguồn tiền tài trợ cho lĩnh vực fintech lớn nhất ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, các quốc gia khác trong khu vực cũng đang bắt kịp, đặc biệt là các cơ quan quản lý cũng đang thúc đẩy việc triển khai fintech. Các giải pháp fintech phổ biến nhất trong khu vực bao gồm thanh toán số, ví số cũng như các dịch vụ tài chính số.
Các ngân hàng trong khu vực cũng đã bắt đầu áp dụng nhiều giải pháp fintech hơn trong các sản phẩm và dịch vụ của họ để nâng cao khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của người dùng. Sự gia tăng của các ngân hàng kỹ thuật số trong khu vực cũng là một động lực khác thúc đẩy ngành công nghiệp fintech.
Fintech còn hứa hẹn giúp người dân không sử dụng ngân hàng, vốn chiếm khoảng 50% dân số ở khu vực Đông Nam Á, được tiếp cận các dịch vụ tài chính. Indonesia và Phillippines đã và đang tăng cường các dịch vụ fintech mới để hỗ trợ người dùng, trong khi đó Việt Nam cũng đang đẩy mạnh phát triển fintech một cách toàn diện.
Điều thú vị là thị trường fintech Việt Nam hiện đang có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai trong khu vực, sau Singapore. Theo các nhà phân tích từ Tập đoàn Robocash, thị trường fintech Việt Nam dự kiến sẽ đạt 18 tỷ USD vào năm 2024 với mức độ cạnh tranh cao.
Các nhà phân tích cho biết 93% các khoản đầu tư mạo hiểm trong nước đều hướng vào phân khúc ví điện tử và tiền điện tử. Kể từ năm 2016, tổng số công ty fintech tại Việt Nam tăng 84,5%. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp mới được thành lập mỗi năm giảm từ 11 DN xuống còn 2 DN.
Lượng giao dịch tăng 152,8% kể từ năm 2016, với 29,5 triệu người dùng fintech mới. Trên thực tế, sự gia tăng số lượng người dùng fintech có nghĩa là người Việt Nam sử dụng ít nhất một dịch vụ fintech mỗi giây. Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng nhu cầu về các dịch vụ kỹ thuật số (giao dịch, thanh toán và ví) của người dân Việt Nam là đáng chú ý.
Theo thống kê của We Are Social, dân số Việt Nam tính đến năm 2021 khoảng 97,95 triệu người, trong đó 70,3% dân số tiếp cận với Internet. Số lượng thuê bao di động đạt 154 triệu, trong đó có 64% sử dụng Internet di động (3G/4G). Dân số trẻ, tỉ lệ sử dụng di động và tiếp cận Internet cao, thường xuyên dùng smartphone để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu hằng ngày như mua sắm (68,5%), tài chính ngân hàng (40,1%), giải trí và xem video (83,4%). Các khách hàng trẻ này chính là nguồn lực thúc đẩy cho kinh tế số, ngân hàng số và fintech phát triển.
Thị trường fintech Việt Nam được đánh giá là còn non trẻ và đầy triển vọng, với mức định giá thị trường đã tăng từ 0,7 USD lên 4,5 tỷ USD kể từ năm 2016.
Một trong những yếu tố rất quan trọng tác động đến sự phát triển của fintech tại Việt Nam là tác động từ phía chính sách của Chính phủ trong ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, chính phủ điện tử (thanh toán dịch vụ công) và đặc biệt là thực hiện chiến lược tài chính toàn diện với mục tiêu 80% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng vào năm 2025.
Chính phủ đã đẩy mạnh việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ công. Điều này đã có tác động rất tích cực đến toàn xã hội và thúc đẩy thanh toán bùng nổ, là cơ hội phát triển của fintech./.